Dân Việt

Góp ý Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII: Sự vào cuộc của Nhà nước sẽ là "bệ phóng" cho kinh tế số

Huyền Anh 05/11/2020 17:08 GMT+7
Tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến, thay vào đó là khái niệm kinh tế tri thức. Thế nhưng, tại Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, kinh tế số đã được nhắc tới trong cả mục tiêu lẫn chiến lược. Doanh nghiệp kỳ vọng, đây sẽ “bệ phóng” thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.

"Dự thảo BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KTXH 5 năm 2016-2020 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KTXH 5 năm 2021-2025" trình Đại hội XIII, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. Trong đó, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII: “Bệ phóng” cho chuyển đổi số, kinh tế số - Ảnh 1.

Mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số (Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII)

"Bệ phóng" cho kinh tế số

Từng chuyển đổi số cho 143.000 đơn vị doanh nghiệp, CEO Lê Tuấn Anh của Botbanhang chia sẻ, nền kinh tế số (hay còn gọi là nền kinh tế internet hoặc kinh tế mới) là một nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Những năm qua, tiến bộ công nghệ đã tác động vào các ngành kinh doanh cũng như mọi khía cạnh của cuộc sống. Điều này khiến kinh tế số ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong tổng thể nền kinh tế tại mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ông Tuấn Anh cho biết, hiện tại nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số, mục đích cuối cùng là phục vụ cho việc phát triển kinh tế số của quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này mới chỉ ở mức độ manh nha, tự phát. Lý do theo ông Tuấn Anh, chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống từ cấp Nhà nước, tới các bộ, ban ngành.

"Trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân rất "welcome" với chuyển đổi số. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước, khái niệm về chuyển đổi số, kinh tế số vẫn còn mới mẻ nên việc thực hiện chuyển đổi vẫn còn chậm và làm theo kiểu "làm cho có" chứ không thực sự quan tâm đến kinh tế số và chuyển đổi số mặc dù chúng ta đã chứng minh được hiệu quả từ kinh tế số và xã hội số", ông Tuấn Anh cho hay.

Theo ông Tuấn Anh, nếu như việc phát triển kinh tế số trở thành mục tiêu đề cập tại Văn kiện trình Đại hội XIII sẽ là "bệ phóng" thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian tới. Bởi chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước và các bộ ban ngành, những khó khăn hay vướng mắc trong chuyển đổi số sẽ được nhanh chóng tháo gỡ. Thậm chí, Nhà nước còn có những chính sách hỗ trợ được doanh nghiệp trong chuyển đổi số, phục vụ cho việc phát triển kinh tế số của quốc gia. Thời cơ đến, doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội để thực hiện.

Đồng tình, CEO Công ty Công nghệ và giải pháp số Digi nhìn nhận, trong mấy năm gần đây, nền kinh tế số đang được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ dù còn tự phát và lý do là người Việt thích ứng nhanh với sự thay đổi. Tuy nhiên, khi cách mạng toàn dân phổ cập công nghệ số, sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế với tốc độ nhanh. Văn kiện trình Đại hội XIII lần này sẽ là động lực để số hóa nền kinh tế nhanh hơn.

Dù vậy, vấn đề là Chính phủ cần nghiên cứu để ban hành một loạt chính sách ưu đãi mở đường cho một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao để có những sản phẩm khoa học công nghệ kích nổ cho toàn bộ hệ thống doanh nghiệp. Bởi chỉ có công nghệ mới thay đổi diện mạo của đất nước.

Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với kinh tế số: Cần có lộ trình

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sau đợt cách ly xã hội chưa từng có trong lịch sử, con người đã nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì kết nối thông qua nền tảng số. Vì vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể trở về lối vận hành bình thường cũ, sản xuất theo kiểu cũ mà phải dịch chuyển lên các chuỗi giá trị mới.

"Sự thay đổi đó khẳng định rằng kinh tế số đang dần thay thế nền kinh tế vật thể. Nền kinh tế vật thể muốn tồn tại được phải số hóa, phải được tích hợp với nền kinh tế số", ông Thiên nhấn mạnh.

Tôi nhận định, mô hình kinh tế của Việt Nam ngày càng phát triển. Trong đó, Văn kiện Đại hội XIII ghi nhận những điểm mới của sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trong đó có kinh tế số. Việc khẳng định, cập nhật mô hình kinh tế số vào Việt Nam vào đường lối chiến lược phát triển Quốc gia là đúng, mang tính thời sự cao và thể hiện tầm chiến lược của Đảng.

TS Nguyễn Minh Phong

Cũng theo chuyên gia này, cấu trúc kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển rất mạnh khi cả thế giới đang dịch chuyển lên một tầm cao mới về công nghệ khiến những các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu được cấu trúc lại.

Do đó, mọi doanh nghiệp, gồm các đơn vị đang hoạt động trong môi trường công nghệ, các công ty thiên về hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hóa - đều phải đặt mình vào quá trình chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực, thích nghi với những điều kiện mới của thế giới khi chuỗi được cấu trúc lại.

Tương tự, TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, cách đây 5 năm kinh tế số còn rất mới mẻ ở Việt Nam, thậm chí từ 4.0 mới chỉ có cách đây 3 năm. Chính vì vậy, trong Văn kiện Đại hội XII, kinh tế số chưa được nhắc đến nhưng trong đường hướng chung vẫn xuất hiện như phát triển công nghệ thông tin, phát triển công nghệ cao…Đó là những tiền đề và định hướng ban đầu cho phát triển kinh tế số cũng như tái cơ cấu kinh tế gắn với kinh tế số hiện nay.

Hơn nữa, trong 9 tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 đã giúp cho người dân chúng ta có một nhận thức mới và đúng đắn hơn về phát triển kinh tế, trong đó gắn với số hóa.

"Tôi nhận định, mô hình kinh tế của Việt Nam ngày càng phát triển. Trong đó, Văn kiện Đại hội XIII ghi nhận những điểm mới của sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trong đó có kinh tế số. Việc khẳng định, cập nhật mô hình kinh tế số vào Việt Nam vào đường lối chiến lược phát triển Quốc gia là đúng, mang tính thời sự cao và thể hiện tầm chiến lược của Đảng", ông Phong nhấn mạnh.

Dù vậy, Văn kiện Đại hội XIII chậm hơn so với thực tế. Bởi Văn kiện này chỉ là ghi lại những gì chúng ta đang làm bởi Việt Nam đã thông qua chiến lược chuyển đổi số và hiện đang phát triển chiến lược Chính phủ điện tử.

"Đây là công cuộc của chính doanh nghiệp, Nhà nước chỉ tạo điều kiện thông qua chính sách, đường lối và nền tảng công nghệ thông tin còn đầu tư vào lĩnh vực nào, vào đâu phải là do doanh nghiệp", ông Phong góp ý.

Cũng theo vị chuyên gia này, để Việt Nam chủ động phát triển kinh tế số và tham gia đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh như Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII là phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Việt Nam cũng cần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực các ngành và công nghệ ưu tiên; bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập, hỗ trợ an sinh cũng như tăng cường bảo vệ môi trường sống.

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII: “Bệ phóng” cho chuyển đổi số, kinh tế số - Ảnh 5.

Phát triển kinh tế gắn với kinh tế số cần lộ trình (Ảnh minh họa)

Dù được đánh giá cao song theo một số chuyên gia quốc tế, phát triển kinh tế số không chỉ thể hiện bằng mục tiêu trong Văn kiện trình Đại hội XIII mà hơn hết, Chỉnh phủ Việt Nam phải đặt ra được các chính sách triển khai để câu chuyện chuyển đổi số, kinh tế số đi vào thực tiễn, tối đa hóa mục tiêu Chính phủ đề ra.

Để làm được điều đó, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra một lộ trình cụ thể trong việc phát triển kinh tế gắn với kinh tế số.

Lấy kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, vị này cho biết, việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số sẽ là một công cuộc "ngốn" rất nhiều nguồn lực từ tài chính và nhân lực. Tại các quốc gia khác, thay vì thực hiện chuyển đổi dàn trải, Chính phủ sẽ thực hiện chuyển đổi theo trình tự trước sau.

Ví dụ, năm nay Chính phủ xác định nông nghiệp số là cần thiết và quan trọng nhất cần được ưu tiên trong kế hoạch tái cơ cấu phát triển kinh tế. Một khi đã xác định được mục tiêu, mọi nguồn lực về tài chính, nhân lực và các chính sách ban hành sẽ đều tập trung cho việc chuyển đổi trong lĩnh vực này. Sau khi hoàn thành, sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi đến các lĩnh vực tiếp theo.

"Nếu thực hiện dàn trải, lĩnh vực nào số hóa cùng lúc mà không có sự lựa chọn ưu tiên sẽ dễ dẫn tới tình trạng nguồn lực tài chính không đủ thực hiện, và tất cả các lĩnh vực đều dở dang, thời gian thực hiện kéo dài. Từ đó, gây các tác động không tích cực cho những người thực hiện", vị này nhấn mạnh.