Theo đó, chiều 12/11, lãnh đạo Công an tỉnh Long An xác nhận đã bắt giữ bà Phạm Huỳnh Thị Điệp (ngụ ấp An Hòa, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa), để điều tra về hành vi giết người cướp tài sản.
Bà Điệp được xác định là nghi phạm ra tay sát hại bà Nguyễn Thị Khuôn (79 tuổi) để cướp 12 chỉ vàng và 30 triệu đồng.
Sau đó, bà Điệp cuốn thi thể bà Khuôn vào bao nilon, vứt vào nhà vệ sinh rồi bỏ trốn khỏi địa phương.
Cũng theo vị lãnh đạo Công an tỉnh Long An, khi gây án, bà Điệp đang mang thai gần tới ngày sinh con.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đang mở rộng điều tra làm rõ nghi vấn có phải bà Điệp là người duy nhất đã sát hại bà Khuôn.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TPHCM cho biết, sự việc này phải xem xét thêm nhiều khía cạnh và chờ thêm từ phía công an điều tra.
"Với người phụ nữ mang thai sắp sinh con thì khó mà một mình ra tay hành động như vậy, do đó Cơ quan điều tra cần làm rõ có hay không đồng phạm.
Đồng thời xét hành vi của nghi can Điệp, có thể xử lý về tội giết người được quy định trong điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017", ông Tuấn nói.
Cũng theo vị Luật sư, điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội giết người nhưng không mô tả cụ thể những dấu hiệu của tội này mà chỉ nêu tội danh, tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác.
Nghi can Điệp đã nếu có hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của bà Khuôn (79 tuổi), người già, không có khả năng tự vệ, do đó hành vi này rất nhẫn tâm nhằm mục đích cướp tài sản của bà Khuôn.
"Có thể thấy hành vi của nghi can Điệp thỏa mãn cấu thành tội phạm tội giết người điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, cần phải xử lý có tính nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất mức độ của hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra sẽ có kết luận chính thức trong trường hợp này", vị luật sư cho biết.
Ông Tuấn cũng lưu ý rằng, khi phạm tội thì nghi can Điệp có thai, thì theo quy định pháp luật tại điều 40 Luật Hình sự 2015 có quy định cụ thể.
Điều 40 Luật Hình sự 2015 quy định:
Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn
Theo đó, trong trường hợp quy định tại khoản 3 điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân. Do đó không có mức án cao nhất là tử hình đối với hành vi của nghi can Điệp.
Ông Tuấn cũng cho biết, tội cướp tài sản được quy định tại điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
"Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định, tội cướp tài sản là "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…
Hành vi cướp tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ được Luật hình sự bảo vệ, đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Bằng hành vi phạm tội của nghi can Điệp, xâm phạm trước hết đến thân thể của bà Khuôn, qua đó xâm phạm đến tài sản sở hữu của bà khuôn", ông Tuấn nói.
Trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác định các tình huống của Điệp đã thực hiện dạng hành vi nào như là hành vi dùng vũ lực có hay không? Từ đó có cơ sở pháp lý để giải quyết vụ án tốt hơn.