Dân Việt

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Đại sứ Việt Nam nói về hai điểm lớn khiến cuộc đua gay cấn

Lương Kết 03/11/2020 20:48 GMT+7
Trả lời phỏng vấn PV Dân Việt, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ (Mỹ), cho rằng, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có hai đặc điểm lớn nổi lên khiến cho cuộc đua gay cấn.

Thưa Đại sứ, nhìn vào bối cảnh bầu Tổng thống Mỹ năm 2020, ông thấy có điểm gì khác so với các nhiệm kỳ trước đây, đặc biệt so với năm 2016?

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Đại sứ Việt Nam nói về hai điểm lớn khiến cuộc đua gay cấn - Ảnh 1.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ (Mỹ)

Hiện nay cả thế giới đang theo sát sao cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. So với những cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trước đây, đặc biệt so với kỳ bầu cử 4 năm trước (2016), thấy có hai đặc điểm nổi lên.

Thứ nhất, đối với hai ứng cử viên Donald Trump và Biden, nhiều người đã biết rõ hai ứng cử viên này. Năm 2016, ứng cử viên Donald Trump là yếu tố bất ngờ. Đến nay ông đã làm Tổng thống Mỹ được 4 năm, nhiều người đều biết chính sách của ông, còn với ông Biden là chính trị gia đã 47 năm hoạt động chính trị. Ông Biden cũng đã 2 lần ứng cử Tổng thống Mỹ. Ông cũng từng là Phó Tổng thống Mỹ 8 năm dưới thời của Tổng thống Obama. Cho nên các cử tri ở Mỹ đều biết rất rõ về hai ứng cử viên Tổng thống lần này.

Thứ hai, đây có lẽ là điểm lớn hơn so với điểm thứ nhất, đó là đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Đại dịch này ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cầu, hiện nay Mỹ là quốc gia chịu thảm họa lớn nhất từ đại dịch này.

Nếu như cách đây khoảng một năm, khi chúng ta ngồi bàn xem ai có thể sẽ là Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo, lúc đó chắc nhiều người sẽ tiên lượng rằng ông Donald Trump sẽ dễ ràng tái cử. Thời điểm đó kinh tế của Mỹ đang trên đà đi lên, chỉ số chứng khoán đạt mức cao kỷ lục chưa từng có trong lịch sử, nạn thất nghiệp cũng ở mức thấp nhất (3,5%) trong vòng 50 năm qua. Lúc đó khả năng chắc thắng của ông Donald nhiều người có thể dự đoán được.

Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã gây ra sự đảo lộn lớn với nước Mỹ. Số người mắc Covid-19 của quốc gia này cũng cao nhất thế giới (10 triệu người- chiếm 1/5 tổng số người mắc trên thế giới, số người chết cũng trên 200 nghìn người). Những thành quả kinh tế sau hơn 3 năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump bắt đầu bị xóa bỏ trong khoảng vài tháng. Kinh tế Mỹ gặp khó khăn, số người thất nghiệp bắt đầu lên cao. Những điều đó gây ảnh hưởng rất nhiều và làm cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này khó đoán định hơn về kết quả.

Do đại dịch Covid-19 nên cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ lần này cũng khác trước đây. Ông Biden thích vận động một cách thận trọng. Bản thân Tổng thống Donald Trump khi đang vận động tranh cử thì bị nhiễm Covid-19. Đáng ra hai ứng viên có 3 cuộc tranh luận nhưng phải bỏ giữa chừng.

Về cách thức bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ năm nay cũng khác, đến nay đã gần 100 triệu người đã bỏ phiếu trước, trong đó có nhiều trường hợp bỏ phiếu qua hòm thư, điều đó cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử năm nay.

So với những nhiệm kỳ trước, ứng viên Tổng thống có xu hướng trẻ hóa, nhưng đợt bầu cử Tổng thống Mỹ 4 năm trước và cả đợt bầu cử này hai ứng viên đều tuổi khá cao, điều này có nói lên vấn đề gì không thưa ông?

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Đại sứ Việt Nam nói về hai điểm lớn khiến cuộc đua gay cấn - Ảnh 2.

Cá nhân tôi nghĩ điều đó không nói lên vấn đề gì. Lịch sử nước Mỹ đã có người trẻ tuổi lên làm Tổng thống như ông Bill Clinton trúng cử Tổng thống khi ngoài 40 tuổi, rồi ông Obama...Qua đó để thấy việc hai nhiệm kỳ bầu cử Tổng thống gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ này hai ứng cử viên đều ở lớn tuổi không phản ánh xu hướng chính trị gì mới của Mỹ cả. Đây là điều tùy thuộc vào thời điểm người ra ứng cử, ứng cử viên nào nặng ký nhất của đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa trong thời điểm đó. Họ không có kiểu quy hoạch cán bộ lãnh đạo nên nhìn vào độ tuổi của hai ứng viên Tổng thống Mỹ tôi thấy không có sự thể hiện xu hướng gì lớn trong chính trị của nước Mỹ.

Thông thường đương kim Tổng thống khi ứng cử nhiệm kỳ 2 luôn có những lợi thế nhất định, tuy nhiên nhìn vào bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ, kinh tế gặp khó khăn, đó là điều bất lợi cho đương kim Tổng thống, ông nghĩ sao?

Đúng như vậy. Thông thường với một đương kim Tổng thống ứng cử nhiệm kỳ 2 luôn luôn có một lợi thế. Bởi dân chúng cũng hiểu Tổng thống, biết được chính sách ông đã triển khai, bên cạnh đó là những kết quả nhất định từ các chính sách. Tuy nhiên, đương kim Tổng thống ứng cử nhiệm kỳ 2 cũng có thể có những bất lợi nhất định khi trong quá trình triển khai chính sách của mình không hiệu quả. Đại dịch Covid- 19 hiện nay đã khiến nước Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ứng cử viên Biden đã tập trung chỉ trích ông Donald Trump vì đã xem nhẹ đại dịch Covid-19 và có ứng phó không hiệu quả. Chính vì vậy đại dịch bùng phát rất lớn ở Mỹ, đây cũng điều bất lợi đối với ông Trump trong cuộc đua.

Theo ông trường hợp ông Biden trúng cử liệu nước Mỹ có thay đổi chính sách đối với các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt chính sách với Trung Quốc?

Trong 4 năm qua quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở lên giai đoạn căng thẳng, nhiều học giả đánh giá đây là giai đoạn xấu nhất giữa hai cường quốc này kể từ khi họ bình thường hóa quan hệ vào năm 1979.Tính lâu hơn nữa từ khi Mỹ thực hiện chính sách can dự với Trung Quốc sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972.

Đáng lưu ý vào tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chọn Thư viện Nixon để tuyên bố chính sách can dự với Trung Quốc trong suốt mấy thập niên là sự thất bại thảm hại. Trong 4 năm gần đây, Mỹ thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tôi cũng chú ý tới những phát biểu của ứng cử viên Biden, nếu lên làm Tổng thống Mỹ, ông vẫn sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, thậm chí còn cứng rắn hơn so với chính quyền của ông Donald Trump.

Về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc hiện nay, có học giả Mỹ nói rằng: Hiện nay quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn bình thường mới. Quan hệ giữa hai quốc gia này trước đây là giữa hợp tác và cạnh tranh thì hợp tác nổi lên hơn, cơ bản cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh còn nay chuyển sang mô hình cạnh tranh và đối đấu. Cạnh tranh và đối đầu đó toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học công nghệ, vấn đề các giá trị, như vậy sẽ căng thăng hơn rất nhiều.

Lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc được sự ủng hộ của cả 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa (Mỹ). Chính vì vậy tôi nghĩ, nếu ông Donald Trump tái cử Tổng thống thì vẫn tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, trường hợp ông Biden lên làm Tổng thống thì ông cũng sẽ thực hiện chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, cách làm giữa 2 người có thể khác nhau, biện pháp triển khai khác nhau.

Về lập trường của Mỹ trong việc thúc đẩy tăng cường quan hệ với Việt Nam, tôi cho rằng đó là lập trường thống nhất chung của cả đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Chúng ta nhớ lại, thời Tổng thống Obama, khi đó ông Biden là Phó Tổng thống, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được nâng lên đối tác toàn diện vào năm 2013, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước lúc đó là ông Trương Tấn Sang. Khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, ông tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Chính vì thế trường hợp ông Donald Trump tái cử hay ông Biden thắng cử, tôi tin rằng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì và củng cố.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.