Ngày 4/11, tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - cụm thi đua số 3, gồm 11 tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng.
Tham gia chủ trì hội nghị có ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN); PGS TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên thường trực tổ biên tập Văn kiện Đại hội XII của Đảng và ông Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội Nông dân 11 tỉnh, thành phố trong cụm thi đua số 3, một số doanh nghiệp, HTX và nông dân.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ban chấp hành TƯ Hội Nông dân Việt Nam cho biết, nhằm tập hợp và và phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và cán bộ, hội viên nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tham gia đóng góp với Đảng, Ban chấp hành TƯ Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 6 hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tại 6 cụm thi đua trên cả nước.
Theo ông Nam, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là sản phẩm tập trung trí tuệ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhằm tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta.
Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thể hiện trình độ phát triển tư duy lý luận của Đảng ta trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đồng thời, tập trung tham gia góp ý làm rõ vai tro của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là những giải pháp đối với khu vực Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng – là vùng có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng cho phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, thủy sản.
Vì thế, Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam gợi ý và đề nghị các đại biểu tập trung góp ý những vấn đề lớn trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII.
Xu hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sạch là tất yếu
Ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết, qua tổ chức lấy ý kiến từ cơ sở, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với bố cục, kết cấu báo cáo chính trị với 15 mục lớn tương ứng với 15 nội dung là phù hợp, vừa có sự kế thừa các nhiệm kỳ Đại hội trước, đặc biệt Đại hội XII, vừa có bổ sung mới từ tổng kết thực tiễn.
Về góp ý cụ thể, theo ông Thi, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá sâu sắc hơn về thành tựu trong công tác chống tham nhũng, lãng phí vì đây là thành tựu nổi bật trong những năm cuối nhiệm kỳ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền.
Đối với nông nghiệp, nông thôn, ông Thi cho biết, đa số ý kiến đồng ý với đánh giá nông nghiệp đang chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân.
"Xu hướng tất yếu trong thời gian tới là phải phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, truy suất được nguồn gốc sản phẩm và gắn với các chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị" – ông Thi khẳng định.
Tuy nhiên, điểm nghẽn hiện nay là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn quá ít trong khi đó kinh tế hợp tác phát triển yếu, kinh tế tập thể chưa làm tốt vài trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ. Bắc Giang hiện có hơn 700 HTX, trong đó có gần 500 HTX nông nghiệp, nhưng đa phần hoạt động còn yếu, chưa làm tốt vai trò dịch vụ 2 đầu, hỗ trợ kinh tế hộ.
Vì thế, giải pháp then chốt đặt ra là phải đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Doanh nghiệp sẽ có vai trò vừa là trung tâm của chuỗi liên kết, vừa là đầu kéo cho các HTX và hộ sản uất nhỏ. Muốn vậy, phải có chính sách phù hợp để khuyến khích, thắp lửa khát vọng làm giàu và khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Những ý kiến tâm huyết từ chuyên gia, nông dân, doanh nghiệp
Tại hội nghị, có 15 ý kiến đóng góp tâm huyết từ đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các địa phương, chủ các doanh nghiệp, HTX và nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu tại các địa phương. Các ý kiến tập trung thảo luận những vấn đề lớn, gồm: mục tiêu thực hiện chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, đào tạo nghề, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp; khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn....
TS. Đào Xuân Tân và nhiều đại biểu cho rằng, cần phải quan tâm đến vấn đề đào tạo lao động vì đây là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi mới. Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, HTX nêu ý kiến thảo luận tại hội nghị.
Chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (Công ty Hải Phong), thuộc Hội Nông dân Bắc Ninh cho biết, đầu tư vào nông nghiệp là lĩnh vực "tay ngang" nên thiếu nhiều kiến thức về sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, trong khi nhiều HTX, nông dân lại thiếu kiến thức về quản trị, phân phối bán hàng và nông sản làm ra, những lại khó tiêu thụ.
"Còn những doanh nghiệp rất tâm huyết đầu tư vào làm nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nhưng do thiếu kỹ thuật sản xuất nông nghiệp nên sau một thời gian đã gặp khó khăn, thậm chí phải bỏ cuộc" – chị Trâm cho biết.
Vấn đề kết nối chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản cũng được nhiều người thảo luận, góp ý, trong đó nhấn mạnh các cấp Hội nông dân các cấp cần phải đóng vai trò trung tâm kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
PGS. Đặng Xuân Bình, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên nêu ý kiến, các cấp Hội Nông dân cần xây dựng hệ sinh thái số về các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phản ánh các nhu cầu, các chính sách về nông nghiệp, thậm chí đưa thông tin quảng bá nông sản Việt Nam ra thế giới.
Đề cập đến vài trò của Hội Nông dân trong mối liên kết, liên minh, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ban chấp hành TƯ Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trước nay mình nói nhiều về liên minh chính trị giữa nông dân, công nhân và tầng lớp trí thức.
"Bây giờ trong tình hình mới chúng ta nói nhiều về liên minh kinh tế. Liên minh về kinh tế thể hiện rõ rất ở liên kết 6 nhà trong chuỗi giá trị sản phẩm của nông nghiệp. Chính vì liên kết về kinh tế, vai trò của Hội Nông dân là trung tâm cùng với cả doanh nghiệp liên kết các nhà khoa học có một vai trò hết sức quan trọng. Hội Nông dân đang đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá tổng kết vấn đề này.
Đề nghị trong dự thảo báo cáo, chúng ta phải đánh giá liên minh về kinh tế giữa công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, các doanh nghiệp từ thực tiễn cuộc sống, thể hiện ở chuỗi giá trị này" – ông Nam nói.
Đề xuất có cơ chế cho thuê, mượn ruộng hoang
Ông Phùng Quang Vinh, Ủy viên BCH Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, diện tích đất trồng lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Hồng bị bỏ hoang tăng dần lên, đặc biệt vào vụ hè thu, vụ mùa với diện tích rất lớn, hàng trăm nghìn ha, gây lãng phí nguồn lực.
Ông Vinh cho biết, giải pháp trong văn kiện tại phần hai phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 có nêu: "Chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn hoặc làm đất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn". Tuy nhiên, chưa toát ra ý người nông dân bỏ ruộng hoang thì cho người khác mượn hoặc thuê ruộng đố sản xuất lúa.
Thu nhập từ sản xuất lúa không cao nhưng tương đối ổn định về lợi nhuận, hiện nay đất lúa bị bỏ hoang hóa rất nhiều, có phường, xã trên 100ha/vụ, ruộng liền thửa rất thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Ông Phùng Quang Vinh, Ủy viên BCH Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc
Theo ông Vinh, người nông dân bỏ ruộng vì thiếu nhân lực, rủi ro cao, thu nhập thấp trong sản xuất lúa. "Thu nhập từ sản xuất lúa không cao nhưng tương đối ổn định về lợi nhuận, hiện nay đất lúa bị bỏ hoang hóa rất nhiều, có phường, xã trên 100ha/vụ, ruộng liền thửa rất thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất" – ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng nêu thực tế tại xã Hội Hợp (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) trong vụ mùa năm 2020 có hộ gia đình nông dân, thấy nhiều hộ nông dân bỏ ruộng hoang với diện tích lớn, liền thửa, đã mượn ruộng của 500 hộ trong địa phương, tích tụ được 35ha đất lúa trên 3 xứ đồng để gieo cấy, không phải trả tiền mượn ruộng.
Khi mượn ruộng, hộ nông dân này đã áp dụng cơ giới hóa các khâu (làm đất, cấy, phun thuốc BVTV bằng máy bay, thu hoạch máy, sấy, chế biến), từ đó giảm được chi phí, hạ giá thành so với sản xuất ruộng manh mún trước đây, tiêu thụ thóc sản xuất ra rất thuận lợi.
Trao đổi về vấn đề này, Phó chủ tịch Phạm Tiến Nam cho rằng, đất lúa bỏ hoang là một tồn tại, gây bức xúc trong xã hội hiện nay. Số liệu báo cáo cho thấy, nhiều tỉnh như: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, rồi Nam Định… bỏ hoảng từ 3.000-4.000ha.
"Bây giờ cơ chế, thể chế như thế nào để chúng ta huy động đất, tích tụ đất nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích cốt lõi của người nông dân thì chúng ta cũng phải đề xuất cơ chế, thể chế.
Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, tôi đi nghiên cứu thấy họ lập ra một ngân hàng đất. Ai không có nhu cầu thì đưa vào ngân hàng đó, người ta sẽ cho những ai có nhu cầu đến thuê lại; lúc muốn canh quay lại canh tác thì lại đề xuất với ngân hàng đất, ngân hàng đất lại tạo điều kiện để có đất để sản xuất" – ông Nam nói.
Theo ông Nam, nông dân bỏ ruộng hoang, không cày cấy nhưng cũng không muốn mất quyền sử dụng đất của mình. Bởi vì khi xã hội gặp những vấn đề về khủng hoảng, người nông dân lại quay trở lại vì người ta nhìn thấy mảnh đất đó là cơm ăn, đảm bảo cuộc sống cho họ.
Đất đai, tài nguyên, biến đổi khí hậu là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm
Liên quan đến vấn đề này, GS. Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ, Ủy viên thường trực tổ biên tập Văn kiện Đại hội XII của Đảng cho rằng, Quốc hội khóa XIV nợ dân là chưa sửa đổi được Luật Đất đai, tới đây khóa XV phải sửa.
"Không phải ngẫu nhiên 6 nhiệm vụ trọng tâm lại dành riêng trọng tâm bàn về đất đai, tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong quá trình để thảo luận cái này, một số người đề nghị nhập vào kinh tế bởi đất đai, tài nguyên nằm ở kinh tế.
Trung ương thấy rằng, đúng là vấn đề đất đai, tài nguyên thuộc kinh tế, nhưng nhiệm kỳ này phải tách thành một nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết, nếu nhập vào kinh tế thì nó chìm. Để nói rằng, 6 nhiệm vụ trọng tâm mà dành riêng đất đai, tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu thành một nhiệm vụ đã thấy rằng Đảng ta đã đặt rất trọng tâm cái này" - GS. Nguyễn Viết Thông nói.