Tiếp tục loạt bài "Lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII: Làm sao loại bỏ những cán bộ 'thấy đỏ tưởng chín'?", PV Dân Việt có trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, nhiều trường hợp cán bộ cấp cao mắc các vi phạm, khuyết điểm từ trước nhưng họ vẫn lọt vào T.Ư, sau đó mới bị phát hiện và kỷ luật, thực tiễn này cho chúng ta bài học lớn về công tác chuẩn bị nhân sự cho Trung ương XIII thế nào?
- Bài học lớn về công tác chuẩn bị nhân sự ở đây là: Quy trình, thủ tục chỉ có thể giảm thiểu sai sót, chứ không thể loại bỏ hoàn toàn sai sót. Hơn thế nữa, nếu quy trình, thủ tục càng phức tạp, thì quyền năng của những người thực thi chúng (để chuẩn bị nhân sự) càng cao. Nếu không trong sáng, những người này hoàn toàn có thể thao túng công tác nhân sự.
"Làm nhân sự vì vậy cái tâm phải rất sáng. Chọn cho được những người có tâm sáng, có đạo đức để làm công tác nhân sự là điều kiện tiên quyết ở đây", TS Nguyễn Sĩ Dũng.
Ngoài ra, công tác chuẩn bị nhân sự theo quy trình 5 bước là rất kỹ. Tuy nhiên, phần lớn các bước này đều dựa trên những đánh giá nặng về định tính là chính.
Cụ thể, từ phát hiện, quy hoạch, lấy phiếu tín nhiệm đến bỏ phiểu bầu đều chủ yếu dựa trên đánh giá chủ quan của những người có quyền bỏ phiếu. Thực tế cho thấy, cho dù công tâm đến bao nhiêu chăng nữa, đánh giá của cá nhân bao giờ cũng mang tính chủ quan.
Một đánh giá như vậy có thể đúng, mà cũng có thể sai. Đó là chưa nói tới hiện tượng chạy phiếu, hiện tượng mặc cả, gửi gắm hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình tiến hành thủ tục nhân sự. Như vậy, quan trọng là phải tăng cường giám sát việc triển khai quy trình và thủ tục trong công tác chuẩn bị nhân sự.
Cuối cùng, quan trọng hơn là cần nghiên cứu đề ra được thêm các tiêu chí định lượng. Các tiêu chí này hiện nay về cơ bản chỉ là độ tuổi và tỷ lệ nam nữ. Các tiêu chí khách quan như thành tích thực tế đo đếm được của ngành, của địa phương, của đơn vị nên được coi là quan trọng nhất trong công tác chuẩn bị nhân sự.
Hiện chúng ta đã có tương đối đầy đủ các quy định, quy trình về công tác cán bộ, nhưng quy định tự thân nó không chọn được cán bộ mà đó chỉ là công cụ, theo ông phải làm thế nào để công cụ lựa chọn, giới thiệu cán bộ cấp chiến lược được thực hiện tốt?
- Các quy định chỉ là một phần của thể chế. Năng lực triển khai chúng trên thực tế là phần quan trọng khác. Các quy định cho dù có đầy đủ đến mấy, nhưng năng lực thực thi không đầy đủ, thì kết quả cũng sẽ hạn chế.
Năng lực thực thi gồm ba phần cấu thành: Phần hiểu biết; phần kỹ năng và phần thái độ. Tôi nghĩ, phần thái độ phải được nhấn mạnh đầu tiên ở đây. Áp dụng các quy định để lựa chọn cho được người đủ tài, đủ đức là một chuyện.
Áp dụng các quy định để hợp thức hóa nhân sự của mình (của người thân, của phe nhóm) lại là một câu chuyện khác. Làm nhân sự vì vậy cái tâm phải rất sáng. Chọn cho được những người có tâm sáng, có đạo đức để làm công tác nhân sự là điều kiện tiên quyết ở đây.
Phần hiểu biết và kỹ năng thì phải học, phải thực hành mới có được.
Theo ông sự dân chủ cần phải được phát huy thế nào để có thể sớm phát hiện, ngăn chặn người vi phạm, người không đủ tiêu chuẩn lọt vào Trung ương?
- Dân chủ là một giá trị hơn là một công cụ. Phát huy dân chủ có thể có thêm thông tin được công chúng cung cấp về các ứng cử viên vào Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, thông tin vẫn có thể bị nhiễu vì tác động của cạnh tranh, của lợi ích và động cơ tiêu cực. Phải rất thận trọng và khách quan trong việc đánh giá những thông tin này.
Quan trọng hơn là phải có các tiêu chí đánh giá khách quan như thành tích thực tế là gì? Các công việc đã được hoàn thành như thế nào? Cách đối nhân xử thế ra sao? Ngoài ra các thiết chế giám sát hữu hiệu về tài sản và thu nhập, về quan hệ thân hữu cũng rất quan trọng ở đây.
- Xin cảm ơn ông!
"Phải trung thực với bản thân, với tổ chức"
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định với Dân Việt: Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, công tác chuẩn bị nhân sự là vấn đề rất lớn, công tác này đòi hỏi phải từ hai phía. Thứ nhất, các cơ quan có trách nhiệm của Đảng trong việc chuẩn bị nhân sự. Thứ hai là phía những cán bộ, đảng viên được giới thiệu để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.
Những người nào được quy hoạch vào Trung ương phải tự nhìn nhận mình, tự đối chiếu với các tiêu chuẩn, tiêu chí trong các quy định của Đảng và Nhà nước để phấn đấu, để điều chỉnh đạo đức lối sống, công việc theo các tiêu chuẩn đó.
Người nào đã mắc vi phạm, khuyết điểm nhưng tổ chức chưa biết, chưa bị phát hiện thì nên xin rút lui. Đó là cách trung thực với bản thân, với tổ chức. Người đã mắc vi phạm, khuyết điểm sớm hay muộn cũng bị phát hiện và xử lý.
"Kinh nghiệm tại Trung ương khóa XII cho thấy, có trường hợp vào Bộ Chính trị nhưng vẫn không thể che giấu được vi phạm, khuyết điểm từ trước đó", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông – Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Để người dân góp tiếng nói quan trọng trong vấn đề lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII có rất nhiều cách. Hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 217, 218 quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; về giám sát, phản biện.
Bên cạnh đó, ông Thông cũng nhấn mạnh "cán bộ tốt hay xấu thì cứ hỏi dân là biết hết". Cho nên, trong các quy trình để giới thiệu nhân sự ứng cử, bầu cử vào các chức danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đều lấy ý kiến của nhân dân ở nơi nhân sự đó đang công tác, tại nơi cư trú.
Nhân dân có quyền thông qua MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, có thể giới thiệu nhân sự cho Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cũng mạnh dạn chỉ ra những người nào không nên đưa vào quy hoạch hay ứng cử các chức danh.
Khi cán bộ được đưa vào quy hoạch nhưng sau đó có tố giác thì cần phải xem xét, xác minh lại. Nếu đúng như tố giác thì phải đưa cán bộ ra khỏi quy hoạch. Cơ chế hiện nay đang làm theo cách này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để làm sao hoàn thiện cơ chế, nhân dân có quyền tham gia nhiều hơn về công tác lựa chọn cán bộ.