Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh có 2 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập hoàn toàn, đường ống cấp nước sinh hoạt tập trung của xã Vĩnh Kim bị cuốn trôi chưa khắc phục được. Trong khi đó, đường giao thông ĐT 637 cũ bị sạt lở, chia cắt 16 điểm lớn nhỏ, trong đó 10 điểm sạt lở lớn ở xã Vĩnh Kim đất đá tràn qua đường, hư hỏng kè Nước Dơi xã Vĩnh Kim 250m, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.
"Mưa lớn những ngày qua, nước lũ đã làm đất sạt lở, đường sá bây giờ hư hỏng hết nên đi lại rất khó khăn. Chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ sửa chữa đường, để người dân đi lại được tốt hơn", anh Đinh Mua (40 tuổi, ở xã Vĩnh Kim) cho hay.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành cho biết nguyên tuyến đường lên xã Vĩnh Kim có 13 điểm sạt lở, tuyến đường lên xã Vĩnh Sơn có 15 điểm sạt lở.
Hiện tại, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu di chuyển bằng xe máy, ô tô không thể lưu thông được.
"Các tuyến đường đều bị tắc do sạt lở đất đá. Trước mắt, huyện chỉ đạo khắc phục đường để đảm bảo giao thông cho người dân đi lại.
Riêng xã Vĩnh Kim có trên 1.000 hộ dân, trong đó có 30 hộ dân nằm trong diện nguy cơ bị sạt lở, chúng tôi đã có cảnh báo và chủ động di dời người dân đến nơi an toàn, nên không có thiệt hại về người", ông Thành nói.
Trực tiếp thị sát, kiểm tra tại hiện trường sạt lở, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhận định việc sạt lở do lũ ống, lũ quét là một hiện tượng hiếm thấy ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu về lâu dài, phải tính đến phương án rà soát, di dời người dân thoát khỏi khu vực nguy hiểm ven núi, có nguy cơ sạt lở.
"Đã xảy ra tình trạng sạt lở như thế này thì sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa. Địa phương phải có chính sách dời người dân đến nơi an toàn. Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn phải đưa ngay lực lượng, máy móc khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông. Việc này trong vòng 3 ngày phải làm xong. Trước mắt, phải thông đường cho người dân đi lại an toàn", ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Tuyến đường từ huyện Vĩnh Thạnh đi đến các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn là tuyến đường huyết mạch, tuy nhiên thực tế, tuyến đường này đã xuống cấp, rất nguy hiểm.
Vì vậy, tỉnh Bình Định đã để xuất và được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến đường. Dự kiến, công trình sẽ triển khai trong năm 2021.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân, huyện có 56ha hoa màu, 12ha cây ăn quả hư hỏng, 150ha cây keo ngã đổ, hàng trăm gia cầm gia súc bị cuốn trôi, kênh mương sạt lở bồi lấp với tổng chiều dài 3.800m, 16 đập dâng tại địa bàn 2 xã BokTới và Đak - Mang bị bồi lấp hoàn toàn.
Ngoài ra, 3.200m bờ sông, 5.600m tuyến đường giao thông liên xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Bok Tới, Ân Hữu, Đak - Mang bị sạt lở, 5 cống nội đồng sạt lở cuốn trôi, cầu bản đoạn Nghĩa Nhơn - Bok Tới và cầu bản thôn Phú Văn 2 (xã Ân Hữu) sạt lở mố cầu.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 165 hồ chứa thủy lợi, dung tích các hồ chứa là 222/590 triệu m3, đạt 39% dung tích thiết kế.
Các hồ đang vận hành theo quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Hồ chứa thủy điện Trà Xom từ 9h ngày 7/11, lưu lượng xả qua tràn 30m3/s chảy về hồ Định Bình. Hồ chứa Thủy điện Vĩnh Sơn 5 không phát điện, lưu lượng qua tràn 150m3/s chảy về hồ Định Bình.
Hồ Định Bình đang vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa, lưu lượng điều tiết qua tràn 275m3/s.