Theo đánh giá của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, tạo lập tiền đề quan trọng cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cụ thể, nông nghiệp phát triển toàn diện và chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng ngày càng cao, phát triển mạnh các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; từng bước đảm bảo an ninh dinh dưỡng góp phần quan trọng vào giảm nghèo bền vững, đặc biệt trong các thời điểm khó khăn của nền kinh tế.
"Thực tế cho thấy, nông nghiệp luôn đóng vai trò là "bệ đỡ" của nền kinh tế trong mọi thời kỳ, nhất là giai đoạn khủng hoảng kinh tế và bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 toàn cầu" - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nông nghiệp là ngành tiên phong trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế với việc đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tổ chức lại các ngành trong chuỗi giá trị, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đã theo xu hướng gắn kết chuỗi giá trị trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các mô hình tổ chức sản xuất đã đổi mới để phù hợp và hiệu quả hơn. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại, các hợp tác xã được tổ chức và thích nghi với cơ chế thị trường, cho nền sản xuất lớn trong nông nghiệp. Lực lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã lớn mạnh và đầy tâm huyết, khát khao, là lực lượng nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường, nhất là giao thông, thủy lợi...
Nông thôn nước ta ngày một phát triển văn minh và hiện đại hơn, nhiều vùng nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn với sự thay đổi lớn về diện mạo, trở thành những vùng quê đáng sống với kinh tế phát triển; không chỉ đẹp về cảnh quan, đẹp về văn hóa và trong sạch về môi trường...
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhiệt liệt chúc mừng những thành tích to lớn đã đạt được và biểu dương phong trào thi đua yêu nước của ngành Nông nghiệp và PTNT cùng bà con nông dân cả nước đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần làm nên những thành tựu chung của đất nước.
Trước đó, phát biểu khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V và Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Dù dưới hình thức nào, trong suốt 75 năm qua, Bộ NNPTNT đã luôn nỗ lực, đoàn kết để vượt qua khó khăn, thử thách; chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Từ một nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới.
Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực Quốc gia đến năm 2020,” sản lượng lúa của cả nước tăng từ 39,2 triệu tấn (năm 2009) lên 43,4 triệu tấn (năm 2019), tăng 12,2%, sản lượng rau các loại tăng 80,5%, trái cây tăng 50%.
Bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và với thế mạnh nông nghiệp, Việt Nam có ưu thế đảm bảo an ninh lương thực hơn phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á, và có vai trò ngày càng tăng trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác.
Lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á…
Sản lượng thủy sản năm 2019 đạt hơn 8,4 triệu tấn (gấp 6 lần so với giai đoạn năm 1995), nuôi trồng thủy sản đạt hơn 3,9 triệu tấn (gấp gần 4 lần so với năm 1995).
Đến năm 2019, ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD đã đưa Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thuỷ sản (sau Na Uy, Trung Quốc và Nga).
Từ một nước chỉ còn khoảng 20% hệ số che phủ rừng, tới nay đã khôi phục đạt gần 42%. Đặc biệt, đã hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 12 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.
Trước những thách thức mới ngành nông nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đề ra những nhóm giải pháp phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Đọc báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng ngành giai đoạn 2016 - 2020, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn chia sẻ: “Phong trào thi đua luôn được đẩy mạnh suốt 5 năm qua, từ đó khuyến khích, động viên mọi cá nhân, tập thể trong ngành khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao”.
Từ việc triển khai thực hiện phong trào thi đua đã góp phần đạt được những kết quả quan trọng như số lượng doanh nghiệp.
Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp tăng nhanh, ước tính hết năm 2020 với tổng số trên 52.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 9% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có gần 12.000 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá tra; thứ hai thế giới về cà phê; thứ 3 thế giới về gạo, tôm; thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 15 thế giới.
Phát biểu tham luận tại Đại hội, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2020 là sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây là mốc đánh dấu bước phát triển mới của công tác thi đua, khen thưởng tại Học viện trên cơ sở tiếp nối, phát huy truyền thống hơn 64 năm xây dựng, phát triển.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết: Giai đoạn 2010-2020, công tác đào tạo của Học viện đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô tuyển sinh, số lượng sinh viên tăng hàng năm và chất lượng đào tạo được nâng cao. Tổng số sinh viên tốt nghiệp trong 10 năm trở lại đây là 42.570 sinh viên (>4000 sinh viên/năm). Tỉ lệ sinh viên có việc làm 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt 93%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La chia sẻ, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã thổi một làn gió mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, trong đó có các nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods; Công ty DOVECO, Tập đoàn TH, Tập đoàn IC Food Hàn Quốc…
Đến tháng 6/2020, toàn tỉnh Sơn La có 144 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản thủy sản an toàn. Toàn tỉnh đã được cấp 161 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu trong đó: Có 51 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường khó tính (Úc, Mỹ,...), gồm các sản phẩm: nhãn, xoài, mận, bơ.
Tại Đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chính thức phát động phòng trào Thi đua yêu nước ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2025, đồng thời đề nghị toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, biến khó khăn thành cơ hội thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân.