Cà Mau: Cá sấu sổng chuồng liên tục, xóm làng hoang mang, quy định xử lý thiếu chặt chẽ

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 13/11/2020 10:15 AM (GMT+7)
Riêng tại Cà Mau đã có 3 vụ cá sấu sổng chuồng. Tình trạng này khiến cho người dân hoang mang, trong khi quy định xử lý trong vấn đề này hiện còn thiếu cụ thể, chặt chẽ.
Bình luận 0

Người dân hoang mang

Mới đây, 2 con cá sấu mỗi con nặng hơn 50kg của người dân ở xã Định Bình, TP.Cà Mau (Cà Mau) sổng chuồng. Đây đã là vụ cá sấu sổng chuồng thứ 3 xảy ra trong thời gian gần đây tại Cà Mau. Tình trạng này khiến cho người dân hoang mang, trong khi quy định xử lý trong vấn đề này hiện còn thiếu cụ thể, chặt chẽ.

Xóm làng hoang mang vì cá sấu sổng chuồng, trong khi quy định xử lý thiếu chặt chẽ - Ảnh 1.

Tình trạng hàng loạt cá sấu sổng chuồng ở ĐBSCL khiến người dân hoang mang.

Theo đó, vụ việc cá sấu sổng chuồng gần nhất xảy ra vào sáng ngày 31/10. Hai con cá sấu bị sổng chuồng là của gia đình bà Nguyễn Mỹ Hạnh (xã Định Bình, TP.Cà Mau). Chiều cùng ngày, gia đình báo chính quyền địa phương để phát cảnh báo đến người dân. Sau nỗ lực tìm kiếm, gia đình và người dân đã tìm thấy 2 cá sấu, tuy nhiên thông tin này cũng đã khiến xóm làng hoang mang.

Nguyên nhân cá sấu thoát ra, được gia đình bà Mỹ Hạnh lý giải do tấm lưới che nắng bị đứt dây rơi xuống chuồng và cá sấu theo đó leo ra. Hiện tại, gia đình bà Hạnh đã rào thêm lưới sắt trên mặt chồng cao 1,6m để đảm bảo hai con cá sấu không thể ra ngoài.

Còn về phía chính quyền địa phương, việc rà soát, kiểm tra an toàn chuồng trại nuôi động vật hoang dã nói chung, cá sấu nói tiêng đang tiếp tục được triển khai.

Ông Đặng Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Định Bình, cho biết: Chúng tôi đã yêu cầu hộ nuôi phải gia cố chuồng trại, rào lưới sắt để cá sấu không thể ra ngoài. Xã cũng đã chỉ đạo xuống các ấp rà soát tất cả các hộ nuôi động vật hoang dã nói chung, các sấu nói riêng trên địa bàn.

Xóm làng hoang mang vì cá sấu sổng chuồng, trong khi quy định xử lý thiếu chặt chẽ - Ảnh 2.

Người dân vây bắt cá sấu sổng chuồng ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Trước đó, người dân xã Tân Phú, huyện Thới Bình và xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cũng đã bắt được 2 cá thể cá sấu ngoài môi trường tự nhiên. Cơ quan chức năng địa phương đều đánh giá, đây là những cá thể cá sấu bị sổng chuồng.

Quy định thiếu chặt chẽ, cụ thể

Cá sấu là loài bò sát, được nuôi chủ yếu để lấy da sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như: ví, túi xách, dày, áo khoác... Thông thường, cá nuôi trong điều kiện tốt, khoảng 17-18 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 30kg/con. Những năm trước, đây là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ ở ĐBSCL.

Theo một số nông dân nuôi cá sấu, cá sấu là loài hung hãn, nên khi nuôi cần đặc biệt chú ý đến chuồng trại. Đặc biệt, khi cá sấu bị đói thì khả năng sổng chuồng sẽ cao.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, để được thả nuôi cá sấu, người dân phải đăng ký với Hạt Kiểm lâm huyện, đối với những huyện không có hạt kiểm lâm thì trực tiếp đăng ký tại Chi cục Kiểm lâm.

Theo đó, hộ nuôi phải chứng minh được nguồn gốc vật nuôi và phải xây dựng chuồng trại theo quy định tại Nghị định 06/1019 về "quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp".

Cụ thể, Nghị định 06 quy định như sau: "Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh". Tuy nhiên, điều kiện cụ thể về chuồng trại như thế nào để đảm bảo an toàn thì chưa được nêu rõ.

Xóm làng hoang mang vì cá sấu sổng chuồng, trong khi quy định xử lý thiếu chặt chẽ - Ảnh 3.

Riêng tại Cà Mau đã có 3 vụ cá sấu sổng chuồng.

Còn tiêu Tiêu chuẩn ngành 04TCN 87:2006 về "quy phạm kỹ thuật nuôi cá sấu nước ngọt", do Bộ NNPTNT ban hành cũng chỉ quy định chung chung. Như quy định về nuôi cá thương phẩm thì chuồng phải xây dựng bằng bê tông cốt thép, cao bao nhiêu thì không nêu rõ. Tuy nhiên, hàng rào sắt bên ngoài thì được quy định cao 1,5m.

Đặc biệt, hiện nay chưa có quy định xử lý về việc hộ nuôi cá sấu nhưng quản lý lỏng lẻo, để sổng chuồng.

Ông Lê Văn Hải - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, đơn vị chủ yếu quản lý về nguồn gốc con nuôi. Người dân muốn nuôi cá sấu phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, trường hợp nuôi "chui" sẽ không được xác nhận khi vận chuyển. Đối với chuồng trại nuôi cá sấu không đúng quy định sẽ nhắc nhở và yêu cầu người dân xây dựng kiên cố để bảo đảm an toàn.

"Hiện cá sấu đang được giảm nuôi, do giá giảm. Tỉnh Cà Mau chủ yếu là hộ nuôi gia đình, với hơn 500 hộ (hiện đang cho thống kê). Trước đây, rất nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ không đăng ký, nhất là các hộ nằm ở vùng giáp ranh. Hiện cũng đã có chế tài xử lý đối với trường hợp có nguồn gốc con nuôi nhưng không đăng ký gây nuôi. Tuy nhiên, đối với trường hợp hộ nuôi để vật nuôi sổng chuồng (chưa gây thiệt hại) thì chưa có quy định xử lý cụ thể", ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, việc thời gian gần đây tình trạng cá sấu sổng chuồng xảy ra một phần nguyên nhân là do sự chủ quan, không theo sát của hộ nuôi.

Trước thực trạng phát hiện nhiều cá thể cá sấu ngoài môi trường tự nhiên, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường quản lý động vật hoang dã nói chung, cá sấu nói riêng trên địa bàn.

Chỉ trong thời gian ngắn, do ảnh hưởng của mưa bão và triều cường, ở ĐBSCL đã xảy ra nhiều vụ cá sấu sổng chuồng. Vụ đầu tiên xảy ra ở đoạn sông tại khu vực bến đò 13 thuộc xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) vào sáng 18/10. Con cá sấu dài khoảng 1,5m, nặng khoảng 70kg được người dân phát hiện dưới sông.

Riêng tại Cà Mau đã xảy ra 3 vụ cá sấu sổng chuồng. Còn tại An Giang, con cá sấu dài khoảng 1,2m bất ngờ xuất hiện tại bãi xe khách Hùng Cường (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) khiến nhiều hành khách phát khiếp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem