Dân Việt

Lãi suất tiết kiệm 1 năm xuống còn 5,8%, gửi ngân hàng được lãi cao?

Huyền Anh 07/11/2020 08:13 GMT+7
Làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm chưa có dấu hiệu dừng lại khi ngân hàng tiếp tục giảm thêm từ 0,2 – 0,3% trong đầu tháng 11. Mức lãi suất cao nhất hiện nay cho kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng quốc doanh hiện chỉ còn 5,8%, thấp hơn khối ngân hàng TMCP 1,7%.

Đầu tháng 11, xu hướng giảm lãi suất tiền gửi tiếp tục diễn ra ở nhiều ngân hàng, khi biểu lãi suất huy động vừa có sự thay đổi ở các kỳ hạn.

Lãi suất tiết kiệm giữa ngân hàng quốc doanh và TMCP "vênh" nhau

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), trong bảng lãi suất áp dụng từ 5/11, ACB đã giảm 0,2-0,4% lãi suất tiền gửi ở hầu hết các kỳ hạn tại kỳ điều chỉnh.

Trong đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng giảm mạnh từ 3,6%/năm ở kỳ trước xuống còn 3,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 3,6%/năm, 6 tháng còn 4,8%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 12 tháng được ngân hàng này giữ nguyên trong khi trên 12 tháng được giảm về mức 6,3%/năm.

"Vênh" lãi suất tiết kiệm, tiền vẫn đổ vào "ông lớn" quốc doanh - Ảnh 1.

Làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm chưa dừng lại trong tháng 11 này (Ảnh minh họa)

BaoVietBank giảm từ 0,25-0,45% lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn dưới 1 năm trong khi tăng lãi suất kỳ hạn trên 1 năm.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm còn 3,35%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 3,45%/năm, 6 tháng là 5,95%/năm. Trong khi kỳ hạn 12 tháng được giữ nguyên ở mức 7,22%/năm thì kỳ hạn trên 12 tháng tăng nhẹ từ mức 6,85%/năm lên 6,95%/năm.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng tiếp tục giảm ở kỳ hạn dài từ 14 tháng trở lên. Cụ thể, khách gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 14-17 tháng còn 6,9%/năm, giảm 0,1 điểm % so với tháng trước. Các kỳ hạn từ 18-29 tháng xuống còn 7%/năm; người gửi từ 30-36 tháng lãi suất về 6,6%/năm, mức giảm mạnh hơn là 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.

Trong biểu lãi suất tiền gửi mới nhất, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên trong 4 ngân hàng quốc doanh điều chỉnh giảm thêm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn.

Với khách hàng cá nhân, Vietcombank đồng loạt giảm 0,2% lãi suất tiền gửi tại tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Biểu lãi suất huy động sau khi điều chỉnh dao động trong phạm vi từ 3,1%/năm đến 5,9%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.

Theo đó, lãi suất ngân hàng Vietcombank niêm yết tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng là 3,1%/năm. Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng ở mức 3,4%/năm. Tiền gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng được ấn định với lãi suất lần lượt là 4%/năm và 4,1%/năm.

Tại kỳ hạn 12 tháng ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất là 5,8%/năm, tiền gửi tại kỳ hạn 36 tháng có lãi suất là 5,6%/năm.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất trong tháng 11 đang được Vietcombank niêm yết ở mức 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn 24 tháng.

Tại BIDV, Vietcombank và Agribank, ngoại trừ kỳ hạn 9 tháng có mức giảm 0,3% thì các kỳ hạn còn lại có mức giảm đồng loạt là 0,2%. Theo đó, biểu lãi suất có thay đổi và dao động trong khoảng từ 3,3%/năm - 5,8%/năm khi gửi tiền tại kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.

Lãi suất tiết kiệm 1 năm xuống còn 5,8%, gửi ngân hàng được lãi cao?  - Ảnh 3.

Hiện BaoVietBank và Eximbank là quán quân dẫn đầu về lãi suất huy động (kỳ hạn 12 tháng), trong khi đó mức lãi suất cao nhất của 4 ngân hàng quốc doanh về 5,8%/năm. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm của 2 khối ngân hàng này là 1,7%.

Trước đó, theo dữ liệu thống kê của Fiin Group (chuyên về dữ liệu tài chính) cho thấy, lãi suất huy động có chung xu hướng giảm trong tháng 10 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng.

Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh giảm 0,3%; lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,072%; lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,493%.

Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục sụt giảm mạnh nhất (-0,475%). Lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỷ đồng và lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng có mức giảm lần lượt là 0,052 và 0,323%.

Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đều ở sâu dưới mức trần 4%. Trong khi đó, ở kỳ hạn dài (12 tháng) cũng chứng kiến mức giảm mạnh của lãi suất tại nhóm ngân hàng TMCP gốc quốc doanh, lên đến 0,47%/năm.

Gần 50% lượng tiền gửi "đổ về" 4 ngân hàng quốc doanh

Một lãnh đạo của ngân hàng quốc doanh cho biết, xu hướng giảm lãi suất không chỉ xuất hiện ở thời điểm hiện tại mà là xu hướng chủ đạo của thị trường trong 9 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh thanh khoản của các ngân hàng dồi dào. Đáng nói, dù lãi suất giảm nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng. Các ngân hàng điều chỉnh hạ lãi suất đầu vào là cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay, tăng sức cạnh tranh trong việc tìm kiếm khách hàng tốt.

"Vênh" lãi suất tiết kiệm, tiền vẫn đổ vào "ông lớn" quốc doanh - Ảnh 3.

BIDV đang là quán quân về số tiền gửi của khách hàng, đạt hơn 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm.

Thống kê gần 30 ngân hàng thương mại cho thấy, huy động khách hàng của các ngân hàng này tăng trưởng gần 8% so với đầu năm. Trong đó, riêng 3 "ông lớn" quốc doanh là Vietcombank, BIDV và Vietinbank chiếm tới 48,8% tiền gửi trong tổng tiền gửi của các ngân hàng.

Không tính Agribank, hiện BIDV đang là quán quân về số tiền gửi của khách hàng, đạt hơn 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm.