Dân Việt

Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò: Không chủ quan, nhập khẩu khẩn cấp vaccine

Minh Ngọc 07/11/2020 15:49 GMT+7
“Bệnh viêm da nổi cục mới xuất hiện ở vài địa phương, không lây nhiễm sang người nên các hộ chăn nuôi và người dân nói chung không nên hoang mang. Bộ NNPTNT đã và đang tổ chức, hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến.

Nhập khẩu khẩn cấp vaccine phòng chống bệnh viêm da nổi cục

Tại hội nghị phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò (VDNC) tổ chức mới đây, báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho hay, bệnh VDNC trên đàn gia súc lần đầu tiên được phát hiện tại Zambia vào năm 1929. 

Sau đó, dịch bệnh đã lây lan và lưu hành ở hầu khắp các châu lục. Đây là bệnh truyền nhiễm do một số loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra chủ yếu trên trâu, bò.

Không chủ quan bệnh viêm da  nổi cục ở trâu, bò - Ảnh 1.

Lãnh đạo Cục Thú y kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm các ổ dịch viêm da nổi cục tại Hữu Lũng (Lạng Sơn). Ảnh: C.T.Y

Trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục thường có những dấu hiệu: Sốt cao, có thể trên 41 độ C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Hình thành các nốt sần, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.

Thời gian ủ bệnh từ 4 - 14 ngày; tỷ lệ gây chết từ 1 - 5%. Tuy nhiên, virus gây bệnh VDNC không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Tại Việt Nam, từ giữa tháng 10/2020 đến nay, bệnh VDNC đã xảy ra ở 13 xã thuộc 3 huyện của các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Tổng số gia súc mắc bệnh là 232 con, trong đó 19 con bị chết.

Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn, bệnh này xuất hiện tại 5 xã của huyện Hữu Lũng với tổng số 68 con bò mắc bệnh, trong đó, 6 con bị chết. Tại Cao Bằng, có 8 xã thuộc 2 huyện Hạ Lang, Hòa An có vật nuôi bị mắc bệnh, tổng số 164 con bò bị bệnh VDNC, 13 con bị chết.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngay sau khi xác định đàn bò ở 4 xã thuộc tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng bị bệnh viêm da nổi cục, Bộ NNPTNT đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Về phía Cục Thú y cũng đã thành lập 6 đoàn công tác trực tiếp đến phối hợp với chính quyền địa phương để chỉ đạo xử lý các ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan diện rộng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã yêu cầu Cục Thú y chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về xét nghiệm để ứng phó với nguy cơ bùng phát bệnh viêm da nổi cục. Bộ cũng đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước tập trung ứng phó với nguy cơ bệnh.

Ông Tiến cũng yêu cầu các tỉnh có đường biên giới dài, đặc biệt là 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn tổ chức kiểm soát chặt chẽ đàn trâu, bò, không chủ quan trước dịch bệnh, khẩn trương khoanh vùng và triển khai phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đối với các xã đã phát hiện bệnh.

Có nguy cơ lan rộng

Không chủ quan bệnh viêm da  nổi cục ở trâu, bò - Ảnh 3.

Tại xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, bò có biểu hiện nổi các u cục dưới da tại nhiều vị trí. Ảnh: Mộc Trà

Đến thời điểm này, bệnh VDNC mới được phát hiện tại Cao Bằng và Lạng Sơn. Theo ông Nguyễn Trung Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh có thể là do việc buôn bán, vận chuyển gia súc làm lây lan dịch bệnh. Để phòng chống dịch bệnh, tỉnh Cao Bằng đã thành lập các chốt của các xã đã công bố dịch, không cho trâu, bò ra khỏi địa bàn.

Cũng theo ông Thảo, kiểm tra tình hình dịch bệnh tại xóm Bản Khoòng, xã Lý Quốc (huyện Hạ Lang, Cao Bằng), theo người dân, khi mắc bệnh, trâu, bò có các dấu hiệu như: Sốt cao, bỏ ăn, trên da nổi những nốt sần. Bệnh lây chủ yếu qua côn trùng ve, bọ, ruồi, muỗi...

Ngay khi dịch xuất hiện, người dân đã chủ động đến Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện mua thuốc tiêm hạ sốt cho trâu, bò; đồng thời, chữa trị bệnh theo các phương pháp truyền thống của đồng bào. "Tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về tình hình dịch bệnh; tăng cường giám sát, tiến hành cách ly gia súc khi bị nhiễm bệnh. Cùng với đó, tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc, cấp phát thuốc cho các xã có dịch bệnh" - ông Thảo thông tin.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cũng nhận định, trên cơ sở kết quả kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm trên gia súc của nhiều hộ chăn nuôi tại các huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), Hạ Lang và Hòa An (Cao Bằng) cho thấy, khả năng dịch bệnh VDNC đã xuất hiện và lây lan ở nhiều địa phương thuộc 3 huyện trên, không loại trừ có khả năng dịch bệnh cũng có thể xuất hiện ở nhiều địa phương khác nhưng chưa được phát hiện. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các xã bị bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò không phải là xã biên giới, các xã có dịch bệnh này lại nằm sâu trong nội địa.

Ông Pawin Padungtod - đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cũng khẳng định, bệnh viêm da nổi cục không phải là bệnh truyền lây từ động vật sang người. 

Để phòng trừ bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, ông Pawin Padungtod cho rằng, có 5 điểm mấu chốt của việc tiêm phòng và loại trừ bệnh là: Nhận thức cao và phát hiện sớm; hạn chế hoặc cấm hoàn toàn vận chuyển giá súc; tiêu hủy; tiêm phòng; kiểm soát vật chủng trung gian làm lây lan dịch bệnh. Hiện đã có nhiều loại vaccine phòng bệnh VDNC trên thị trường.