Phá rừng tự nhiên nhiều tháng nhưng chính quyền không biết?
Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, để phá rừng tự nhiên các đối tượng đã dùng máy xúc mở đường. Đường mới mở phần lớn là núi đá, độ dốc lớn, hiểm trở, có nhiều cây rừng lớn, nhỏ.
Trước khi vào sâu được trong rừng để tiến hành phá rừng tự nhiên trái phép, những chiếc máy xúc hoạt động phát ra tiếng động rất lớn khi xúc đất, đá, tiếng nổ của máy, tiếng đá lăn, cây đổ….
Theo một số người dân việc làm đường, khai thác rừng tự nhiên đã diễn ra trong vài tháng.
Theo ông Hoàng Văn Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ngân Sơn cho biết: "Bà con trong thôn không báo ra cũng chịu, bởi diện tích rừng của hai xã rất lớn, khoảng 14.000ha, trong khi dân lại thưa".
Còn việc gỗ được khai thác, vận chuyển trái phép ra khỏi rừng như thế nào, bằng phương tiện gì? Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Ngân Sơn cho rằng: "Khả năng do họ vận chuyển vào ban đêm nên không biết".
Theo người dẫn đường và lực lượng kiểm lâm, sau khi làm đường và khai thác, gỗ sẽ được dùng tời hoặc dây kéo lên điểm tập kết. Để vận chuyển khối lượng lớn gỗ trong thời gian ngắn phải cần đến hàng chục người
Gỗ rừng tự nhiên được cưa đổ, cắt thành từng khúc theo kích cỡ, hoặc xẻ thành từng hộp vuông thành sắc cạnh, tập kết hoặc để ở những điểm cao cho xe chở gỗ dễ di chuyển đến "ăn hàng" rồi chở đi.
Phương tiện vận chuyển gỗ được một số kiểm lâm địa bàn cho biết sẽ được vận chuyển lên xe tắc tơ (máy cày tự chế thêm thùng kéo) để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Trên đường vào khu vực phá rừng, phóng viên Dân Việt đã chứng kiến rất nhiều xe tắc tơ vận chuyển gỗ thông do bà con khai thác. Ở ngay ngã ba từ đường chính nối quốc lộ 3 với xã Thượng Quan rẽ lên có 3 chiếc xe tắc tơ đang đỗ.
Anh Dương, một cán bộ Kiểm lâm địa bàn cho biết: "Chỉ những chiếc xe như vậy mới chở được gỗ ra khỏi rừng, ô tô không thể đi được đường như thế này".
Điều đặc biệt là khi những chiếc xe này di chuyển trong rừng núi cũng phát ra tiếng máy nổ rất lớn, rồi tiếng cưa gỗ, tiếng cây đổ ầm ào, mà địa phương không phát hiện?
Sau khi nhận phản ánh của NTNN/ Điện tử Dân Việt về việc ngang nhiên mở đường phá rừng tự nhiên ở huyện Ngân Sơn, qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Cám ơn các anh đã quan tâm. Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn có quy chế phát ngôn, giao cho anh Nguyễn Mỹ Hải là người làm việc và sẽ có ý kiến, có gì anh liên hệ với anh Hải. Tôi đang có việc".
Ngay sau đó, Phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn.
Ông Hải thông tin: "Vụ phá rừng tại Ngân Sơn, ngành đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Ngân Sơn lập hồ sơ chuyển cơ quan Công an điều tra, khi nào có kết quả bên Công an sẽ thông tin cho các anh".
Ở góc độ người đứng đầu chính quyền cấp huyện, bà Chu Thị Huyền - Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: "Mọi việc tôi đang chỉ đạo cho Công an xác minh điều tra làm rõ. Hiện giờ người này đổ cho người kia nên phải kiểm tra từ cơ sở mới rõ được".
Còn ông Hoàng Văn Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngân Sơn, là người có trách nhiệm quản lý trực tiếp tài nguyên rừng trên địa bàn huyện Ngân Sơn khẳng định: "Bước đầu điều tra cho thấy đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự, nên chúng tôi đã giao toàn bộ hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra làm rõ".
Ông Hoàng Văn Trường, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ngân Sơn cho rằng: "Gỗ khai thác xong chủ yếu đi thẳng nhưng không biết đi Hà Nội hay đi tỉnh Cao Bằng, nhưng từ chỗ khai thác sang Cao Bằng rất gần".
Được biết, ngoài hơn 72,3 m3 gỗ chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng, còn rất nhiều gốc cây, thân cây gỗ rừng tự nhiên bị vùi lấp trong quá trình mở đường chưa được phát hiện, kiểm đếm.
Lực lượng Kiểm lâm chỉ báo cáo bề mặt đường rộng 3m, vậy còn ta-luy dương bị múc, san gạt xuống ta-luy âm là bao nhiêu cần được đo đạc, kiểm đếm chính xác.
Các đối tượng "lâm tặc" mở đường chỉ để lấy gỗ hay còn mục đích gì khác khi họ mở đường vào sát khu vực mỏ vàng Ma Nu đang khai thác…