Cầu hành dân…
Ngay sau khi được phê duyệt dự án, các công trình trên được người dân và lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng sẽ tháo bỏ ách tắc giao thông đã làm ngưng trệ sự phát triển kinh tế phía Đông TP.HCM trong nhiều năm qua…
Thế nhưng, các công trình trên chỉ thi công giữa chừng rồi ngưng luôn mấy năm qua khiến người dân khổ sở mỗi khi đi ngang…
Sáng 3/11, ghi nhận của PV Báo Dân Việt tại công trình cầu Nam Lý nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9), không hề thấy bóng một công nhân nào làm việc. Trước mấy láng trại được cho là "tổng hành dinh" chỉ huy công trình cỏ dại mọc đầy.
Gặp thời điểm người dân đi làm nên hàng trăm người và phương tiện giao thông chen nhau ở một lối đi chật trên đường Đỗ Xuân Hợp bởi khúc có công trình thi công cầu Nam Lý bị đơn vị thi công rào chắn...
Mắc kẹt trong dòng người chen lấn tìm lối đi, anh Nguyễn Văn Trình tài xế xe tải nhỏ nhà ở phường Phước Bình (Q.9) bức xúc: "Thi công kiểu gì mà rào chắn lô-cốt suốt mấy năm qua làm giao thông khu này như tê liệt. Tôi không biết mấy vị ở trên có xót không chứ tiền đóng thuế của dân đem phơi nắng kiểu này dân chúng tôi rất đau lòng…"
Vất vả lắm chị Trần Thị An, công nhân ở phường Phú Hữu(Q.9) mới điều khiển chiếc xe máy chạy thoát ra khỏi khu vực lô-cốt công trình.
"Ngày nào tôi cũng qua đây 2 lần, lần nào cũng toát mồ hôi. Chỉ cần sơ sót nhỏ thôi xe tôi bị ngã và xe phía sau chạy tới đụng bị thương ngay. Tôi mong nhà nước sớm hoàn thành công trình này cho người dân được nhờ…", chị An nói.
Ông Lê Văn Tuyên, có xe bán nước ở đầu Nam Lý cho biết, ông đã bán ở khu vực này nhiều năm và ngày nào cũng chứng kiến TNGT xảy ra ở khu vực lô-cốt này.
"Nhẹ thì va quẹt, nặng thì đưa đi bệnh viện băng bó. Nắng còn đỡ, chứ gặp trời mưa bà con qua đây cực gấp trăm bề. Cầu trời cho công trình sớm hoàn thành để người dân đi lại bớt gian nan…", ông Tuyên than thở.
Cách cầu Nam Lý vài km là công trình thi công cầu Tăng Long cũng không hề có một bóng công nhân nào. Theo người dân địa phương, đây là cây cầu huyết mạch năm trên đường Lã Xuân Oai nối Khu công nghệ cao và người dân các phường Trường Thạnh, Long Trường (Q.9).
Ngày nào cũng thế, vào giờ cao điểm sáng, chiều khu vực này kẹt xe kéo dài từ ngã tư Lã Xuân Oai - Võ Chí Công (Khu công nghệ cao). Một phần do đèn xanh - đỏ nhưng chính là phương tiện và người tham gia giao thông quá nhiều khiến cầu Tăng Long cũ quá tải.
Anh Nguyễn Trung Thành, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở Q.9 bức xúc: "Nghe tin khởi công cầu Tăng Long mới, đầu năm 2018 tôi đã mua đất ở phường Trường Thạnh và đầu tư hàng chục xe tải nặng để chở hàng hóa trong Khu công nghệ cao. Nhưng từ đó đến nay, cầu thi công giữa chừng rồi bỏ khiến doanh nghiệp của tôi lao đao vì cầu Tăng Long cũ hạn chế và cấm xe tải trên 13 tấn…".
Con đường đau khổ
Một tuyến giao thông huyết mạch khác nối vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là đường Lương Định Của (Q.2). Hầu hết người dân phía Đông ở các quận 2, 9, Thủ Đức và từ hướng Đồng Nai đi cao tốc về nội ô Q.1 (TP.HCM) đều có qua đường Lương Định Của.
Mấy năm qua, người dân gọi đây là "con đường đau khổ" bởi nhiều bất an, nhiều ổ gà, ổ voi xuất hiện dày đặc trên đường. Mặt đường lồi lõm, chỗ cao, chỗ thấp chênh lệch rất nhiều, gây bất an cho người tham gia giao thông nhất là xe máy đi ban đêm. Đây cũng là tuyến đường kẹt xe như cơm bữa và hễ mưa là ngập…
Lúc 16h00 chiều 2/11, theo quan sát của PV, công trình cũng không hề có bóng công nhân. Giữa đường nhiều hàng rào và một số biển báo hướng giao thông chắn tạm bợ treo nhiều nơi.
Anh Trần Hồng Quân, nhà ở gần ngã tư Lương Định Của - Mai Chí Thọ (sát đường dẫn lên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) bức xúc: "Trước đây đường này nhỏ nhưng đi lại được, dù chậm. Thế nhưng từ ngày đơn vị thi công rào chắn đến giờ người dân khổ sở trăm bề. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe qua lại khiến mặt đường đã xấu càng lồi lõm hơn.
Lúc nắng bụi bay mù mịt, lúc mưa thì nước đọng lầy lội, trở thành cái bẫy cho người đi đường. Mấy năm trước nghe chủ trương làm đường mới, bà con ai cũng vui! Không hiểu sao mấy năm rồi con đường vẫn ỳ ạch, làm mãi không xong..."
Cơ quan chức năng nói gì?
Ngày 3/11, trả lời câu hỏi của PV Báo Dân Việt, ông Đoàn Phú Đức, Phó Ban điều hành dự án đường bộ 2, thuộc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM (BQLDAGT) chủ đầu tư dự án cho biết, công trình nâng cấp đường Lương Định Của (đoan từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định), có tổng chiều dài gần 2,5km bằng nguồn vốn ngân sách TP khoảng 827 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành mặt cắt ngang là 30m, có 4 làn ô tô lưu thông.
Dự án khởi công từ năm 2014 và theo kế hoạch phải hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng hiện nay không thể hoàn thành vì vướng mặt bằng. UBND TP.HCM quy định, UBND quận 2 sẽ bàn giao mặt bằng trước quý II/2018.
Thế nhưng, đến thời điểm này, dù khất hẹn nhiều lần nhưng UBND quận 2 vẫn chưa bàn giao đủ mặt bằng nên thi công chỉ đạt hơn 60% khối lượng.
Hiện tại còn hàng trăm hộ dân chưa bàn giao mặt bằng vì nhiều nguyên nhân. Trước tình hình trên chủ đầu tư đã có nhiều văn bản đề nghị UBND quận 2 đẩy nhanh tiến độ bồi thường bàn giao được mặt bằng theo kế hoạch. Nếu nhận được 100% mặt bằng, đơn vị thi công sẽ hoàn thành trong vòng 9 tháng, kể từ ngày nhận bàn giao.
Cũng theo ông Đoàn Phú Đức, cầu Tăng Long mới được xây 2 cầu, mỗi cầu có 2 làn xe (mỗi chiều 1 cầu), tổng mức gần 450 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP, được khởi công năm 2017 và theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2019. Thế nhưng, hiện mới thi công khoảng 40% phải dừng đến nay...cũng vì vướng mặt bằng.
Còn Cầu Nam Lý có tổng vốn đầu tư 857 tỷ đồng, được khởi công vào năm 2017, theo kế hoạch phải hoàn thành cuối tháng 4/2018. Nhưng đến nay dự án mới chỉ đạt khoảng 40% khối lượng và cũng phải ngưng thi công đến nay...cũng vì vướng mặt bằng!.
Ông Đoàn Phú Đức cho rằng, BQLDAGT đã có nhiều văn bản đề nghị UBND quận 9 đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và Ban cũng đã báo cáo UBND TP.HCM về tình trạng của cầu Nam Lý và Tăng Long.
Mới nhất ngày 24/8/2020, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên. Hiện nay, quận 9 đang hoàn chỉnh đơn giá đất bồi thường, đơn giá đất nền tái định cư dự án cầu Tăng Long để trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Ông Đức khẳng định: Ngay sau khi được bàn giao mặt bằng đầy đủ, đối với cầu Nam Lý dự kiến sẽ hoàn thành trong 12 tháng. Riêng cầu Tăng Long dự kiến sẽ hoàn thành trong 15 tháng.
Như vậy, có thể nói với tình hình hiện tại và thông tin ông Đức cung cấp cho PV, chưa biết khi nào đường Lương Định Của, cầu Nam Lý, cầu Tăng Long mới hoàn thành đưa vào sử dụng! Do đó, người dân vẫn tiếp tục đi trên "con đường đau khổ" và ngày ngày phải nhìn những cây "cầu hành dân" nêu trên!