Dân Việt

Bãi gỗ "khổng lồ" sau lũ: Gỗ quý hay củi rác?

Công Bính 05/11/2020 15:24 GMT+7
Sau lũ dữ, một lượng lớn gỗ, củi, rác… ken đặc thành lớp dày trên hồ thủy điện và mặt sông. Nhiều ý kiến trái chiều tranh luận đây là gỗ rừng tự nhiên, gỗ rừng trồng hay chỉ là củi mục...

Trên mặt hồ thủy điện Sông Tranh 2 (2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, Quảng Nam) đang được phủ kín bởi một khối lượng lớn gỗ, củi, cây rừng... sau cơn bão số 9. Gỗ tại đây chủ yếu là gỗ cây keo và gỗ tự nhiên theo dòng lũ từ thượng nguồn kéo đến, phủ kín hàng trăm mét vuông mặt nước.

Bãi gỗ "khổng lồ" sau lũ: Gỗ quý hay củi rác? - Ảnh 1.

Bãi gỗ "khổng lồ" sau lũ: Gỗ quý hay củi rác? - Ảnh 2.

Rác và gỗ nổi kín mặt nước trên sông Leng và lòng hồ thủy điện sông Tranh 2.

Lãnh đạo Công ty thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, lượng rác và cây cối này từ các sông giáp ranh với lòng hồ thủy điện, theo dòng lũ đổ về.

Bãi gỗ "khổng lồ" sau lũ: Gỗ quý hay củi rác? - Ảnh 3.

Bãi gỗ "khổng lồ" sau lũ: Gỗ quý hay củi rác? - Ảnh 4.

Rác, củi, gỗ… gây khó khăn cho công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở Trà Leng.

Qua ghi nhận bằng mắt thường, lượng rác và cây cối đổ về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 một lớp dày đặc, chủ yếu là gỗ mục, keo trồng, rác, cây tạp… Ngành chức năng chưa có thông tin cụ thể về việc có hay không gỗ quý bị lâm tặc chặt hạ, bị lũ cuốn trôi ngày 28/10 vừa qua; cũng như cách thức xử lý lớp gỗ dày đặc trên lòng hồ.

Bãi gỗ "khổng lồ" sau lũ: Gỗ quý hay củi rác? - Ảnh 5.

Rác, củi, gỗ dày đến nỗi có thể đứng lên trên được.

Trên lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 (đoạn qua xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) cũng phủ kín một lớp gỗ, củi, rác, cây rừng sau mưa lũ.

Số lượng gỗ, củi, rác ước tính hàng ngàn mét khối bị mưa lớn cuốn trôi xuống sông Đăk Mi và được nước lũ đẩy từ thượng nguồn về tấp vào khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4.

Bãi gỗ "khổng lồ" sau lũ: Gỗ quý hay củi rác? - Ảnh 6.

Gỗ, củi, cây trôi tấp kín không còn thấy mặt nước tại khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 qua xã Phước Chánh.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn cho biết, đơn vị đã đi kiểm tra tại lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 và đã có thống kê ban đầu. Theo đó, củi, rác, gỗ… trôi về lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 (cách chân cầu Nước Mỹ khoảng 300m) có 1 vùng gồm gỗ, củi, cành, nhành, rèo rác trôi dạt có chiều dài khoảng 500m, bề rộng khoảng 100m. Số gỗ, củi, rèo rác này do lũ cuốn trôi từ thượng nguồn trong đợt mưa bão số 9 ngày 28/10.

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Phước Sơn cho hay, đối với gỗ, củi khu vực này chủ yếu là rèo, rác, gỗ nhỏ có đường kính dưới 10cm, cành nhánh, keo đã bong tróc vỏ, dập toác, một số cây gỗ có đường kính bình quân từ 10-30cm, chủ yếu là gỗ tạp.

Bãi gỗ "khổng lồ" sau lũ: Gỗ quý hay củi rác? - Ảnh 7.

Một đoạn hồ thủy điện Đăk Mi 4 bị bè rác, củi phủ kín mặt nước.

“Do số gỗ nằm ngổn ngang, đan xen vào nhau, rèo rác bao phủ nhiều và không có ghe thuyền, địa hình không thể sử dụng phương tiện cơ giới nên chưa thể thống kê cụ thể quy cách, số lượng và chủng loại số gỗ trôi nổi tập kết tại khu vực này”, cán bộ Hạt Kiểm lâm Phước Sơn nói.

Vị cán bộ này cũng cho biết, bè gỗ, rác, rèo, cây này nổi trên mặt hồ rất dày nên không thể đo được bề dày. Bè này cũng có gỗ nhưng không đáng kể và hiện chưa thể đo đếm cụ thể được.

Bãi gỗ "khổng lồ" sau lũ: Gỗ quý hay củi rác? - Ảnh 8.

Ngành chức năng huyện Phước Sơn cho hay, bè gỗ, rác, củi nổi trên mặt nước chủ yếu là cây tạp, gỗ mục, keo, nhành cây…; chưa phát hiện gỗ quý. (Ảnh: CTV)

Hình ảnh chụp bè gỗ, rác, rèo ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 và Đăk Mi 4 được dân mạng chia sẻ và đã có những tranh cãi trái chiều. Nhiều người cho rằng đây là gỗ rừng đang được lâm tặc khai thác chưa kịp vận chuyển đi nên bị lũ cuốn trôi, tình trạng phá rừng diễn ra tràn lan làm gỗ trôi xuống lòng hồ thủy điện do mưa lũ… Nhiều người khác thì cho rằng, mảng gỗ nổi trên mặt hồ thủy điện chỉ là cây rừng nhỏ, rèo rác, gỗ mục, vỏ cây… bị mưa lớn cuốn xuống lòng hồ…

Khi lũ về, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm đi thu gom, vớt các loại cây, gỗ, củi này về làm củi đun, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Quảng – Phó Chủ tịch huyện Phước Sơn yêu cầu ngành chức năng địa phương và các xã Phước Kim, Phước Chánh tuyên truyền vận động người dân địa phương không tiếp tục tìm kiếm gỗ, củi và các vật dụng khác trên lòng hồ gây mất an toàn tính mạng và an ninh trật tự tại địa phương.

Lãnh đạo huyện Phước Sơn cũng đề nghị Công ty CP thủy điện Đăk Mi có phương án thu gom và tập kết số rác, gỗ, củi trong lòng hồ để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn hồ đập. Công việc này thuộc về chủ đầu tư hồ thủy điện Đăk Mi 4.

“Chúng tôi đã đề nghị trong quá trình thu gom, Công ty CP thủy điện Đăk Mi 4 phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và các ngành chức năng của huyện để kiểm tra, giám sát tận thu số gỗ còn có khả năng sử dụng được (nếu có) để tham mưu cấp thẩm quyền xử lý theo quy đinh của pháp luật”, ông Nguyễn Quảng – Phó Chủ tịch huyện Phước Sơn nói.