Chuyên gia giải đáp nhiều vấn đề "nóng" về chuyển đổi đất lúa
Tại diễn đàn, nhiều nông dân tại các tỉnh, thành ở miền Bắc đã đặt hàng chục các câu hỏi xoay quanh các vấn đề khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác, kỹ thuật chăm sóc rau màu, cây ăn quả tại vùng chuyển đổi...
Ông Nguyễn Thế Tứ, nông dân ở Thái Thụy (Thái Bình) cho biết, thực hiện việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây an quả và chăn nuôi, gia đình ông và nhiều hộ dân ở khác địa phương đang làm rất hiệu quả có thu nhập cao.
Dù bà con đầu tư lớn nhưng khi bão to, gió lớn gây thiệt hại lớn đến các công trình nhà tạm ở khu vực chuyển đổi. Vì thế, bà con rất muốn làm công trình nhà kiên cố để tiện chăm sóc rau, cây ăn quả và chăn nuôi, vậy có được không?
Giải đáp thắc mắc này, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình cho hay: Hiện nay chúng ta đang có chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm khác hiệu quả hơn.
Tuy nhiên về nguyên tắc, dù các diện tích này đã chuyển đổi nhưng vẫn được tính là đất lúa nên bà con không được làm gì, hay xây nhà kiên cố lên khu vực này được, việc xây dựng nhà tạm cũng phải theo quy định.
"Trừ khi các diện tích này nằm trong quy định khác về kinh tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép, được HĐND tỉnh cho phép thì chúng ta mới có thể lập dự án để xây dựng hay chuyển đổi được" - bà Nga khẳng định.
Cũng theo bà Nga, việc chăn nuôi của bà con cũng phải theo quy định, quy hoạch về chăn nuôi. Luật Chăn nuôi mới ban hành đã có quy định rất rõ, bà con phải chăn nuôi theo quy hoạch ở từng thôn, từng xã chứ mọi người không thể chăn nuôi tự phát, khắp nơi như trước được, nhất là việc chăn nuôi nông hộ sắp tới sẽ được quản lý rất chặt.
Do vậy các trang trại và quy mô trang trại sẽ phải theo tiêu chí, kể cả người chăn nuôi trong quy hoạch mà chưa chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp thì cũng phải chấp hành, người dân không được xây nhà kiên cố theo ý mình...
Chia sẻ thêm về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả của địa phương, bà Nga cho biết, đầu năm 2010, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, Nghị quyết này đã tạo bước mở cho việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, giúp nông dân ở các địa phương của Thái Bình nâng cao thu nhập, tăng giá trị sử dụng đất.
Từ năm 2016 đến năm 2019, toàn tỉnh Thái Bình đã chuyển đổi trên 2.000ha đất canh tác, chủ yếu là vùng đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang cây hàng năm, cây lâu năm khác có giá trị cao hơn như: Ngô, rau các loại, khoai tây, ớt, dưa xuất khẩu, bí, cây dược liệu, cam, táo, ổi, cà rốt, hoa… các mô hình chuyển đổi ở giai đoạn này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành một số vùng, một số sản phẩm hàng hóa đạt hiệu quả cao hơn từ 2 lần trở lên so với gieo cấy lúa...
Bà Nga cho biết thêm, theo kế hoạch, Thái Bình đang phấn đấu hết năm 2025 chuyển đổi được khoảng 20.000ha, đến năm 2030 chuyển đổi khoảng 30.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây hàng năm khác, cây làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, cây cảnh có giá trị cao hơn trồng lúa.
Theo đó, đến năm 2025, xây dựng được 3 - 4 sản phẩm có thương hiệu của ngành trồng trọt Thái Bình, thu hút được 2 - 3 tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh...
"Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của từng địa phương;
Việc chuyển đổi phải gắn với chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất; công khai thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác tại địa phương để người dân có nhu cầu chuyển đổi dễ thực hiện" - bà Nga nhấn mạnh.
Giải đáp thắc mắc của bà Hà Thị Lục và một số hộ dân ở Bình Lục (Hà Nam) về việc trồng rau liên tục nhiều vụ trên một diện tích đất hay bị sâu, bệnh, chậm lớn, TS. Đào Xuân Cảnh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm lưu ý bà con cần trồng luân canh cây trồng nước và cây trồng cạn để đảm bảo môi trường đất được cải thiện và cây trồng khỏe, phát triển, cho chất lượng cao hơn.
Cùng với đó, theo TS. Cảnh, bà con cần phải vệ sinh đồng ruộng sạch trước khi gieo trồng, đồng thời người dân cũng cần phải chọn mua giống tốt, chất lượng cao tại các cơ sở, đại lý có uy tín và khi trồng cây mọi người cũng phải có phương pháp bón phân đúng, đúng loại, đúng liều lượng mới mang lại hiệu quả cho cây trồng.
Tại diễn đàn, PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cũng trả lời nhiều câu hỏi của bà con tại các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Nam Định... liên quan kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sen lấy hoa, ngó, củ.
Theo ông Đông, trồng sen rất thích hợp cho những hộ nông dân có ít ruộng, vì cây sen đầu tư vốn ít lại cho thu nhập và tạo việc làm thường xuyên. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các sản phẩm từ sen như hoa sen, ngó, củ sen đều rất dễ dàng.
Trong đó, nghề trồng sen lấy củ đang cho thu nhập rất cao và thị trường tiêu thụ sản phẩm này rất tiềm năng cả ở trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... đang có nhu cầu nhập khẩu củ sen rất lớn nhưng hiện Việt Nam chúng ta mới chỉ có một doanh nghiệp làm việc này.
Chính vì thế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả khuyên bà con nên chuyển đổi sang trồng sen lấy củ để tăng thu nhập. Khi trồng loại cây này, ông Đông lưu ý bà con cần chọn mua giống mới từ Nhật Bản sẽ cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
"Hiện, chúng tôi cũng đang có nhiều đầu mối cung cấp giống sen củ chất lượng cao, nếu bà con cần mua sẽ có ngay. Trong nghề trồng sen lấy củ, khâu khó khăn nhất là thu hoạch, hiện bà con vẫn làm thủ công rất vất vả. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang đặt hàng các nhà khoa học, nhà sáng chế làm ra loại máy thu hoạch sẽ thu hoạch được củ sen nhanh hơn nên bà con cứ yên tâm mở rộng diện tích và làm giàu từ loại cây này" - PGS.TS Đăng Văn Đông chia sẻ.
Trong 3 năm, từ năm 2017 đến năm 2019, theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích cây trồng chuyển đổi ở các tỉnh phía Bắc đạt trên 565.644ha. Dự kiến năm 2020 chuyển đổi được 175.000 ha, tập trung vào các loại hình chuyển đổi như:
Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây hàng năm: Có quy mô diện tích chuyển đổi lớn nhất, đạt khoảng 490.400ha; Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa: Có quy mô diện tích chuyển đổi lớn thứ hai, đạt 132.495ha; Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây lâu năm: Có quy mô diện tích chuyển đổi đạt khoảng 117.298ha...
Tăng cường liên kết giữa các đơn vị
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, trong những năm vừa qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đang cho hiệu quả rất tích cực. Trong đó, có nhiều tỉnh, thành đã và đang xây dựng được nhiều mô hình hay, nhiều điểm sáng để nhân rộng.
Để công tác chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, ông Thanh đề nghị các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng sát theo các quy định của Nhà nước.
"Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các tỉnh cần phải chú trọng đến việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học và người sản xuất để tổ chức sản xuất theo chuỗi giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững cho người dân.
Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sắp tới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phân bổ thêm nguồn lực, cùng với hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành tăng cường đào tạo, tập huấn và áp dụng thêm các giải pháp kỹ thuật mới giúp người dân tại các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao hơn" - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định.
Trước đó, chiều ngày 12/11, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; đại diện Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông và nông dân của 8 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương và Quảng Ninh đã đi thăm mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả tại xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).
Đến nay, diện tích chuyên canh rau màu toàn xã Quỳnh Hải đạt 170ha trong tổng số trên 350ha đất nông nghiệp; bà con luân canh 6 – 7 vụ/năm, thu nhập từ 600 – 700 triệu đồng/ha/năm. Để phát triển bền vững, HTX Quỳnh Hải đã thực hiện và nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn với diện tích 8,2ha. Đặc biệt, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã hỗ trợ địa phương triển khai mô hình trồng rau hữu cơ với quy mô 1,5ha đối với cây su hào.
Tại điểm tham quan này, các đại biểu đã được chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi sang cây trồng mới hiệu quả cao hơn; kỹ thuật thâm canh rau trái vụ; các tiến bộ kỹ thuật áp dụng nhằm nâng cao năng suất, giá trị cây trồng…
Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo các địa phương cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật và tổ chức sản xuất như sau:
- Đối với đất chuyển sang cây trồng ngắn ngày: Bố trí thời vụ theo trồng và cơ cấu
giống hợp lý; bố trí trồng rải vụ với các nhóm rau để đảm bảo nguồn cung, hạn chế dư
thừa hoặc dồn ứ sản phẩm. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn vệ
sinh thực phẩm, sản xuất có truy xuất nguồn gốc để sản phẩm đạt chất lượng nhằm tiêu
thụ với giá trị và số lượng ổn định.
- Đối với đất chuyển đổi sang cây dài ngày (cây ăn quả,…): Ưu tiên số 1 là lựa chọn
giống đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiểu vùng sinh thái và đáp ứng nhu cầu thị
trường. Tổ chức sản xuất thành vùng tập trung với quy mô đủ lớn để có sản phẩm thường
xuyên, đảm bảo số lượng hàng năm. Áp dụng Quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP,
GlobGAP, sản xuất hữu cơ…) kết hợp với tưới nước tiết kiệm để giữ ổn định năng suất
và chất lượng, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt. Lấy phương châm tăng giá trị sản xuất
là hàng đầu.
- Hình thành các tổ nhóm nông dân, tổ hợp tác, HTX sản xuất chuyên canh để
góp vốn các hạng mục đầu tư chung như: đường điện, đường đi, máy làm đất, phun
thuốc, hệ thống tưới nước, hệ thống bảo quản, tư vấn kỹ thuật sản xuất, tổ chức tiêu
thụ sản phẩm.