Bài 1: Bài học từ trường hợp ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao “dính chàm” - Ảnh 1.

Trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, công tác kiểm tra kỷ luật Đảng được đẩy mạnh. Lần đầu tiên có tới 2 cán bộ từng là Ủy viên Bộ Chính trị và gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, có người bị xử lý hình sự. Điều đáng nói nhiều trường hợp bị kỷ luật do vi phạm, khuyết điểm từ nhiệm kỳ trước đó.

Bài 1: Bài học từ trường hợp ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao “dính chàm” - Ảnh 2.

Bài 1: Bài học từ trường hợp ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao “dính chàm” - Ảnh 3.

Có thể thấy qua công tác cán bộ, giới thiệu nhân sự thì vụ việc của ông Đinh La Thăng là bài học sâu sắc. Về sai phạm của ông Đinh La Thăng, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thời còn là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.

Bài 1: Bài học từ trường hợp ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao “dính chàm” - Ảnh 4.

Với những sai phạm khi còn là lãnh đạo cao nhất của PVN, sau kỷ luật Đảng, ông Đinh La Thăng đã bị xử lý hình sự (năm 2018 bị 30 năm tù trong 2 vụ án cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng). Mặc dù nhận bản án 30 năm tù nhưng sai phạm của ông Thăng trong thời kỳ làm Chủ tịch HĐTV của PVN vẫn chưa hết. Ông Thăng tiếp tục bị xử lý hình sự trong vụ Ethanol Phú Thọ (sai phạm trong triển khai dự án này gây thiệt hại hơn 540 tỷ đồng).

Sai phạm của ông Thăng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, ông tiếp tục được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, sau đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (nhiệm kỳ 2011-2016). Với phong cách lãnh đạo dễ tạo được hình ảnh, đã có không ít lời khen ông Thăng có "phong cách lãnh đạo mới". Không thể phủ nhận những đóng góp của ông Đinh La Thăng nhưng đằng sau sự độc đoán, mất dân chủ, trong quá trình làm Bộ trưởng, ông Thăng tiếp tục mắc những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Tại kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (tháng 4/2019), kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhiệm kỳ 2011-2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận:

BCSĐ Bộ GTVT đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.

Nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ và Bộ GTVT. Cá nhân ông Đinh La Thăng vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công. Do lúc này ông Thăng đã bị khai trừ khỏi Đảng (khai trừ Đảng từ tháng 5/2018) nên không còn cơ sở để xử lý kỷ luật Đảng.

Thời làm Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng còn sai phạm khác bị truy tố. Đó là vụ án sai phạm ở cao tốc Trung Lương –TP.HCM thiệt hại hơn 725 tỷ đồng, các cơ quan tố tụng xác định hành vi phạm tội của ông Thăng với vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Không chỉ trường hợp ông Thăng, có những trường hợp cán bộ cấp cao khác mắc vi phạm, khuyết điểm từ giai đoạn trước sau đó mới bị phát hiện xử lý như trường hợp ông Tất Thành Cang, vi phạm khi còn là Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, sau vẫn vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (đã bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ nhiệm kỳ 2015-2020).

Ông Vũ Văn Ninh mắc vi phạm khuyết điểm khi còn là Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam (giai đoạn từ tháng 7/2006 đến năm 2011), sau ông tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương XI và làm Phó Thủ tướng. Ông Hoàng Trung Hải mắc vi phạm, khuyết điểm khi là Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bài 1: Bài học từ trường hợp ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao “dính chàm” - Ảnh 5.

Trở lại với vụ việc của ông Đinh La Thăng, sai phạm của ông Thăng và những cán bộ dưới quyền không phải không có người phát hiện, tố cáo. Kỹ sư Đỗ Văn Hải, một cán bộ công tác trong ngành Dầu khí, từ năm 2010-2011, đã viết nhiều đơn tố cáo những sai phạm của ông Thăng (không ký tên). Sau đó gửi những lá đơn này qua hòm thư điện tử (email) tới các cơ quan bảo vệ pháp luật, những người có trách nhiệm và báo giới với mục đích cung cấp thông tin về những sai phạm của ông Đinh La Thăng để các cơ quan, tổ chức này tiếp tục điều tra, làm rõ…

Tuy nhiên, những cảnh báo đó của ông Đỗ Văn Hải đã không những không được xem xét một cách nghiêm túc mà chính bản thông ông lại bị khởi tố và bắt tạm giam 3 tháng về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân. Nhưng sau đó Viện KSND Tối cao có quyết định đình chỉ vụ án với ông Hải.

Bài 1: Bài học từ trường hợp ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao “dính chàm” - Ảnh 6.

Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội): Trước đây ông Đỗ Văn Hải tố cáo ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận. Ông tố những người này làm trái chính sách, pháp luật của Nhà nước, rồi liên quan đến vấn đề tham nhũng.

Sau đó cơ quan tố tụng đã quy cho ông Hải có hành vi đưa thông tin lên mạng Internet có nội dung nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, không đúng sự thật làm mất uy tín với người khác.

"Thực tế hiện nay cho thấy ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận đều đã bị xử lý hình sự đúng như những điều mà ông Đỗ Văn Hải từng tố cáo ngày trước. Vậy trong trường hợp này ông Đỗ Văn Hải được xem là có công hay có tội. Việc ông Hải từng bị khởi tố, bắt tạm giam có thỏa đáng với người đã dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực. Hiện ông Hải đang khiếu nại cho rằng bị xử lý hình sự oan, cơ quan chức năng phải xem xét, làm rõ không nên để ông Hải "kêu" mãi", đại biểu Nhưỡng nói.

Bài 1: Bài học từ trường hợp ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao “dính chàm” - Ảnh 7.

Điểm lại số cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có nhiều trường hợp đã có vi phạm, khuyết điểm từ trước, nhưng sau đó mới phát hiện, xử lý khi họ đã chuyển vị trí công tác cao hơn, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng: Thực tiễn trên đã đặt ra cho chúng ta câu hỏi là công tác theo dõi, quản lý, đánh giá và kiểm tra, giám sát cán bộ như thế nào? Tại sao cán bộ đã từng có khuyết điểm nhưng không được xử lý mà lại bố trí vào vị trí công tác cao hơn? Còn nếu không phát hiện được thì công tác theo dõi, quản lý và kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với cán bộ chưa tốt.

Bài 1: Bài học từ trường hợp ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao “dính chàm” - Ảnh 8.

Cũng có những cán bộ thời gian trước đây là cán bộ tốt, nhưng khi được đưa vào vị trí công tác mới và ở cương vị mới, họ đã không giữ được mình, bị lợi ích vật chất tầm thường chi phối và dẫn tới suy thoái và bị kỷ luật.

Nhưng nói chung cả hai trường hợp đều đặt ra cho Đảng bài học kinh nghiệm, đó là công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, nhận xét, đánh giá cán bộ như thế nào để đánh giá đúng thực chất cán bộ và bố trí cho đúng người, đúng việc. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải đổi mới toàn diện công tác cán bộ, bảo đảm thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch để bố trí cán bộ đúng người, đúng việc.

Là người từng nhiều năm là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái (nay Bắc Thái tách thành Thái Nguyên và Bắc Kạn), ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng cho rằng: Nhiệm kỳ này Đảng ta đã hành nhiều quy định rất quan trọng để hoàn thiện công tác cán bộ, như Quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…

"Tuy nhiên, quy định tự thân Quy định không chọn được cán bộ mà đó là quy trình thủ tục hay là công cụ, quan trọng là người sử dụng nó như thế nào. Để quy định được thực hiện đúng phải mở rộng và phát huy dân chủ. Nhân dân có hàng nghìn tai, mắt, không có điều gì có thể qua được tai mắt của dân", ông Nguyễn Ngô Hai nói.

Vẫn theo ông Hai, dân chủ là khi giới thiệu cán bộ vào cấp ủy thì cần phải bàn bạc, sau đó phải lắng nghe ý kiến nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể để lựa chọn nhân sự. "Khi quy trình về công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, mở rộng dân chủ thì cán bộ nào đã mắc vi phạm khuyết điểm hoặc người có những việc làm gây dư luận không tốt chắc chắn không có cơ hội để luồn sâu, trèo cao", ông Nguyễn Ngô Hai nhấn mạnh.

Bài 1: Bài học từ trường hợp ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cấp cao “dính chàm” - Ảnh 9.

Theo TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, hiện quy trình, quy định về công tác cán bộ đã tương đối hoàn chỉnh, cụ thể. Nhưng quan trọng nhất là người thực hiện quy trình, quy định đó phải có ý thức rất cao thì mới hy vọng chọn được những người đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.

Tuy nhiên TS Thông cũng lưu ý, chúng ta cũng đừng tuyệt đối hóa vấn đề, đừng lý tưởng hóa cho rằng tới đây lựa chọn những người sáng ngời tất cả. Bởi vì đánh giá con người, đánh giá cán bộ rất khó, không đơn giản, như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đã từng nói "đừng thấy đỏ mà tưởng chín".

Theo kinh nghiệm của ông cha ta là cần "có con mắt tinh đời" mới phát hiện ra những người phẩm chất, tài năng thực sự.

(Còn nữa)

KIÊN QUYẾT KHÔNG ĐỂ LỌT VÀO BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG NHỮNG NGƯỜI CÓ 1 TRONG 7 KHUYẾT ĐIỂM SAU:

1. Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

2. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình.

3. Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

4. Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm.

5. Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp.

6. Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

7. Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.


Bài: Lương Kết  - Thành An

Thiết kế: Việt Anh 

Kỹ thuật: Hiếu Phạm


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem