Sáng 10/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan để chỉ đạo ứng phó với bão số 12 và bão số 13 dự báo mạnh cấp 12, giật cấp 13 khi đi vào biển Đông.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, bão số 12 đang nằm sát bờ các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Do ảnh hưởng của bão, trong 12 giờ qua mưa ở khu vực này rất to, tập trung vào khu vực ven biển 100-150mm, khu vực miền núi 50-70mmm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, từ ngày 10-12/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa có mưa 200-400mm/đợt, có nơi trên 450mm; Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và Tây Nguyên mưa 100-200mm/đợt.
"Khu vực miền Trung mưa rất lớn, khi bão đi sâu vào bên trong mưa khu vực miền núi từ 100-300mm, nguy cơ sạt lở đất là rất cao" - ông Khiêm lưu ý.
Từ đêm 12/11 đến 13/11, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.
Thông tin về cơn bão số 13, ông Khiêm cho biết, nhận định sớm cơn bão này gần giống với cơn bão số 9 về cường độ, tốc độ và hoàn lưu bão rộng. Hiện nay, bão đang có gió mạnh cấp 8-9 và dự báo trong 24 giờ đến 36 giờ tới bão tăng cấp rất nhanh - vào Philippines dự báo gió mạnh cấp 13.
"Cơn bão số 13 có hoàn lưu rộng, đi qua địa hình ít tiêu tán năng lượng nên đi vào biển Đông dự báo gió mạnh cấp 12, giật cấp 13. Đây là cơn bão mạnh, trong sáng nay Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia sẽ phát bản tin về cơn bão này" - ông Khiêm nhận định.
Để ứng phó với bão số 12, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã tổ chức sơ tán 2.784 hộ dân với 8.254 người tại các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của bão, lũ đến nới an toàn; các tỉnh khác đang tiếp tục rà soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ để tổ chức sơ tán cho phù hợp.
Trên tuyến biển, tính đến 6 giờ ngày 10/11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện với 289.004 người - hiện tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.
Lực lượng chức năng cũng đã thông báo, kiểm đếm 926 tàu vận tải tại các vùng nước, cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, trong đó có 196 tàu biển và 730 phương tiện thủy nội địa.
Tại vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận, tổng diện tích nuôi trồng thủy, hải sản là 13.620ha (tỉnh Bình Định có 3.835 ha, Khánh Hòa có 3.780 ha) và 177.614 lồng, bè (Phú Yên: 81.177, Khánh Hòa: 91.225).
Trên đất liền, diện tích lúa chưa thu hoạch 52.067ha/107.632ha gieo trồng, trong đó lúa giai đoạn chín là 10.154 ha; nhiều nhất Bình Định 2.684 ha, Khánh Hòa 2.500ha. Tổng gia súc hơn 2 triệu con; gia cầm hơn 20 triệu con (nhiều nhất Bình Định: 901 nghìn con gia súc, 8,207 triệu con gia cầm).
Tổng chiều dài các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận là 148,2 km, trong đó có 9 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 1,8km. Do ảnh hưởng của bão số 9 và mưa lũ làm sạt lở 1,6 km kè biển Tam Quan (Bình Định) hiện nay địa phương mới khắc phục tạm thời những vị trí bị sạt lở nghiêm trọng bằng bao tải cát.