Dân Việt

2020 là năm bản lề hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp

Nguyên An 06/06/2020 10:44 GMT+7
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, năm 2020 lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cần tiếp tục đổi mới, hoạt động có trọng điểm, trọng tâm, có điểm nhấn.

100% xã nông thôn mới (NTM) đạt tiêu chí ATTP

2020 là năm bản lề hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2019 ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do xâm nhập mặn, dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động và chỉ đạo kịp thời, thường xuyên, sát sao, ngành nông nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 41 tỷ USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2019 hàng loạt Luật, Nghị định trong lĩnh vực nông nghiệp chính thức được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu hiệu lực từ đầu năm 2020 với những chế tài xử phạt rất nghiêm minh, răn đe trong lĩnh vực ATTP. Do đó, năm 2020 được coi là năm bản lề quan trọng để hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó từng bước đưa ATTP đi vào quy củ, ổn định, bền vững.

2020 là năm bản lề hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh 1.

Cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm, xã Thọ Diên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đạt tiêu chí ATTP.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2020 vẫn còn rất nhiều thách thức về quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi khiến mặt hàng thịt lợn thiếu nên đây là lĩnh vực mà các cơ quan, ban ngành phải chú ý và tăng cường quản lý trong năm 2020.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đa phần quy mô vẫn còn nhỏ, chủ yếu là nông dân, hạ tầng còn kém, chế biến sâu còn yếu, đây chính là hạn chế khiến nông sản Việt chưa hội nhập được sâu rộng với thế giới. Do đó, Thứ trưởng Tiến đề nghị năm 2020 cần được coi là năm bản lề để thực hiện các kế hoạch, chiến lược, đề án bài bản trong lĩnh vực ATTP xuyên suốt cho các năm tiếp theo.

Đặc biệt, trong tổng số 4.806 xã (54%) đạt chuẩn NTM,100% các xã NTM đều đạt tiêu chí “Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP”.

Phấn đấu cơ sở xếp loại A, B tăng lên 98% năm 2020

Trong năm 2019, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường thông qua việc ban hành các quy định nhập khẩu mới, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát ATTP tương đương với Hoa Kỳ để được tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này.

Bộ cũng chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tháo gỡ thẻ vàng duy trì xuất khẩu thủy sản sang EU. Tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản tại các thị trường EU, Philippine, Hồng Kông, Ba Lan,... đồng thời tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo phổ biến quy định mới, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc.

2020 là năm bản lề hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị toàn quốc triển khai Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020.

Với kết quả đạt được năm 2019, năm 2020 Nafiqad tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng, ATTP. Giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, kết quả và chỉ số cần đạt năm 2020 là 100% văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo đúng kế hoạch và chỉ đạo đột xuất của Bộ, Chính phủ. 100% nhiệm vụ kế hoạch của Bộ về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được thực hiện.

Tỷ lệ các cơ cở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng lên 98% so với 97% năm 2019, xếp loại C được nâng hạng A/B tăng lên 90% so với 86% năm 2019. Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 75% so với 65% năm 2019. Tỷ lệ sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao, đang có nhiều bức xúc về ATTP được kiểm soát ATTP theo chuỗi đạt 50%.

Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm qui định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2019.

CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN