Dân Việt

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng giúp thu nhập từ nông nghiệp tăng thêm 800 tỷ đồng/năm

Quang Dân 02/11/2020 16:20 GMT+7
Sau khi hoàn thành dự án hồ chứa nước Bản Mồng sẽ cung cấp nguồn nước để khai thác 18.871 ha đất đai các loại, phát huy hết tiềm năng, phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp khu vực Miền Tây Nghệ An.

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã có gửi Quốc hội về tình hình thực hiện dự án và đề nghị xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Mồng tỉnh Nghệ An.

Theo Chính phủ, kết quả thẩm định hồ sơ cho thấy, sự cấp thiết đầu tư dự án hồ chứa nước Bản Mồng đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP.

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng sẽ giúp tổng thu nhập từ nông nghiệp tăng 800 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An).

Cụ thể, phía Tây tỉnh Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh Nghệ An nói riêng, của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước nói chung.

Đây là vùng đất có tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 108.912 ha chiếm 55,20% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh.

Trong đó có vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ khoảng 60.000 ha đất thích hợp trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu…rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng việc khai thác tiềm năng còn hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn nước.

Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch thủy lợi, dự án hồ chứa nước Bản Mồng tỉnh Nghệ An thuộc danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2005-2020.

Dự án có dung tích 225 triệu m3 (Đây là hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An), sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nguồn nước để khai thác 18.871 ha đất đai các loại, phát huy hết tiềm năng, phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp khu vực Miền Tây Nghệ An.

Đồng thời, dự án sẽ bổ sung nước về mùa kiệt cho 2 hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du là Nam và Bắc Nghệ An; kết hợp phát điện, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu…hiện nay công trình đầu mối đã thi công được trên 80% khối lượng, do vậy cần sớm được đầu tư hoàn thiện và đem vào sử dụng.

"Đây là dự án cấp thiết về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu (dự án thủy lợi) thuộc dự án cấp thiết cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP", báo cáo nêu rõ.

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng sẽ giúp tổng thu nhập từ nông nghiệp tăng 800 tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Dự kiến đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành giai đoạn I của dự án.

Đánh giá về mặt hiệu quả kinh tế - xã hội, Chính phủ cho biết, sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An. Dự kiến, tổng thu nhập từ nông nghiệp tăng thêm so với khi chưa có dự án là khoảng 800 tỷ đồng/năm.

Đồng thời, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng còn bổ sung nguồn nước mùa kiệt cho sông Cả để tham gia chống hạn cho các khu tưới Nam Bắc Nghệ An phía hạ du ước tính thu nhập thêm cho nền kinh tế khoảng 16 tỷ đồng/năm; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ nhờ có dự án được tăng thêm 36 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, dự án hồ chứa nước Bản Mồng được kết hợp phát điện để cấp điện cho các huyện trong vùng và bổ sung vào mạng lưới điện quốc gia. Điện năng thương phẩm hằng năm dự kiến đạt 168 triệu KWh. Tổng doanh thu từ phát điện 180 tỷ đồng/năm.

Bổ sung lưu lượng và nâng mực nước sông Hiếu các tháng mùa kiệt, tạo điều kiện tốt cho giao thông thủy và môi trường sinh thái trên sông Hiếu, giảm lũ hằng năm cho các huyện ở hạ du công trình. Hệ số nội hoàn kinh tế của dự án là 13,24%.

Dự án góp phần ổn định sản xuất và nâng cao điều kiện sinh hoạt và dân trí của nhân dân vùng hưởng lợi dự án, tăng cường an ninh quốc phòng cho một vùng đất biên giới phía Tây Nghệ An. Tạo cảnh quan và khí hậu tốt cho vùng thượng lưu hồ và duy trì dòng chảy vùng hạ du sông Cả.

Ngoài ra, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng góp phần tạo nên vùng mặt nước tự nhiên, bổ sung lưu lượng và nâng mực nước sông Chàng và tạo cảnh quan cho huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, góp phần phát triển ngành thủy sản và du lịch theo định hướng ưu tiên của tỉnh và cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất khu vực thị trấn Như Xuân và các vùng lân cận.

Sáng 2/11, báo cáo trước Quốc hội về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Mồng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự án cấp nước cho sản xuất nông nghiệp (tưới 18.871 ha), cấp nước cho công nghiệp, dân sinh; bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả với lưu lượng 22m3/s và cho 2 hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du là Nam và Bắc Nghệ An; kết hợp phát điện (45MW); tích nước phòng lũ, giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch.

Để thực hiện dự án, diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 1.131,22 ha (Nghệ An 544,77 ha, Thanh Hóa 586,45 ha). Trong đó, rừng phòng hộ đầu nguồn: 312,95 ha; rừng sản xuất: 661,08 ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 157,19 ha.

"Như vậy, đối chiếu với quy định của Luật Đầu tư công thì Dự án có 312,95 ha rừng phòng hộ phải chuyển MĐSD rừng nên thuộc tiêu chí Dự án quan trọng quốc gia và Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Quốc hội xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 1.131,22 ha đất rừng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An (544,77 ha) và Thanh Hóa (586,45 ha), trong đó rừng phòng hộ 312,95 ha rừng phòng hộ, 661,08 ha rừng sản xuất và 157,19 ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Được biết, đến nay, dự án đã triển khai xây dựng được khoảng 90% khối lượng công việc giai đoạn 1, các hạng mục công trình chính như: đập, cống, trạm bơm…đã hoàn thành; lũy kế giải ngân đến nay đạt 83% và dự kiến đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành.

Do vậy, sau khi được Quốc hội quyết định cho phép CMĐSDR, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công để Dự án sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả KT-XH.