Năm nay, mùa mưa đến muộn nên phải đến giữa tháng 10, măng le mới mọc. Gác lại công việc nương rẫy, hàng chục người dân tộc thiểu số sinh sống gần các cánh rừng Suối Hành, đèo Tỉnh lộ 9 bắt đầu băng rừng tìm hái măng để đem về bán. Đến khu vực đèo Tỉnh lộ 9, ngay từ sáng sớm, chúng tôi bắt gặp hàng chục người dân chia nhau thành từng nhóm 3 - 4 người vượt suối, len lỏi dưới những bụi le để tìm măng.
Ông Cao Văn Thiêm (xóm đỉnh đèo, xã Ba Cụm Bắc) cho biết: “Hàng năm, cứ đến mùa này, nhiều người trong xóm lại gói cơm, mang nước rủ nhau lên rừng hái măng. Để đến được nơi hái măng, mọi người phải đi từ sáng sớm xuống lưng chừng đèo, nơi có nhiều bụi le vẫn còn mọc xen kẽ trong những cánh rừng trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa. Việc tìm măng tuy đơn giản nhưng cũng không ít nhọc nhằn, bởi đường rừng mùa mưa trơn trượt, nước lũ đổ về lúc nào không hay. Tôi đã mấy lần bị ong rừng đuổi đốt, mấy lần giật thót vì đụng phải rắn độc…”. Công việc hái măng cũng không hề đơn giản. Mỗi khi chui vào bụi nứa, người hái măng phải đối diện với gai góc, muỗi vắt...
Bà Mấu Thị Thuyết (thôn Hòa Bình, xã Cam Phước Đông) chia sẻ: “Công việc hái măng tuy vất vả nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương, măng không chỉ là lương thực dự trữ trong mùa mưa lũ mà còn là “lộc rừng” mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Mỗi ngày, những người chịu khó băng rừng có thể kiếm được 15 - 20kg măng tươi. Với giá thương lái thu mua hiện nay 11.000 đồng/kg thì thu nhập cũng tương đối, từ 165.000 đến 220.000 đồng/người/ngày”.
Hiện nay, ở cạnh các cửa rừng, nhiều người tìm mua măng với số lượng lớn để chế biến, phơi măng khô bán vào dịp Tết. Nhờ thế, người hái măng cũng bớt phần vất vả khi phải luộc, mang ra chợ bán như trước đây. Ông Trần Văn Bi - người thu mua măng le ở khu vực Suối Hành (xã Cam Phước Đông) cho biết: “Mỗi ngày, gia đình tôi thu mua hơn 250kg măng tươi của người dân trong vùng và phải huy động tới 3 người làm luộc măng, chẻ măng, phơi măng. Từ đầu vụ đến giờ, gia đình tôi đã làm được khoảng 500kg măng khô, sẽ bán lại cho các tiểu thương ở chợ Cam Ranh, Cam Lâm…”.
Tuy nhọc nhằn, hiểm nguy nhưng với những người đi hái măng, lộc rừng chỉ có mùa, sống gần rừng thì phải dựa vào núi rừng để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống thường ngày.