Ngày 12/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Tại đây rất nhiều vấn đề đã được thảo luận từ việc tiếp tục thí điểm hay áp dụng ngay, quyền giám sát khi TP.HCM bỏ HĐND cấp phường, quận, hay rộng hơn là cơ chế đặc thù cho các địa phương trên cả nước…
Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) đồng tình với việc thực hiện ngay mô hình, tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM mà không cần thí điểm để đến tháng 7/2021, nghị quyết của Quốc hội sẽ đi vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững. Cũng như phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP.HCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước trong thời gian tới.
"TP.HCM đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm trên 21% tổng sản phẩm GDP, chiếm trên 29% tổng thu ngân sách của cả nước", đại biểu Vang cho biết.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh: Thật khó để hình dung, với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước, nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo búp bê đồng hạng, như một chính quyền nông thôn.
"Chúng ta đang nói quá nhiều về những điều to tát, luôn trăn trở đi tìm nguồn lực cho tăng trưởng, lo xây tổ để đón đại bàng nhưng qua câu chuyện TP xin cơ chế cũng nói lên một điều rằng, tư duy, ý chí về phát triển thì không thiếu. Nhưng hành động lại cho thấy chúng ta chưa sẵn sàng cởi trói cho nguồn lực để hiện thực hóa tư duy và ý chí đó", đại biểu Nhân nói.
Ông cũng cho rằng, phải chăng, vì lẽ đó mà Thủ tướng đã nhắn nhủ trong phần trả lời chất vấn khi cho rằng thách thức lớn nhất không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế, mà thách thức lớn nhất là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động.
Trong phần giải trình về Nghị quyết, liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Dù là thí điểm hay không thí điểm thì Chính phủ vẫn đề nghị sau một thời gian, khoảng 3 năm thực hiện nên sơ kết.
"Luật chúng ta cũng có sơ kết, tổng kết, nếu chưa phù hợp, chúng ta cũng sửa. Nếu mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM trong thời gian thực hiện thấy cần điều chỉnh chúng ta sẽ tiếp tục đề nghị Quốc hội để điều chỉnh", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Đặt câu hỏi: "Một trong nhiều trăn trở của người dân và không ít đại biểu khi không tổ chức Hội đồng nhân dân ở một cấp nào đó liệu có ảnh hưởng đến quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân qua người đại diện cho mình hay không?", song đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, những lo ngại này hoàn toàn có thể được giải quyết trên thực tế trình xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh hiện nay.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, TP.HCM đã có thời gian hơn 6 năm để thực hiện mô hình thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp huyện, quận, phường trong giai đoạn từ năm 2009 - 2016 và đã tổng kết việc thí điểm này. "Thấy rằng việc không tổ chức HĐND quận, phường là có tính hiệu quả", ông Tân nhấn mạnh.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhấn mạnh: Chúng ta ra nghị quyết riêng về TP.HCM. Nói cách khác, chúng ta phân quyền, phân cấp cho TP.HCM cụ thể hơn.
"Đây là một chủ trương mà Đảng ta đã khởi xướng từ lâu, cùng với chủ trương tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đây là một bước tiến về phân cấp, phân quyền", đại biểu Lê Thanh Vân nói và đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội phải tổng kết thực tiễn, đánh giá cho nghiêm cẩn mô hình này.
Từ đó, có phân loại các địa phương trong 63 tỉnh, thành để nhóm địa phương có cùng tính chất, có cùng các đặc điểm để phân hóa thành các nhóm cụ thể, có chính sách tác động phù hợp để chúng ta tránh tình trạng ban hành những văn bản riêng rẽ mà chúng ta gọi là đặc thù.
"Khi tất cả các địa phương đặc thù thì không còn là đặc thù nữa. Vừa rồi chúng ta cho đặc thù ở TP.HCM, cho đặc thù Hà Nội, cho đặc thù Đà Nẵng. Tôi cho rằng, nó sẽ sinh ra cát cứ về chính sách, phải có một chủ trương chung để phân loại chính quyền, phân hóa chính sách thì mới công bằng", đại biểu Vân nói.