Dân Việt

Bài 4 Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: “Ông trùm” nhận lỗi sau song sắt và góc nhìn của người trong cuộc

Lãng Quân - Văn Hoàng 26/11/2020 06:43 GMT+7
Người vi phạm không chấp hành hình phạt, kiện UBND tỉnh, dùng “hồ sơ trúng thầu” gỗ nghiến để che giấu hành vi phạm tội của mình,… rồi chỉ ăn năn, hối hận sau song sắt. Còn những người trong cuộc bảo vệ rừng đã chỉ ra những khoảng trống của Luật cần được "lấp đầy".
Lời sám hối muộn màng của "ông trùm buôn gỗ"

Một đối tượng năm lần, bảy lượt bị phát hiện, thu giữ gỗ. Có lần bị phát hiện nhưng không ký biên bản, đưa ra xét xử là kháng cáo, bị xử phạt viết đơn kiện UBND tỉnh… Cho đến khi không thể che giấu hành vi buôn bán thớt nghiến của mình mới hối hận, nhận lỗi sau song sắt.

Ông Nguyễn Xuân Sâm, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lào Cai thông tin với PV: ông Lê Văn Ứng (SN 1988) vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã kiện UBND tỉnh và không chịu nộp phạt vi phạm hành chính nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.

"Khi cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai chứng minh được hành vi vi phạm của Ứng, đồng thời Ứng tiếp tục bị Công an Điện Biên bắt giữ do vi phạm pháp luật, Ứng mới ủy quyền em trai ruột là Lê Văn Hơn viết thư nhận lỗi, mong được giảm hình phạt" - ông Sâm nói.

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: “Ông trùm” nhận lỗi sau song sắt và góc nhìn của người trong cuộc - Ảnh 1.

Lê Văn Ứng khi bị phát hiện cùng tang vật

Ông Nguyễn Trung Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê: "Trên địa bàn huyện, riêng xã Yên Cường có 4 người vi phạm pháp luật, mỗi người trên 2 năm tù (30 tháng)".

Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: "Có hộ gia đình bị bắt mấy người thân trong nhà, vụ việc có yếu tố anh em trai, con chú con bác đi xẻ cây gỗ nghiến, cả vận chuyển nữa. Là người dân tại các xã Côn Lôn và Sinh Long, mỗi người cũng vài năm tù, người nhiều nhất lên đến 12 năm.

Đơn Ủy quyền của Lê Văn Ứng cho em trai ruột Lê Văn Hơn viết ngày 1/10/2020 Ứng đã nhận tội. 

Nội dung đơn viết rõ: "Nay tôi làm đơn này cũng là việc tôi nhận ra lỗi lầm mình gây ra là không đúng với quy định của pháp luật. Tôi cảm thấy ăn năn hối lỗi…".

Trong đơn còn nêu: "Hiện Lê Văn Ứng đang bị Công an huyện Tuần Giáo (Điện Biên) tạm giữ vì vi phạm pháp luật". 

Đồng thời Ứng xin nộp phạt nhiều lần trong tổng số 160 triệu đồng tiền phạt vi phạm hành chính. Ngày 9/10/2020 UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản chấp thuận cho nộp phạt nhiều lần.

Trước đó, cuối năm 2017, sau khi nhận nguồn tin, tại địa phận xã Cốc San (Bát Xát - Lào Cai), Đội kiểm lâm cơ động tỉnh ra hiệu lệnh để dừng xe. Tuy nhiên lái xe không chấp hành. Kiểm lâm đã truy đuổi buộc dừng xe. Tại hiện trường, lái xe cũng là chủ phương tiện khai tên Lê Văn Ứng quê ở Thái Bình, sinh sống tại tỉnh Điện Biên.

Qua kiểm tra phát hiện người này đang vận chuyển 797 thớt nghiến, tương ứng 4,88m3. Kiểm lâm đã lập biên bản, tuy nhiên Lê Văn Ứng đã ký với nội dung không đồng ý. Sau đó Ứng xuất trình 5 bộ hồ sơ cho rằng 797 thớt gỗ nghiến có nguồn gốc hợp pháp là gỗ đấu giá, thu gom từ nhiều năm trước.

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: “Ông trùm” nhận lỗi sau song sắt và góc nhìn của người trong cuộc - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng kiểm điểm trên xe của Lê Văn Ứng chở 797 thớt nghiến

Ngành kiểm lâm đã cho điều tra, xác minh lại 5 bộ hồ sơ mà Lê Văn Ứng cung cấp tại nhiều tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Thái Bình, Lào Cai. Kết quả, cả 5 bộ hồ sơ đều không khớp, không có cơ sở pháp lý với lô gỗ vừa bị tạm giữ. Đặc biệt gỗ mà Ứng vận chuyển còn tươi mới, không phải gỗ cũ.

Cũng trong quá trình điều tra, Kiểm lâm Lào Cai biết Lê Văn Ứng đã nhiều lần vi phạm về hành vi vận chuyển thớt nghiến trái phép. Theo đó, năm 2013, Ứng bị Công an tỉnh Điện Biên khởi tố, điều tra về hành vi vi phạm quy định khai thác và bảo vệ rừng. Ứng bị tuyên phạt 30 tháng tù giam.

Sau khi ra tù, Ứng tiếp tục nhiều lần bị xử phạt. Điển hình như ngày 23/11/2015, Chi cục Kiểm lâm Lai Châu đã xử phạt Ứng 12,5 triệu đồng về hành vi thiếu thủ tục hành chính vận chuyển 264 lóng gỗ nghiến dạng thớt, khối lượng 1,5m3. Ngày 19/1/2017, Chi cục Kiểm lâm Điện Biên lập hồ sơ xử lý vụ vận chuyển 145 lóng gỗ nghiến. Ngày 3/10/2017, Hạt Kiểm lâm Sìn Hồ (Lai Châu) xử phạt 12,5 triệu đồng về hành vi vận chuyển 74 lóng gỗ nghiến… tất cả đều liên quan đến nhân vật đặc biệt là Ứng.

Trở lại vụ việc gần nhất, Kiểm lâm Lào Cai đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị xử phạt hành chính đối với hai hành vi vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép, xử phạt các hành vi của Lê Văn Ứng với 160 triệu đồng.

Không đồng tình, Ứng đã gửi đơn tới TAND tỉnh Lào Cai khiếu kiện. Tháng 6/2018, TAND tỉnh Lào Cai đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án. Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa đã xử bác yêu cầu khởi kiện của bị đơn, buộc bị đơn chịu toàn bộ mức án phí và chi phí tố tụng. Lê Văn Ứng đã kháng cáo và kiện UBND tỉnh Lào Cai.

Đến giữa năm 2020 Lê Văn Ứng tiếp tục bị bắt vì hành vi vi phạm pháp luật, ở sau song sắt Ứng mới cúi đầu nhận lỗi và mong được giảm hình phạt.

Từ câu chuyện của Lê Văn Ứng, đã nhiều lần bị phạt tù vì vi phạm Lâm luật, buôn thớt nghiến bởi công an Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, song lần nào cũng trưng ra 5 hồ sơ mua gỗ đấu giá. Kiểm lâm Lào Cai chứng minh hồ sơ không hợp lệ, gỗ vận chuyển mới, không có dấu tích của gỗ đấu giá…

Vậy nên, trước giọt nước tràn li này, cần chấn chỉnh hoặc chấm dứt việc bán đấu giá, kiểm soát tốt gỗ tang vật. Để không còn những Lê Văn Ứng khác ở ngoài vòng pháp luật.

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: “Ông trùm” nhận lỗi sau song sắt và góc nhìn của người trong cuộc - Ảnh 4.

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: “Ông trùm” nhận lỗi sau song sắt và góc nhìn của người trong cuộc - Ảnh 5.

Giấy ủy quyền của ông Lê Văn Ứng cho em trai ruột Lê Văn Hơn

Dấu búa Kiểm lâm - vũ khí bảo vệ rừng không còn trong Luật Lâm nghiệp

Là đơn vị từng bán đấu giá nhiều lô thớt nghiến vi phạm, ông Đàm Văn Cận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cũng cho rằng cần chấm dứt tình việc đấu giá thớt nghiến như hiện nay. Nếu đấu giá phải có dấu búa của kiểm lâm mới được vận chuyển.

Chỉ ra kẽ hở hiện nay của đấu giá thớt nghiến, ông Cận lấy ví dụ: "Hôm nay Bảo Lâm thanh lý 100 thớt nhưng thớt này đánh số thì đơn giản, người mua chỉ cẩn tẩy số đi là xong, thành thử họ mua được hồ sơ này và bán đi rồi, hồ sơ vẫn giữ, lại hợp thức hóa gỗ khác kích cỡ như thế, rồi đánh số và vận chuyển.

Thêm nữa, ví dụ tôi bán cho anh lên Hà Giang, anh Hà Giang lại nhập lậu gỗ nghiến khác với kích cỡ như thế rồi bán hết, bán suốt như thế bởi vì có một bộ hồ sơ trúng đấu giá, thực ra công tác quản lý lỏng".

Được biết, trước đây Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có quy định đóng dấu búa của Kiểm lâm vào gỗ hợp pháp khi vận chuyển. Tuy nhiên, Luật Lâm nghiệp năm 2017 có hiệu lực không còn dùng dấu búa vào gỗ có chiều dài dưới 30 cm.

"Theo quy định, gỗ tròn có đủ chiều dài mới đóng dấu búa, không có cục thớt nào trên 30 cm cả, nó không nằm trong quy cách phải đóng" - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm nói thêm.

Ông Cận khẳng định: "Anh có một bộ hồ sơ dấu đỏ, tất nhiên cũng phải có chân tay mới giúp được. Nếu một lô gỗ anh bán, kiểm lâm kiểm tra bán hết rồi hủy hồ sơ thì không làm được nữa. Chứ hiện nay bán lô thớt hợp pháp đấy rồi, mai anh lại nhập vào mang đi bán mình bắt giữ họ là họ kiện mình ngay".

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: “Ông trùm” nhận lỗi sau song sắt và góc nhìn của người trong cuộc - Ảnh 6.

Ông Đàm Văn Cận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng

Ông Bùi Văn Đông, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho rằng cứ để im gỗ ở trong rừng. Phát hiện vi phạm kiểm tra, thống kê tại chỗ để tránh lợi dụng phá rừng ở chỗ khác.

"Tôi nghĩ, cần đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp tham mưu phục hồi lại việc đóng dấu búa kiểm lâm. Không có dấu búa thì khó mà quản lý được. Nếu gỗ kiểm lâm thanh lý bán phải đóng dấu búa chìm vào gỗ", Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Giang nhấn mạnh.

Tại tỉnh Điện Biên, được biết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã có Văn bản hướng dẫn đóng dấu búa kiểm lâm vào gỗ có kích thước nhỏ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm là tang vật vi phạm sau xử lý tịch thu bán đấu giá. Mục đích là ngăn chặn việc lợi dụng hồ sơ mua bán đấu giá để quay vòng và hợp thức hóa gỗ lậu.

"Quay đầu hồ sơ" là khó tránh khỏi, không lấy gỗ nghiến vẫn có thớt dùng!

Ông Đông cho biết thêm: "Theo quy định của pháp luật chúng ta bán thanh lý gỗ tang vật quý hiếm để… đỡ lãng phí. Không bán thanh lý đi thì cũng không có giải pháp nào, để mãi trong kho cũng không được. Lấy đâu ra lắm kho để mà giữ và để lâu cũng sẽ hư hỏng”.

Được biết, trước đây ngành kiểm lâm được trang bị dấu búa kiểm lâm, những hàng gỗ quý hiếm sẽ được phép đóng dấu, lập lý lịch kèm theo hồ sơ để xác định được cái gỗ đó được bán thanh lý hợp pháp. Tuy nhiên, Luật mới ban hành và Nghị định hướng dẫn thì dấu búa kiểm lâm không còn thực hiện nữa và đã thu hồi.

“Do vậy việc bán gỗ thanh lý đang là trở ngại lớn đối với ngành chức năng. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ việc này, riêng gỗ thanh lý chúng tôi cũng chỉ đạo đúng theo chuyên ngành. Ví dụ như khối lượng là bao nhiêu m3, kích cỡ của từng loại gỗ, chiều dài, rộng, dày và loại gỗ, nhóm gỗ phải đề cập trong hồ sơ lý lịch” - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang cho biết thêm.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Giang cho rằng đó là những biện pháp quản lý chặt chẽ mà Chi cục đang làm. 

Tuy nhiên cũng có thể có một số đối tượng xấu lợi dụng, quay đầu hồ sơ là chuyện không thể tránh khỏi, việc này kiểm lâm tỉnh Hà Giang đã yêu cầu cơ quan quản lý chặt chẽ, kiểm tra rà soát thật kĩ lưỡng, kể cả lí lịch cũng như hồ sơ liên quan.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang khẳng định: “Tôi tin chắc rằng, nếu làm nghiêm túc việc quay đầu hồ sơ không thể thực hiện được. Chỉ có những đối tượng sử dụng gỗ thanh, gỗ gộp và cố tình chế ra để cho đúng kích cỡ. Việc này đang rất khó quản lý”.

Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: “Ông trùm” nhận lỗi sau song sắt và góc nhìn của người trong cuộc - Ảnh 8.

Những chiếc thớt như thế này sau khi bị cơ quan chức năng thu giữ sẽ tổ chức bán đấu giá

Còn ông Hoàng Phượng Vỹ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cho biết, nếu không dùng nghiến vẫn có gỗ khác, như gỗ nhập khẩu, có thể làm thành dạng thớt. Không nhất thiết phá rừng gỗ nghiến cổ thụ, mua đấu giá gỗ nghiến từ các vụ phá rừng bị tịch thu để làm thớt (như lâu nay).

Thay vì dùng gỗ có nguồn gốc hay dùng thớt bằng vật liệu sạch sẽ, bền vững trong bảo vệ môi trường khác, người ta lấy gỗ nghiến "đấu giá" từ miền núi xuống để bán dễ dàng. Cho nên người tiêu dùng phải thông thái, không riêng mặt hàng gỗ, rất nhiều mặt hàng khác cần suy nghĩ như vậy.

Được biết, ở tỉnh Cao Bằng, tất cả các loại gỗ rừng tự nhiên đều không động chạm đến. Thứ nhất là giấy tờ quản lý chặt chẽ, thứ hai là việc đấu giá gỗ tang vật (cụ thể ở đây là nghiến) gần như không có. Khoảng những năm 2015 - 2016 tỉnh Cao Bằng đấu giá gỗ nghiến nhưng một số năm gần đây, khi phát hiện các vụ việc, tang vật (gỗ) để lại trong rừng hết.

"Sau xử lý vi phạm Cao Bằng cũng rất hạn chế tiến hành đấu giá các tang vật là gỗ rừng tự nhiên. Thậm chí là không đấu giá nữa. Bởi thực hiện theo Chỉ thị 13 của Chính phủ cần hạn chế điều này. Thực ra, gỗ rừng tự nhiên không nên sử dụng.

Việc thực hiện đúng chỉ thị góp phần giảm việc phá rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng. Chúng tôi cũng tham mưu cho Sở NN&PTNT thực hiện chuyển hóa rừng gỗ nhỏ tạo ra giá trị sản lượng gỗ lớn hơn" - ông Vỹ nói.