Chiều nay (ngày 4/11), tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Hà Nội (T.Ư Hội NDVN) tổ chức hội nghị Cụm thi đua số 2 lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XIII.
Dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; ông Phạm Văn Linh - Phó chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, ông Lương Quốc Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN, Trưởng ban chỉ đạo Cụm thi đua số 2.
Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Hội ND 11 tỉnh, thành phố trong cụm thi đua số 2, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp; nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Đóng góp nhiều ý kiến về lĩnh vực tam nông
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho biết: Hội nghị nhằm tập hợp và phát triển trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045; góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham gia góp ý, làm rõ thêm vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những thành tựu và tồn tại, hạn chế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, phân tích các giải pháp để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; vai trò trung tâm nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong việc liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân để phát triển các hình thức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị…
Tại hội nghị đã có 8 ý kiến đóng góp trực tiếp và nhiều ý kiến đóng góp bằng văn bản của đại diện Hội ND các tỉnh thành, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân sản xuất giỏi. Các ý kiến tập trung thảo luận những vấn đề lớn, gồm: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp; khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn...
Bà Phạm Hải Hoa – Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội cho biết: Vừa qua, Hội Nông dân ND TP.Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tại hội nghị đã có 12 ý kiến phát biểu trực tiếp và 50 ý kiến gửi bằng văn bản.
Theo bà Phạm Hải Hoa, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn tồn tại, hạn chế, yếu kém cần tập trung giải quyết. Đó là: thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định, công tác xây dựng nông thôn mới còn nặng về hình hình thức, thành tích; sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ; các mô hình HTX, tổ hợp tác còn khó tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi đất đai…
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, bà Phạm Hải Hoa đề xuất cần có chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy nông dân xây dựng các mô hình liên kết. Đồng thời, có chính sách cho doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai mô hình liên kết.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đặc biệt là trong việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở nông thôn trong đó có đất nông nghiệp.
Lắng nghe những trăn trở của nông dân
Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Đại biểu Trần Duy Quý – Chủ tịch Hội Khoa học và Phát triển nông thôn Việt Nam đề xuất phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng hữu cơ trên mỗi vùng nông nghiệp sinh thái (7 vùng). Ví dụ: Vùng Đồng bằng sông Hồng có thể xác định sản phẩm chiến lược quốc gia là rau, quả phục vụ đô thị trong nước và xuất sang thị trường Đông Bắc Á, như Bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhất là các nông sản vụ đông; vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có lợi thế sản xuất các loại thảo dược quý hoàn toàn hữu cơ…
Đại biểu Phan Ngọc Oanh – Nông dân giỏi ở xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên bày tỏ: "Nông dân chúng tôi thực sự rất trăn trở, mong muốn sản xuất nông nghiệp sạch. Nhưng làm thế nào để sản xuất nông nghiệp sạch chúng ta mới chỉ nói đến phần ngọn mà chưa nói đến phần gốc. Thực sự, nông dân chúng tôi đang bị thiếu thông tin về các chế phẩm, phân bón sinh học. Bản thân tôi đã từng kết nối với nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên khi chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp xây dựng mô hình, người thật việc thật ngay trên ruộng, trên vườn thì họ lại làm ăn kiểu chộp giật. Tại hội nghị hôm nay, tôi muốn các nhà khoa học lắng nghe những trăn trở của người nông dân để từ đó nghiên cứu ra những chế phẩm sinh học giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Về vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Oanh cho biết: Bản thân ông tuy là nông dân, nhưng cách đây hơn 10 năm ông đã ứng dụng công nghệ cao để trồng lan hồ điệp. Hiện nay, ông Oanh đã tự phòng cấy mô, trước hết là chủ động nguồn giống hoa cho gia đình, sau là nhân giống bán cho bà con để giảm vào sự phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài.
Tại hội nghị ông Oanh đề nghị cần có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tham gia liên kết 6 nhà. Hiện nay khi thực hiện một dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bản thân nông dân phải làm rất nhiều thủ tục, giấy tờ phiền hà.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư ghi nhận, đánh giá những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị rất thẳng thắn, đa dạng và thiết thực. Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng là sản phẩm tập trung trí tuệ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta, thể hiện trình độ phát triển tư duy lý luận của Đảng trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Với ý nghĩa đó, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN tổ chức 6 hội nghị tại 6 cụm thi đua để đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp với Đảng, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình đại hội.