Hiện tại, một số nhà vườn cũng đã ý thức được điều này, nên mặc dù khó khăn vẫn duy trì chế độ chăm sóc, bón phân cân đối theo hướng "cân bằng dinh dưỡng" cho vườn cà phê của mình.
Thay đổi tập quán canh tác
Chị Trần Thị Hằng (thôn Kim Thành, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), hiện đang canh tác 1,5 hécta cà phê 13 năm tuổi, niên vụ 2018-2019 năng suất vườn cà phê của gia đình chỉ được khoảng 4 tấn/ha. Tuy nhiên, nhờ được tập huấn chương trình chăm sóc cà phê bền vững theo hướng "cân bằng dinh dưỡng" cho đất, từ đầu niên vụ 2019-2020, cách bón phân cho cây cà phê của gia đình chị thay đổi hẳn, từ đó giúp tiết giảm chi phí mà năng suất cao hơn.
"Ước tính, niên vụ này năng suất của vườn đạt khoảng hơn 6 tấn/hécta, đồng thời chi phí phân bón cũng giảm hơn. Đặc biệt, tán cây đang rất… 'sung' nên hứa hẹn sang năm tới năng suất sẽ còn ổn định và có thể tăng mạnh hơn nữa", chị Hằng cho biết.
Cũng theo chị Hằng, cách bón phân trong vụ mùa năm này được tiến hành với 2 lần trong mùa khô (mỗi đợt từ 350kg-400kg/hécta), mùa mưa bón 4 đợt (mỗi đợt khoảng 500kg/hécta).
"Những năm trước chưa có kỹ thuật, nhà nông chúng tôi bón phân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Từ khi được phổ biến kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, gia đình tôi bón phân theo quy trình như sau: Mùa khô sau khi tưới đợt 1 để cho đất hấp thụ độ ẩm tốt, phát triển bộ rễ thì trong lần tưới nước thứ 2 và 3, chúng tôi mới bón phân. Phân bón được nhiều nông dân ở trong vùng chúng tôi lựa chọn là phân Đầu Trâu chuyên dùng cho mùa khô. Bước sang mùa mưa, thay vì bón thành 3 đợt như những năm trước, chúng tôi tách ra thành 4 đợt để cây hấp thu hết lượng phân bón, tránh lãng phí…", chị Hằng chia sẻ.
Cũng chú trọng đến việc "cân bằng dinh dưỡng" cho đất, nông dân Từ Ngọc Linh (thôn 6, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) cho biết, niên vụ năm nay năng suất của vườn nhà đạt ít nhất từ 7-8 tấn/ha.
"Cà phê nếu bỏ bẵng đi, không chăm sóc 1 năm thì nuôi lại rất khó, vì thế, dù nông dân chúng tôi đầu tư không có lãi thì vẫn phải cố gắng dưỡng cây để những năm sau cây khỏe, cung cấp lượng cành và sản lượng ổn định", ông Linh nói. Tuy nhiên, ông Linh cũng cho hay, trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, rồi giá cà phê sụt giảm mạnh nên giải pháp canh tác cà phê bền vững với mục tiêu "bón đúng, bón đủ" từ các chuyên gia nông nghiệp đã phát huy vai trò quan trọng, giúp nông dân trồng cà phê tiết giảm được chi phí bón phân nhưng vẫn đảm bảo cây phát triển ổn định.
Đánh giá về chương trình canh tác cà phê bền vững của người nông dân Tây Nguyên thời gian qua, TS Phạm Công Trí, nguyên trưởng bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết, nông dân Tây Nguyên thời gian qua đã rất tiến bộ trong cách bón phân cho cây cà phê, đặc biệt là quản lý dinh dưỡng trong mùa khô.
"Thay vì bón phân Ure đơn, nông dân trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên đã chuyển sang dùng phân bón Đầu Trâu có đầy đủ các đa lượng cần thiết như Đạm, Lân, Kali và các trung vi lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý là năm nay mưa muộn nên nhiều khả năng cây cà phê sẽ tích lũy dinh dưỡng sâu nên sẽ mất sức rất nhiều, chưa kể mưa bão nhiều ở cuối vụ khiến bộ rễ cây cà phê sẽ bị tổn thương nhiều, nên bước vào mùa khô cây cà phê sẽ gặp những bất lợi nhất định. Cụ thể, cây cà phê mùa khô năm nay sẽ tươi hơn, xanh hơn nhưng hoa sẽ kém hơn nên công tác tưới nước và bón phân cần phải hết sức theo dõi", ông Trí nói.
Cụ thể, theo TS Phạm Công Trí, ngay lần tưới đầu tiên nông dân nên bón phân nhiều Đạm sẽ tăng khả năng thụ phấn của cây.
"Theo kinh nghiệm vài năm gần đây được đúc kết giữa WASI và các nhà khoa học của Công ty Phân bón Bình Điền, thì lần tưới thứ 1 bà con nên bón phân bón Đầu Trâu cân bằng đất, giúp tài lập hệ sinh học đất ôn hòa, phù hợp và rễ cây sẽ cân bằng hơn. Sau đó lần tưới thứ 2 thì sẽ bón phân chuyên dùng mùa khô sẽ tạo ra hiệu dụng tốt và khả năng thụ phấn của cây sẽ hoàn hảo hơn", ông Trí chia sẻ.
Nông dân được lợi nhờ những tiến bộ kỹ thuật mới
Lão nông Nguyễn Duy Phồn (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), tỏ ra khá hưng phấn với chương trình canh tác cà phê bền vững. Theo lão nông này, vườn cà phê của gia đình được trồng từ năm 1999, đến nay đã thuộc loại già cỗi, nhưng vì điều kiện còn khó khăn nên chưa thể tái canh giống mới. Tuy nhiên, nhờ áp dụng những quy trình chăm sóc, kỹ thuật bón phân theo bộ tiêu chuẩn bền vững, dự kiến năng suất vườn cà phê của gia đình năm nay đạt trên 4 tấn/ha.
"Do mới áp dụng quy trình nên năng suất năm nay dù tăng nhưng chưa thể vượt trội so với lối canh tác cũ. Tuy nhiên, nhìn vào tán cây thì có thể dự báo sang mùa vụ tới, sản lượng sẽ tăng mạnh, có thể đạt từ 6-7 tấn", ông Phồn nói.
Chuyên gia nông nghiệp Phạm Anh Cường cũng đánh giá, hiện nay với nông dân trồng cà phê Tây Nguyên thì làm sao để tiền đầu tư phân phải giảm xuống mà năng suất và lợi ích phải tăng lên. Tuy nhiên, việc giảm giá phân thì còn khó khăn nên việc tối ưu chế độ bón phân, công thức phân sẽ giúp cho người nông dân giảm chi phí mà không ảnh hưởng tới vườn cây.
"Quy trình quản lý dinh dưỡng mới trong canh tác thông minh mà WASI và các nhà khoa học của Công ty Phân bón Bình Điền mới đây hoàn thiện sẽ giúp cho nông dân tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng giải quyết những vướng mắc về tối ưu trong công thức phân bón, tối ưu trong chi phí và tuổi thọ vườn cây, đất đai sẽ được trẻ hóa, rễ cây được phục hồi… sẽ giúp cho vườn cà phê khỏe hơn, sử dụng dinh dưỡng đạt hiệu suất cao hơn, nhờ đó tiết kiệm dinh dưỡng, tiết kiệm tiền mua phân mà vẫn ổn định sản xuất", ông Cường nhận xét.
"Một trong những điểm nhấn trong chế độ dinh dưỡng của phân bón Đầu Trâu là bên cạnh công thức NPK đã được công bố, thì những cải tiến về trung vi lượng trong thời gian qua giữa Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và các nhà khoa học của Công ty Phân bón Bình Điền hợp tác là những yếu tố mà chúng tôi đánh giá là nông dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những tiến bộ kỹ thuật này…" - TS Phạm Công Trí, nguyên trưởng bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI).