Từ 6h sáng, những con đường Lê Văn Duyệt - Võ Thị Sáu - Phan Liêm - Mạc Đĩnh Chi, hàng chục "quán ăn" di động, thực chất chỉ là chiếc xe máy san sát, có thêm thùng cà phê, chõ xôi, thúng tre đựng bánh bèo, bánh ướt phía sau tất bật bán hàng cho dân công sở, học trò... Càng rộng ra các quận như: Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình…, những chiếc xe bán đồ ăn uống di động càng dày đặc hơn.
Đông vui hơn
Mở xe cà phê trên đường Lê Văn Duyệt được gần 1 tháng nay, anh Quang tự nhận mình là "tân binh", đi sau những xe cà phê khác. Là hướng dẫn viên du lịch, chuyên dẫn các nhóm khách nước ngoài nên từ đầu năm đến nay không có thu nhập. Anh quyết định bán cà phê ở vỉa hè trong khi chờ. Từ 6 - 10h, anh Quang kiếm được hơn 200.000 đồng. "Tôi quê ở Đắk Lắk, thủ phủ cà phê nên tìm nguồn cà phê ngon không khó, vừa mở đã có khách quen", anh Quang nói.
Chị Hoài, công nhân một khu công nghiệp tại Bình Dương, sau khi thất nghiệp cũng quyết định lên Sài Gòn khởi nghiệp với một xe xôi bắp trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Với giá chỉ 15.000 đồng/phần, khách hàng là dân công sở, học sinh, mấy anh chàng xe ôm công nghệ...
"Khi nào xí nghiệp tuyển công nhân trở lại, tôi quay về Bình Dương", chị bộc bạch. "Nhiều người đang thắt chặt chi tiêu cho buổi sáng, không phở, hủ tiếu nữa mà ăn uống nhẹ nhàng hơn như bánh mì, xôi bắp nên bà con có mở nhiều, tôi vẫn bán được. Nương nhau mà sống", ông Tâm, chủ một xe "di động" bán sandwich tại quận 1 cho hay.
My đang làm tại một công ty nhưng vì ít việc, bị giảm lương nên cô nhân viên trẻ này đã xin nghỉ việc để thuê xe bán xôi của chuỗi kinh doanh "Xôi cụ Nho" trên đường Quang Trung (Gò Vấp). My không tiết lộ mỗi buổi sáng bán hàng, từ 6 - 10h kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ biết "có việc, kiếm thêm đồng nào mừng đồng đó là vui rồi".
Với dáng người gọn gàng, cao chừng 1,7m, từ tháng 6 tới giờ, Liên tìm cách mưu sinh bằng xe cà phê với giá từ 12 - 15.000 đồng/ ly. Liên than ế, từ sáng đến trưa chỉ bán chừng 20 ly, ngày nào may mắn lắm mới được 30 ly. Còn buổi chiều và tối, dời sâu vào bên hiên nhà nên ít khách, Liên cho biết.
Bán hàng di động
Tại TP.HCM, kể cả các quận trung tâm, hễ có vỉa hè rộng là có nhiều "quán ăn" di động, từ cà phê đến xôi, bánh mì, hủ tíu, cháo, phở, bún bò... xuất hiện. Với chi phí mở chuỗi "0 đồng", họ bán vài tiếng đồng hồ vào buổi sáng. Sau khi bán xong, dọn vệ sinh, đẩy xe về nhà, chờ ngày mới...
Đậu "quán cà phê di động" là chiếc xe gắn máy có đủ món như cà phê, trà đào, trà sữa… trên đường Lý Tự Trọng (quận 1), vừa liên tiếp pha chế cho khách, chị Kiều Ngân nói với phóng viên Thế giới Tiếp thị, hiện đang có 4-5 xe tại khu vực trung tâm TP.HCM bán cho dân công sở.
Theo ông Tâm - người làm việc tại 1 công ty gần đó cho biết, điểm lợi nhất của quán ăn di động là tiết kiệm tối đa chi phí mặt bằng, nhất là trong thời điểm kinh doanh khó khăn như hiện nay. "Vì không tốn tiền mặt bằng, nên các "nhà hàng" di động này không sợ lỗ vốn. May mắn thì lời nhiều, còn không, đủ kiếm sống qua ngày", ông Tâm nói.
Anh Tùng, chủ một xe xôi vừa mở trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) cho biết, chỉ thuê mặt bằng nhỏ phía trước một khách sạn, tiết kiệm rất nhiều so với cửa hàng trước đây. Tại đây, chốc chốc, cánh shipper ghé vào lấy xôi. "Tôi kết nối với các ứng dụng giao nhận thức ăn, đơn hàng tăng lên nhiều lắm. Mới vào TP.HCM kinh doanh, tôi thấy nhu cầu ăn tại nhà hay đặt món giao đến cơ quan cao hơn Hà Nội. Nếu thuận lợi, tôi sẽ mở chuỗi xôi ở Sài Gòn", anh Tùng nói.
Đang là sinh viên năm thứ 3 của ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, Bảo cũng tham gia cuộc chơi bán hàng di động trên một chiếc xe 5 bánh khá điệu đàng. Mỗi buổi sáng, đậu chỗ quen thuộc trên đường Quang Trung, Bảo bật dù, mở nhạc, bắt đầu bán cà phê từ 6 - 10 giờ sáng. "Sau đó em trả xe cho chủ rồi đến trường. Nhà khó khăn nên phải làm thêm, tự nuôi sống mình". Hỏi thêm chuyện buôn bán, Bảo cho biết, chừng đó thời gian mỗi ngày bán được 30 - 45 ly cà phê.
Buổi sáng buôn bán nhộn nhịp. Buổi tối vắng vẻ nhiều. Thỉnh thoảng nhìn thấy chiếc xe của UBND phường xuất hiện, những "quán ăn di động" chỉ cần 3 phút là rồ ga đi mất...
(Nguồn Thế Giới Tiếp Thị)