Dân Việt

OCOP Đắk Lắk: Nâng cao nhận thức, nâng tầm sản phẩm

P.V 29/10/2020 15:06 GMT+7
Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đang trở thành động lực để kích thích phát triển kinh tế nông thôn ở Đắk Lắk. Điều này cũng đang tạo sức bật lớn cho xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững từ việc khẳng định vị thế cho nông sản địa phương.

Tăng cường nâng cao nhận thức

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở Đắk Lắk đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền, của đông đảo các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là của người tiêu dùng…

OCOP Đắk Lắk: Nâng cao nhận thức, nâng tầm sản phẩm - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk trao chứng nhận OCOP 4 sao cho sản phẩm bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn.

Để có được điều này, thời gian qua Sở NN&PTNN tỉnh Đắk Lắk đã liên tục phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị truyền thông, báo chí kịp thời đưa tin các hoạt động, nội dung liên quan đến sản phẩm tham gia giới thiệu trong các Chương trình Hội nghị, lễ hội…Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới hợp đồng với các Tạp chí, báo in… trực tiếp tuyên truyền về các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế khi tham gia OCOP của tỉnh theo định kỳ hàng tháng. Cụ thể, năm 2019 đã đăng 9 bài viết trên tạp chí Nông thôn mới và 5 bài viết trên báo Nông thôn ngày nay. Đồng thời, đơn vị này đã ban hành 10.000 cuốn sổ tay tuyên truyền Chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, hàng năm, Sở NN&PTNN đã thống kê nhu cầu đạo tạo, xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý Chương trình OCOP (tỉnh, huyện, xã) cũng như các chủ thể tham gia Chương trình. Theo Sở NN&PTNN tỉnh Đắk Lắk, trong 2 tháng cuối năm, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là tăng cường công tác tuyên truyền. Việc này nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của "Chương trình OCOP" đến mọi tầng lớp cán bộ đảng viên và nhân dân trên địa bàn biết hiểu rõ tầm quan trọng, triển khai thực hiện.

Khẳng định chất lượng, nâng tầm giá trị sản phẩm

Vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP của tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành chấm điểm đánh giá, phân hạng đợt I cho 12 sản phẩm của 6 huyện và thành phố và đã chọn được 11 sản phẩm tiêu biểu, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao. Đây là những sản phẩm thế mạnh của các địa phương, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc. Bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) là sản phẩm duy nhất đạt 4 sao trong đợt xếp hạng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc công ty chia sẻ, sản phẩm bột ca cao nguyên chất Nam Trường Sơn đã từng được đánh giá chất lượng sản phẩm qua các hệ thống chứng nhận ISSO. Nhưng công ty vẫn tham gia đánh giá chứng nhận sản phẩm OCOP vì muốn khẳng định lại chất lượng ca cao của địa phương từ đó có thể liên kết hợp tác sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm của loại cây này trong cộng đồng.

Là một trong số sản phẩm OCOP được đánh giá 3 sao, thương hiệu Tinh bột nghệ Kim Luyến (huyện Cư M'gar) cũng một lần nữa khẳng định chất lượng sản phẩm và củng cố thêm chỗ đứng trên thị trường. Bà Trần Thị Kim Luyến, chủ cơ sở Tinh bột nghệ Kim Luyến cho biết, việc tham gia đánh giá sản phẩm theo chương trình OCOP là cách để đơn vị sản xuất mạnh dạn đặt mình vào những phân tích, đánh giá cụ thể để có thể nhận diện rõ những hạn chế, thiếu sót, tiếp tục đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện mình.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc phân loại, xếp hạng, gắn sao các sản phẩm OCOP là minh chứng về chất lượng sản phẩm. Việc này góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, bảo đảm thương hiệu của sản phẩm OCOP cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để nông nghiệp Đắk Lắk nâng tầm những sản phẩm đã có ở địa phương và nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh.

Chương trình OCOP được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện. Đồng thời, đưa việc xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Chính vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; công nhận/chứng nhận 1- 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 10-12 sản phẩm 3- 4 sao cấp tỉnh; phấn đấu xây dựng 1- 2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng văn hóa gắn với khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.