Dân Việt

ĐBQH phân tích nguyên nhân "lũ chồng lũ", ảnh hưởng nghiêm trọng vùng hạ lưu

Khánh Nguyên 03/11/2020 14:33 GMT+7
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khi bàn về vấn đề lũ lụt ở miền Trung cũng như an toàn hồ chứa.

Cần đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến an toàn hồ đập

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá), lũ lụt miền Trung hiện nay cho thấy tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây thiên tai, mưa lũ, hạn hán xâm nhập mặn ở nước ta đang trở nên bất thường và ngày càng khắc nghiệt.

Việc bảo đảm an toàn cho các công trình thủy điện, hồ đập thủy lợi trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và mưa lũ kết hợp với biến động địa chất đặt ra thách thức ngày càng lớn.

"Những hệ thống bậc thang thủy điện với hồ chứa lớn trong mùa mưa năm 2016, 2017 phải xả lũ khẩn cấp để bảo đảm an toàn đập, tạo nên sự cố lũ chồng lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng cho nhiều vùng hạ lưu. Năm 2018, 2019 lại xảy ra hạn hán, lượng nước thiếu hụt tại các hồ chứa thủy điện, sản lượng phát điện của các nhà máy thủy điện trên cả nước sụt giảm" - ông Mai Sĩ Diến nêu một thực tế. 

Ngày 31/10, UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam xác nhận, do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, thị trấn Thạnh Mỹ đã phải di dời dân 106 hộ/ 382 khẩu; xã Cà Dy di dời 215 hộ/732 khẩu.

Bên cạnh đó, theo ông Mai Sĩ Diến, việc đảm bảo các yêu cầu cấp nước cho nông nghiệp những tháng của mùa khô đã gặp rất nhiều khó khăn mà tính chất mùa vụ của nông nghiệp và yêu cầu thâm canh trong sản xuất nông nghiệp quyết định đến năng suất và hiệu quả của sản xuất.

Việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa có nhiều bất cập. Khi có lũ lớn thì quyền kiểm soát, vận hành được chuyển giao từ chủ đập sang cấp có thẩm quyền theo quy trình vận hành hồ đập. 

Thủy điện xả lũ đúng quy trình sao người dân vẫn bất ngờ, trở tay không kịp? - Ảnh 2.

Đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) tại diễn đàn Quốc hội.

"Tại sao vẫn có việc thủy điện xả lũ có thông báo nhưng người dân vùng hạ du vẫn bị bất ngờ, vẫn bị thiệt hại về sản xuất, mất mát sản phẩm, hư hỏng tài sản?" - Đại biểu Mai Sĩ Diễn nêu câu hỏi. 

Ông Diến cho rằng, vấn đề quyết định vận hành điều tiết cắt giảm lũ hay xả nước phục vụ sản xuất trong vận hành liên hồ chứa là giải quyết vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa đảm bảo an toàn hồ, đập của chủ đập, bảo đảm an toàn vùng hạ lưu cho người dân và việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cho ngành điện, ngành thủy lợi, đặt lợi ích nào lên trên hết. 

Từ thực tế đó, ông Diến kiến nghị, Chính phủ xem xét quyết định đầu tư những công cụ quan sát, đo đếm, dự báo cần thiết để vận hành hiệu quả, an toàn, đầy đủ thông tin trong việc điều tiết nước, nhằm giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn sự cố trong vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

Hai là, các bộ, các địa phương liên quan và chủ đập phải xây dựng hoàn chỉnh bản đồ vùng hạ du trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cắm chỉ giới quản lý để làm cơ sở xác định phạm vi và mức độ ngập của vùng hạ du đập. 

Xác định việc xả lũ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh đến đâu thì chủ đập giải phóng mặt bằng đến đó, không giải phóng mặt bằng mà xả lũ hoặc sự cố vỡ đập vượt mốc giới thì có cơ sở để xác định trách nhiệm đền bù của chủ đập đối với thiệt hại cho người dân và các địa phương vùng hạ lưu.

"Cần đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến an toàn hồ đập, đưa ra giải pháp cụ thể đảm bảo an toàn và nâng cao tuổi thọ các công trình; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư và các đơn vị quản lý trong việc vận hành các nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi một cách an toàn, hiệu quả, nhất là thời điểm mưa lũ hoặc hạn hán" - ông Diến nói.

Thủy điện xả lũ đúng quy trình sao người dân vẫn bất ngờ, trở tay không kịp? - Ảnh 3.

Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ khiến người dân vùng hạ du ở Quảng Nam không kịp trở tay. Ảnh: I.T

Kiểm soát tàu cá hoạt động xuất bến ngoại tỉnh 

Thảo luận về việc thực hiện các giải pháp khắc phục, khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định cụ thể các chính sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017.

Nhất là các chính sách đầu tư của Nhà nước đối với cảng cá loại 1, loại 2, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hạng mục hạ tầng thiết yếu cho khu bảo tồn biển và chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề, nhằm giảm khai thác thủy sản ven bờ và hỗ trợ cho các địa phương vùng biển còn nhiều khó khăn, trong đó có Bình Thuận có điều kiện để phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững.

Cũng theo đại biểu Nguyên, tại nhiều tỉnh thành ven biển trong cả nước cho thấy vấn đề quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động xuất bến ngoại tỉnh đang bộc lộ nhiều bất cập như không nắm được tình hình lao động trên tàu, hành trình neo đậu, xuất nhập bến khi tàu đi ra ngoài tỉnh, không khai báo với lực lượng chức năng hoặc né tránh việc kiểm tra, kiểm soát tại địa phương nơi đến. 

"Đây là những đối tượng có nguy cơ rất cao vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, gây nhiều hệ lụy cho cả địa phương, nơi đi nơi đến, ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả nước.Do vậy, cần có sự chỉ đạo thực hiện thống nhất về trách nhiệm của các tỉnh, thành phố ven biển trong việc quản lý, kiểm soát tàu cá từ các tỉnh, thành phố đến hoạt động lưu trú, xuất bến tại địa phương mình" - đại biểu Nguyên nhấn mạnh.

Ban hành nghị quyết về an ninh nguồn nước

Theo đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang), hiện nay Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn, nhỏ, với tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ, trong đó có 2 con sông lớn là sông Cửu Long thì 90% nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam; sông Hồng 50%. 

Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài. 

Trong khi đó, cả nước có đến 1.700 hồ đập thủy lợi xuống cấp, trong đó có 1.200 hồ đập cần phải sửa chữa và 200 hồ đập hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp, do vậy, nguy cơ thảm họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập nước ta rất là lớn. 

 Từ thực tế đó, đại biểu Lịch đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chứa nước.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nghiên cứu khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tế trên nền tảng kỹ thuật số trong quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quy hoạch hồ chứa nước và phải coi nguồn nước ngọt là tài nguyên đặc biệt của quốc gia cần được bảo vệ, tích trữ an toàn và chất lượng. 

Tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký các hiệp định bảo vệ các lưu vực sông, coi nước ngọt là một loại hàng hóa đặc biệt, hạn chế ở mức cao nhất sự tác động của con người vào môi trường nước và tự nhiên, nhất là lưu vực sông Mekong, sông Hồng.