Chương trình “Hướng về miền Trung và biển đảo” nằm trong chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, đặc sản vùng kiền gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên diễn ra từ ngày 29/10 - 2/11, tại phố Trịnh Công Sơn, Tây Hồ, Hà Nội.
Ngoài mục đích mở rộng thị trường kết hợp giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, chương trình quảng bá sản phẩm OCOP còn thể hiện tinh thần "tương thân tương ái" thông qua việc đấu giá các chậu hoa lan quý hiếm, sản phẩm OCOP có giá trị nổi bật nhằm lấy quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng của mưa bão và lũ lụt và gia đình các chiến sĩ, nhân dân biển đảo Trường Sa bị ảnh hưởng lũ lụt.
Khu trung tâm của sự kiện gây nổi bật với biểu trưng Cột chủ quyền quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: Đây là sự kiện thứ ba trong chuỗi 4 sự kiện theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội.
Lần thứ nhất, với sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, đã có 150 gian hàng, gồm trên 550 sản phẩm OCOP và hơn 2.000 sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đặc sản vùng miền của 27 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 15 tỉnh miền núi phía Bắc, 11 tỉnh thành trong cả nước và thành phố Hà Nội đã được trưng bày tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ.
Trong thời gian diễn ra sự kiện có các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc trưng cho các vùng miền của các tỉnh miền núi phía Bắc; Trình diễn văn hóa ẩm thực với các món ăn đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền và thưởng lãm tác phẩm biểu trưng của sự kiện kết tinh từ các sản phẩm OCOP của Hà Nội và các vùng miền được các nghệ nhân của Hà Nội thực hiện. Sự kiện cũng thu hút trên 200 tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu của Thủ đô được trưng bày tại đây.
Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền.
Tại Hội nghị đã có 175 biên bản hợp tác ghi nhớ được ký kết, trong đó có 11 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các tỉnh miền núi phía Bắc; 24 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với các tỉnh miền núi phía Bắc; 140 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn với các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia sự kiện.
Lần thứ hai với sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đã có 150 gian hàng, gần 1.000 sản phẩm OCOP và trên 2.000 sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đặc sản vùng miền của 27 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng, 18 tỉnh thành trong cả nước tham dự và thành phố Hà Nội đã được trưng bày tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ.
Đặc biệt trong thời gian diễn ra sự kiện có các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc trưng cho các vùng miền của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng; Hát ca trù, hát xẩm, cụ đồ viết thư pháp, làng nghề nặn tò he, trải nghiệm làng nghề bát tràng... được lưu diễn trong thời gian diễn ra sự kiện.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức cùng các đơn vị tham gia đã tổ chức trình diễn văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền, như: Thưởng ngoạn trà sen, bún ốc, bánh tôm Hồ Tây, cốm làng vòng, các đặc sản biểu trưng cho vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng miền trong cả nước.
Thưởng lãm tác phẩm “Tứ Linh Hội Tụ” biểu trưng cho sự kiện được kết tinh từ các sản phẩm OCOP do các nghệ nhân lành nghề thực hiện và hòa quyện cùng không gian trưng bày với trên 200 tác phẩm đặc sắc của làng hoa lan và nghệ nhân Thủ đô; Trưng bày 66 bức ảnh hoa cây cảnh và hoạt động xây dựng Nông thôn mới với chủ đề "Sắc Hương Đất Việt".
Với sự kiện lần này kết nối sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây nguyên tổ chức từ ngày 29/10 - 2/11/2020, tại khu trung tâm của sự kiện với biểu trưng là Cột chủ quyền quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc và biểu trưng sản phẩm OCOP.
Ngoài các chuỗi hoạt động tổ chức thường xuyên như việc ký kết và kết nối các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền vào các hệ thống phân phối lớn của Hà Nội và giao thương sản phẩm của các chủ thể với người tiêu dùng Thủ đô và du khách quốc tế thì đợt này Ban Tổ chức phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức chương trình “Hướng về miền Trung và Biển đảo”. Sự kiện triển khai các hoạt động thiện nguyện, quyên góp ủng hộ các tỉnh miền Trung và biển đảo bị ảnh hưởng lũ lụt sớm ổn định cuộc sống.
Trong buổi sáng nay, diễn ra sự kiện chính ủng hộ chiến sĩ, Nhân dân biển đảo Trường Sa; Thân nhân, gia đình cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa bị thiệt hại bởi mưa lũ do các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, nhà vườn phối hợp với Ban Tổ chức thực hiện.
Thông qua sự kiện lần này, ông Trương Quốc Chính - chủ Resort hoa lan Chính Trương Ba Vì Hà Nội đã trao tặng 320 triệu đồng từ nguồn đấu giá tối 28/10 cây lan phi điệp 5 CT Thảo nguyên 2 do ông Nguyễn Văn Mạnh ở Sông Lô, Vĩnh Phúc đấu giá được.
Cùng với đó, Công ty TNHH Phong Giang tỉnh Lâm Đồng ủng hộ tiền mặt và hiện vật trị giá trên 200 triệu đồng; Công ty TNHH cà phê Tám Trình tỉnh Lâm Đồng ủng hộ tiền mặt và hiện vật trị giá 120 triệu đồng; Cùng đồng hành với sự kiện Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Liên Bang Nga (Ban 8) đã phối hợp đơn vị khác trao tặng 10 căn nhà chống lũ cho thân nhân một số gia đình cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa có nhà của bị hư hỏng nặng do mưa lũ vừa qua.
Chiều nay 30/10, Ban Tổ chức tiếp tục phối hợp với các nhà hảo tâm ủng hộ vật phẩm giá trị để đấu giá gây quỹ ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt.