Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp và làng nghề; đặc biệt là sản phẩm ẩm thực nổi tiếng, sản xuất theo phương pháp truyền thống, thủ công, tuy nhiên do ít thay đổi về bao bì, mẫu mã và chưa có biện pháp quản lý, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nên chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Vì vậy, cần có biện pháp hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương hiệu một số sản phẩm đặc thù.
Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các đặc sản địa phương, thời gian qua, Sở KHCN có nhiều nỗ lực trong xác lập nhãn hiệu các đặc sản địa phương và đạt được những kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đăng ký chỉ dẫn địa lý cho 5 sản phẩm, nhãn hiệu chứng nhận cho 7 sản phẩm, nhãn hiệu tập thể cho 18 sản phẩm.
Việc xây dựng thương hiệu đưa lại nhiều lợi ích cho người sản xuất hưởng lợi trực tiếp, như: Sản phẩm có tem mác, bao bì, tem điện tử, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường và khách hàng; được hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản địa phương, các huyện, thành phố đã tích cực đẩy mạnh việc vận động các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 266 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Bên cạnh đó, ngành công thương thường xuyên tổ chức đánh giá, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để từ đó có kế hoạch hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm đặc sản ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu thị trường.