Dân Việt

Nam Định: Bỏ phố về quê nuôi lươn không bùn dày đặc trong bể xi măng, cứ bán 1 bể lươn lời 40 triệu

Ngọc Ánh 14/11/2020 06:37 GMT+7
Đó là nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của anh Phạm Thế Thành (sinh năm 1974) ở xóm Ninh Giang, xã Hải Giang (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Thành công lứa nuôi đầu tiên đang cho anh Phạm Thế Thành kỳ vọng về một mô hình sản xuất mới phù hợp cho thu nhập cao.

Gần 10 năm lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh song anh Thành luôn ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương xã Hải Giang, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định). Mỗi khi có thời gian, anh thường đi tham quan những mô hình phát triển kinh tế nông thôn ở các tỉnh lân cận để học tập, tham khảo.

Nam Định: Bỏ phố về quê nuôi lươn không bùn dày đặc trong bể xi măng, cứ bán 1 bể lươn lời 40 triệu - Ảnh 1.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của anh Phạm Thế Thành, xã Hải Giang (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

Nghe người thân giới thiệu về mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, nuôi lươn không bùn bể lót bạt hiệu quả kinh tế cao, anh Thành đã cất công đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Bạc Liêu… để tìm hiểu. 

Anh nhận thấy lươn là đối tượng nuôi sống ở nước ngọt, ít bệnh tật, có sức đề kháng tốt, có thể chế biến được nhiều món ăn giàu dinh dưỡng. Nhu cầu tiêu thụ lươn rất cao song nguồn khai thác tự nhiên ngày càng khan hiếm.

Do vậy từ nhiều năm qua giá lươn luôn cao và ổn định. Xác định đây chính là đối tượng nuôi có thể giúp “làm giàu”, sau khi tích lũy kinh nghiệm anh Thành trở về quê khởi sự nuôi lươn không bùn trong bể xi măng. 

Sau một thời gian tiếp tục nghiên cứu đặc tính của loài lươn, kỹ thuật nuôi lươn qua sách, báo và trên mạng internet, cuối năm 2019 anh đã đầu tư 70 triệu đồng xây 10 bể xi măng, có mái tôn che nắng, mưa với diện tích mỗi bể là 6m2 để nuôi lươn không bùn. 

Tháng 4-2020, anh đã mua 6.000 con giống ở tỉnh Bình Dương về thả ở 3 bể nuôi. Chia sẻ về kỹ thuật nuôi lươn, anh Thành cho biết, đáy bể nuôi lươn được lát gạch men giúp đảm bảo trơn, nhẵn, hạn chế lươn bị sây sát. 

Anh Phạm Thế Thành thiết kế đáy bể nuôi lươn có độ dốc 5cm, có hệ thống đường ống cấp nước và thoát nước ra bên ngoài để thuận tiện trong việc thay nước liên tục trong bể nuôi lươn. 

Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc trong bùn, ruộng, mương, đồng cỏ… nên khi nuôi lươn không bùn trong bể xi măng anh Thành đã tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon đen.

Ngoài khâu chọn con lươn giống ở cơ sở sản xuất giống uy tín, đều con và nhiều nhớt thì môi trường sống, nguồn nước phải đảm bảo sạch là yếu tố quan trọng để nuôi lươn thành công. Do đó, để có được nguồn nước sạch, anh Thành đã sử dụng nước giếng khoan, xử lý trong bể lắng từ 6-8 giờ trước khi bơm vào bể. 

Anh thực hiện thay nước trong bể nuôi lươn định kỳ 2-3 lần/ngày, tuân thủ nguyên tắc “đúng giờ, đúng lượng” bởi lươn rất nhạy cảm với môi trường, bẩn quá hoặc sốc nước lươn sẽ chết.

Ngoài ra, từ 2-4 ngày phải vệ sinh bể nuôi lươn để tránh ô nhiễm môi trường nuôi. Thức ăn được anh Thành lựa chọn là thức ăn công nghiệp cho cá có độ đạm cao, tối thiểu 42% đạm.

Thỉnh thoảng anh xay mịn cá tạp làm thức ăn cải thiện cho lươn. Khẩu phần ăn được phân làm 2 lần trong ngày và cho ăn đúng giờ; mùa hè vào 6 giờ sáng và 6 giờ tối, mùa đông cho ăn vào 7 giờ sáng và 5 giờ chiều. 

Lượng thức ăn cho lươn cũng được anh điều chỉnh theo thời gian nuôi, kích thước của lươn để tránh thức ăn tồn đọng lại bể, gây ô nhiễm nguồn nước. 

“Trước khi cho lươn ăn, tôi thường té nước 4-5 phút để tập phản xạ cho lươn. Do đó lươn sẽ ăn được nhiều hơn giúp lươn phát triển nhanh và đồng đều hơn” - anh Thành cho biết thêm.

Để tăng tỷ lệ sống và nâng cao hiệu quả khi nuôi lươn không bùn thì công tác phòng bệnh cũng được anh Thành hết sức chú trọng. Ngoài việc chọn lươn giống khỏe mạnh, thức ăn đủ dinh dưỡng, anh còn thường xuyên bổ sung vitamin C, khoáng chất.

Anh Thành dùng thuốc diệt khuẩn thủy sản xử lý môi trường nuôi và sử dụng men tiêu hóa trong các bữa ăn để phòng các bệnh mà con lươn hay gặp là bệnh nấm da, bệnh đường ruột. 

Trong quá trình nuôi lươn không bùn, những con lươn với kích cỡ khác nhau được anh Thành phân chia ra các bể khác nhau để dễ chăm sóc. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Thành không bị hao hụt, tỷ lệ sống đạt tới 97%. 

Hiện nay, lươn nuôi khoảng 7 tháng trọng lượng đã đạt khoảng gần 200g/con; dự kiến cuối tháng 11-2020 sẽ cho thu hoạch với sản lượng đạt trên 1 tấn lươn. 

 Với mức thu nhập như vậy, thì hiệu quả mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của anh Thành là khá cao so với một số đối tượng thủy sản khác tại địa phương. Trước đó, tháng 8-2020 anh đã tiếp tục thả gối lứa 4.000 con lươn giống vào 2 bể. 

Theo anh Thành tính toán, chi phí để nuôi 3 bể lươn thương phẩm gồm: con giống, thức ăn, vitamin C, men tiêu hóa, tiền nước… hết khoảng 60 triệu đồng. Với giá lươn thị trường hiện nay là 200 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi bể cho anh Thành lãi trên 40 triệu đồng.

Hiện lứa lươn này có tỷ lệ sống gần như tuyệt đối và đang sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến hơn nửa năm nữa sẽ cho thu hoạch. Anh Thành chia sẻ: “Với phương pháp này con lươn là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, kỹ thuật đơn giản, không mất nhiều thời gian và không đòi hỏi diện tích lớn, rất phù hợp với những hộ chăn nuôi có diện tích đất nhỏ...".

Theo anh Phạm Thế Thành, xã Hải Giang (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) so với phương pháp nuôi trong ao bùn, lươn nuôi trong bể xi măng phát triển chậm hơn song người nuôi có thể nuôi với mật độ cao gấp chục lần (400-500 con/m2), sản phẩm cũng sạch hơn. 

Hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi lươn không bùn cao gấp 6-10 lần so với nuôi cá truyền thống. Sau gần 1 năm, tôi đã thu hồi lại vốn và có lãi. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư xây thêm bể nuôi lươn để mở rộng diện tích sản xuất nhằm tăng thu nhập cho gia đình”, anh Thành cho hay.

Hiện nay một số hộ dân quanh vùng đã đến tham quan, "học tập kinh nghiệm nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của gia đình anh Phạm Thế Thành để áp dụng trong gia đình.

Thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn của anh Thành đã mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản ở các địa phương nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi. Nhất là trong tình hình hiện nay, giá cả một số đối tượng thủy sản nuôi đại trà khác ngày càng bấp bênh, con lươn đang có đầu ra ổn định, có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, mô hình cần được đánh giá và nhân rộng nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển./.