Hàng loạt các mục tiêu chiến lược của Chính phủ được đưa ra trong Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 ban hành tới đây.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả sử dụng nhà ở công vụ. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, giao cho quan chức, cựu quan chức sử dụng không đúng tiêu chuẩn, hoặc hết thời hạn được sử dụng nhà ở công vụ theo quy định.
Cùng với đó, yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Hạn chế mua sắm ô tô và các trang thiết bị đắt tiền (trừ xe chuyên dùng).
Trong sử dụng vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tiến hành rà soát, cắt giảm 100% dự án không nằm trong quy hoạch, tạm dừng các hạng mục công trình chưa cần thiết, hoặc hiệu quả đầu tư thấp, dự án đầu tư kéo dài nhiều năm, không hiệu quả.
Yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên; quản lý các quỹ tài chính ngân sách; sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
"Tổng quỹ nhà ở công vụ tính đến ngày 30/6/2020, cả nước có 75.751 căn, nhà (phòng) với tổng diện tích là 2.832.865 m2. Trong đó có 50 căn biệt thự, tương ứng với 20.965 m2; 19.923 căn chung cư, tương ứng với 1.543.519 m2; 55.778 căn liền kề, tương ứng với 1.268.381m2" – Số liệu từ Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh ký thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã gửi thông báo từ 2-3 lần nhưng các cựu quan chức này vẫn chưa chịu trả nhà. Sau khi báo chí đăng thông tin, họ mới liên hệ Bộ Xây dựng để xin trả lại.
Mới đây, sự việc liên quan tới bà Đặng Huỳnh Mai, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đơn gửi Thủ tướng bày tỏ nguyện vọng muốn giữ lại căn hộ 608, tòa A2, khu nhà công vụ tại Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội), vì như bà trình bày là bà chưa có nhà riêng. Đây là nhà công vụ được phân cho, khi bà giữ chức Thứ trưởng từ năm 2001 đã khiến dư luận xôn xao.
Lý giải về tình trạng chậm trễ trong thu hồi nhà công vụ, Bộ Xây dựng cho biết, do một số cán bộ sau khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ thực tế có khó khăn về nhà ở, sau khi trả lại nhà ở công vụ nhưng chưa được giải quyết nhà ở xã hội.
Nhà công vụ, theo quy định của pháp luật là loại tài sản công, thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Nhà nước dùng ngân sách để chi trả những chi phí trong quá trình cán bộ công chức đương chức có nhu cầu và đủ điều kiện sử dụng. Khi cán bộ công chức nghỉ hưu có nghĩa tài sản ấy phải được hoàn trả để tiếp tục sử dụng theo quy định.
Thế nhưng lâu nay, bên cạnh những lãnh đạo chủ động trả lại nhà công vụ khi kết thúc công tác thì có không ít trường hợp không chịu trả lại. Cơ quan quản lý Nhà nước phải đi "đòi", mà "đòi" nhiều lần, quan chức ấy vẫn không chịu trả.