Tại Hội nghị sản xuất trồng trọt quy mô lớn liên kết doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua chế biến, tiêu thụ nông sản do Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình tổ chức mới đây, Công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao vinh dự là doanh nghiệp sản xuất phân bón tiêu biểu trong cả nước được tỉnh Thái Bình lựa chọn hợp tác để cung ứng phân bón phục vụ chương trình phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn của tỉnh này.
Dự Hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh Thái Bình; đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và 70 hộ, tổ chức sản xuất trồng trọt quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, nền nông nghiệp Thái Bình có bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Theo đó, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm đổi mới cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Trong đó, năng suất lúa của Thái Bình đạt ổn định trên 130 tạ/ha và luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước, sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia.
Đặc biệt, với việc xây dựng cánh đồng mẫu, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ - chế biến quy mô lớn ở hầu hết các huyện, Thái Bình đã và đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhằm hướng tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, từ đó góp phần giảm chi phí, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương; hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao với các thiết bị hiện đại, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị đất canh tác.
Đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 1.497 tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ ruộng đất trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích 4.229,43ha.
Để đạt được mục tiêu đến hết năm 2025, tổng diện tích tập trung, tích tụ khoảng 40.000ha (bằng các hình thức như thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản...), ngành nông nghiệp Thái Bình đã đề ra một số giải pháp: Tăng quy mô đồng ruộng, xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực, phát triển khoa học công nghệ…
Bên cạnh việc lựa chọn hình thức sản xuất, đơn vị bao tiêu sản phẩm, Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình đã lựa chọn Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao là nhà cung ứng phân bón để thực hiện chương trình phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc vì sự tin tưởng, mến mộ của nhân dân Thái Bình đối với sản phẩm phân bón Lâm Thao.
Công ty luôn xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc không ngừng đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu của bà con nông dân. Đồng thời, đảm báo giá bán hợp lý để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Vũ Xuân Hồng khẳng định, thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao và phối hợp thực hiện các mô hình trình diễn điểm, nhằm giúp bà con nắm vững phương pháp bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật để đạt năng suất cao nhất, góp phần vào thành công trong chương trình phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn của tỉnh.
Công ty cũng mong muốn bà con nông dân trong tỉnh phối hợp với doanh nghiệp để ngăn chặn nạn phân bón giả, phân bón nhái và phân bón kém chất lượng đang len lỏi, trà trộn trên thị trường, gây thiệt hại cho bà con nông dân cũng như làm ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp chân chính.
Trong lĩnh vực trồng trọt, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư tích tụ, thuê mượn ruộng đất với quy mô lớn để sản xuất hàng hóa. Diện tích tích tụ, thuê mượn ngày càng nhiều, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ - chế biến quy mô lớn ở hầu hết các huyện trong tỉnh.
Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Thái Bình hiện có trên 600 tổ chức, cá nhân có diện tích tích tụ từ 2ha, trên 100 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 5ha trở lên và có khoảng 50 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 10ha trở lên.
Quá trình sản xuất hầu hết các mô hình đều áp dụng cơ giới hóa, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị thu mua, nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng mở rộng diện tích trong thời gian tới.