Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại xã Mường Thải, huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) - một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện Phù Yên với 216,4ha. Trong đó diện tích cây có múi là 115,58ha, còn lại là nhãn, xoài và các loại cây trồng khác.
Nằm dọc 2 bên tuyến quốc lộ 37 thuộc địa phận bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải là những vườn cây ăn trái rộng ngút tầm mắt trải rộng trên những sườn đồi. Chúng tôi đi theo một con đường bê tông khoảng 10m vào bản, và trước mắt hiện ra một vườn bưởi Diễn, cam Vinh quả sai trĩu cành, vàng óng đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Chúng tôi gặp ông Đỗ Hồng Tốt - chủ nhân khu vườn khi ông đang lúi húi chăm sóc vườn bưởi Diễn. Ông Đỗ Hồng Tốt bảo: Năm nay, thời tiết thuận lợi nên vườn cây ăn quả của nhà nào cũng sai lúc lỉu. Dự kiến năm nay, 1ha bưởi Diễn của gia đình sẽ cho thu hoạch trên 20 tấn quả và cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Trò chuyện thêm với chúng tôi, ông Tốt kể: Năm 1961, bố mẹ tôi cùng với nhiều hộ khác từ huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên lên đây khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Tôi là thế hệ thứ 2 sinh ra tại vùng đất này. Trước đây, chúng tôi trồng ngô là chính. Về sau, đất đai thoái hoá, năng suất cây ngô thấp cộng với việc giá cả bấp bênh nên nhiều hộ dân, trong đó có gia đình tôi đã về Hưng Yên lấy cây bưởi, cam lên đây trồng thử để tìm hướng đi mới.
Ông Tốt cho biết thêm: Năm 2013, tôi chuyển toàn bộ 2ha ngô sang trồng bưởi Diễn, cam Vinh và cam đường canh. Trong đó, 1ha trồng bưởi Diễn và 1ha còn lại trồng cam Vinh, cam đường canh. Trong quá trình trồng và chăm sóc, tôi và một số hộ dân ở bản Văn Phúc Yên đã được cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân huyện, xã Mường Thải tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ. Nhờ đó, diện tích cây ăn quả phát triển rất tốt.
Là người luôn tìm tòi những cách làm sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cho vườn cây ăn quả để đảm bảo chỗ đứng trên thị trường, mấy năm trở lại đây, ông Tốt không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật như nhiều nhà vườn khác trong việc chăm sóc cây. Thay vào đó, ông Tốt mua cá tép bắt được trên vùng lòng hồ sông Đà về ủ thành phân để tưới cho vườn cây ăn quả của mình.
Theo ông Tốt, phân ủ từ cá tép chứa nhiều vitamin, vi lượng và khoáng chất nên rất tốt cho cây ăn quả như bưởi, cam. Phân có nhiều công dụng, như: Bổ sung đạm cá hữu cơ giúp cây trồng nhanh hấp thu và chuyển hóa thành dinh dưỡng. Bên cạnh đó, dùng phân ủ từ cá tép tưới cho cây còn giúp cải tạo đất bạc màu thành đất giàu chất dinh dưỡng.
Với cách làm này, năm 2019, ông Tốt thu được 20 tấn bưởi Diễn và 10 tấn cam. Sản phẩm đạt chất lượng cao với hương vị thơm ngon nên thu hoạch đến đâu, thương lái khuân hết đến đó. Với giá bán trung bình 10.000 đồng/quả bưởi Diễn và 20.000 đồng/kg cam, ông Tốt thu 300 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, ông Tốt "bỏ túi" 200 triệu đồng. Vụ năm nay, ông Tốt dự kiến thu trên 30 tấn quả các loại.
Chia sẻ thêm về bí quyết trồng cây ăn quả của mình, ông Tốt nói: Không nên sử dụng nhiều hóa chất cũng như hóa chất cấm để diệt trừ sâu bệnh hại mà nên tăng cường áp dụng các biện pháp tự nhiên, tuy có mất nhiều công sức và hơi cầu kì một chút nhưng sẽ giúp cho quả không bị nhiễm hóa chất độc có hại cho sức khỏe như: Bắt sâu hại bằng tay, dùng các loại bẫy thu hút sâu hại, dùng các loại thiên địch...
Đối với bệnh hại, có thể phòng chống bằng cách chọn giống cây trồng khỏe mạnh, kháng bệnh tốt cũng như canh tác, cắt tỉa cây có khoa học. Nếu cây bị sâu bệnh quá nặng mới dùng thuốc trừ sâu, nhưng nên dùng thuốc trừ sâu bệnh thảo dược cũng như không nên phun khi quả bắt đầu chín. Phun trước khi thu hoạch quả ít nhất là 45 ngày.
Trồng cây ăn quả trên đất dốc, lão nông lãi trên 200 triệu mỗi năm