Thu nhập khoảng 17 triệu đồng/tháng, nhưng gia đình chị Phan Thị Thùy Linh (Gò Vấp, TP.HCM) vẫn chỉ "mơ" mua nhà tại TP.HCM. Đi học rồi lập nghiệp, lập gia đình ở TP này gần 15 năm, vợ chồng chị và con trai vẫn phải ở trọ do không đủ tiền mua nhà và lo sợ áp lực nợ nần.
"Phí sinh hoạt ngày càng cao, trước kia mỗi tháng tiêu khoảng 8-10 triệu đồng là đủ, giờ ít nhất cũng 12-13 triệu đồng, nào tiền nhà, tiền ăn, tiền học… Tháng nào tiết kiệm tốt, hai vợ chồng dư ra được 4-5 triệu đồng. Nếu mua nhà khoảng 1 tỷ còn dám đi vay ngân hàng, cao hơn nữa, tiền đâu trả lãi", chị Thùy Linh than thở.
Cám cảnh hơn là trường hợp anh Hà Minh Quang (Nghệ An). Sau hơn chục năm tích cóp, đầu năm 2019 vợ chồng anh mua căn hộ Phúc Lộc Thọ với giá gần 1,9 tỷ đồng tại Thủ Đức. Theo tính toán của anh Quang, do số tiền trả góp hàng tháng nằm trong khả năng thu nhập của gia đình nên vợ chồng anh quyết định vay thêm gần 900 triệu đồng để mua. Tuy nhiên, tháng 4/2020, vợ anh thất nghiệp, còn anh bị giảm lương nên thu nhập của gia đình bị cắt giảm khoảng 40%.
"Chi phí sinh hoạt mỗi tháng đã hơn 15 triệu, trừ các khoản phát sinh thêm, mỗi tháng chỉ dư ra khoảng 6-7 triệu đồng, không đủ thanh toán khoản vay gần 11 triệu/tháng. Hết cách, vợ chồng đành bán căn hộ để tiếp tục ra... ở trọ", anh Quang nói.
Về lâu dài, Chính phủ thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua NƠXH từ 3 - 3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp ở các đô thị mua được nhà ở. Song song đó, cần khuyến nghị đến các doanh nghiệp BĐS chuyển hướng đầu tư vào các dự án NƠXH, nhà ở thương mại giá thấp”. (Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA)
Theo một số chuyên gia bất động sản, để sở hữu nhà ở Sài Gòn chỉ nhờ vào thu nhập trung bình, thậm chí là khá, cũng rất khó. Còn lại, muốn sở hữu nhà ngoài vốn ra còn phải có yếu tố… liều. Thực tế do giá nhà tăng quá nhanh, nhất là trong tình hình nền kinh tế vẫn đang chịu tổn thương vì Covid-19 khiến giấc mơ an cư ngày càng xa rời tầm tay người dân.
Số liệu từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho thấy, giá bán căn hộ trung cấp (2 phòng) tại TP.HCM hiện vào khoảng 2,5 tỷ đồng, tương đương tầm 35 triệu đồng/m2. Trong khi đó, thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân, khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Bàn về đề xuất của Bộ Xây dựng giá nhà ở chỉ 15 triệu đồng/m2, lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS lớn ở TP.HCM cười trừ. Theo vị giám đốc này, thị trường căn hộ chung cư ở TP.HCM đã tới 50 triệu đồng/m2. Còn ra các vùng ven, các tỉnh lân cận như Bình Dương cũng phải có giá trên 30 triệu/m2 nên tìm được căn hộ chung cư với giá 15 triệu/m2 quá khó khăn.
Chính sách phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập trong quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH… Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã chỉ ra tới hơn 10 bất cập chính đang "kìm hãm" quá trình phát triển NƠXH như: Bất cập về việc chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá thấp; Bất cập khi sử dụng quỹ đất công để làm NƠXH; Bất cập khi sử dụng quỹ đất do doanh nghiệp tạo lập làm dự án NƠXH; Bất cập trong quy định về cách tính giá trị "quỹ đất 20%"…
Bên cạnh đó, ông Châu cũng dẫn chứng, Nghị định 100/2015/NĐ-CP, quy định "lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư" là không hợp lý vì Luật Nhà ở cho phép chủ đầu tư dự án 100% NƠXH, được bán 20% quỹ nhà theo giá thương mại để giảm giá thành NƠXH, dẫn đến thực tế là chủ đầu tư không được lợi gì thêm khi bán số nhà ở thương mại này.
Chính các rào cản này làm các doanh nghiệp BĐS ngại đầu tư vào phân khúc nhà ở giá thấp, NƠXH nên phân khúc này gần như biến mất khỏi thị trường. Để tháo gỡ khó khăn phát triển NƠXH, HoREA đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội cho phép chủ đầu tư dự án NƠXH vay ưu đãi, theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Về lãi suất cho vay ưu đãi, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH cùng mức lãi tại tất cả các ngân hàng.