Bài 2 Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: “Vào hang ổ” gỗ nghiến cùng lâm tặc
Lãng Quân - Văn Hoàng
Thứ ba, ngày 24/11/2020 11:41 AM (GMT+7)
Sau khi chứng kiến cận cảnh "băm nát" rừng nghiến cổ thụ ở Tuyên Quang, chúng tôi đã tạo một danh tính khác để tiếp cận với một "lâm tặc" ở tận Hà Giang.
Người chúng tôi gặp là Nông Văn Phương ở xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Phương kiểm tra chúng tôi qua nhiều vòng: ai cho số điện thoại của tôi, anh là ai và đến từ đâu, anh mua gỗ loại gì, mua làm gì, bán đi đâu, gỗ đó anh thích loại gì và anh vẫn thường mua của ai với giá cả ra sao?
"Lý lịch bản thân" của chúng tôi được khéo léo "nai nịt" kĩ trước trưng ra đã thuyết phục được Phương.
Phương tiết lộ đúng là em làm "nghề gỗ nghiến". Để bày tỏ lòng nhiệt tình làm ăn, Phương cung cấp cho chúng tôi số điện thoại của Nông Văn Phòng, "ông em trai" Phương, cũng ngụ tại xã Yên Cường, huyện Bắc Mê.
Bị kiểm lâm đuổi nhiều quá, nên bây giờ không phóng xe chậm được nữa!
Hai anh em Phương – Phòng cho biết: Ở nhà đang có 70 "quả" nghiến, tức là những khoanh gỗ nghiến tròn đường kính lớn, cắt khúc với chiều dài khoảng 20-40cm.
"Nếu anh cần em đẩy lại cho" - Phương bảo. Cả hai anh em đang hoạt động cho một đường dây mà các đối tượng thu gom gỗ nghiến mang về xuôi hoặc chở bằng xe tải lớn mang ra nước ngoài, nên cậu ta nói là "để lại".
Phòng - em trai Phương, nói chuyện song rất đề phòng. Cậu ta đề nghị gặp trực tiếp, lên tận Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) mới làm việc. Chúng tôi đặt 300 quả thớt quy cách tiêu chuẩn.
Phương đề phòng: "Nên mua mỗi lần 70 quả thôi, gom một lúc 300 quả thì quá mạo hiểm, bị bắt là trắng tay. Không nên".
Khi đã giao dịch thân tình rồi, Phòng mới tiết lộ: "Em chỉ cần vài câu hỏi, là em biết ngay anh mua thật hay anh đánh lừa em để "dzích" – tức là anh là kiểm lâm, công an; hoặc anh là "chỉ trỏ" dẫn các đội kia đến bắt. Bọn nó giờ đểu lắm, nó báo tin để ăn chia đấy".
Phòng sinh năm 1993, đầu cu cậu nhuộm vàng đỏ loè loẹt, cậu lái xe máy dẫn đường núi đưa chúng tôi về thăm nhà.
Phòng phóng chiếc xe độ chế với tốc độ kinh hoàng. Rồi ngoái lại tâm sự: "Em là lâm tặc, chở thớt nghiến nó nặng, lại hay bị kiểm lâm công an họ đuổi, nên em phóng xe máy nhanh quen rồi. Giờ không đi chậm được nữa".
Phòng đưa chúng tôi vào một căn nhà gỗ thưng ván lợp fibro xi măng ven một con đường bê tông nhỏ xíu và tự giới thiệu đó là nhà của mình.
"Em ở đây cùng chị gái. Gỗ giấu ngoài kia". Nói rồi cu cậu pha nước trà, đĩnh đạc tỏ vẻ ái ngại cho sức khỏe của chúng tôi khi tự lái xe từ Hà Nội lên Cao Bằng, vào Bảo Lâm, vượt qua cầu Lý Bôn sang Bắc Mê, tý nữa lại vòng cung đường hiểm trở bậc nhất về Na Hang của Tuyên Quang.
Phòng hướng dẫn đường chi tiết, hẹn hò chúng tôi gặp ở đâu ở đâu, kín đáo ra sao rất cẩn thận. "Tất nhiên, làm nghề trái pháp luật này đã 4 năm, em có thừa khôn ngoan. Nếu không làm sao bây giờ em đi tù rồi, chứ làm gì còn ngồi đây với các anh!", Phòng nói.
Phòng có thuê một ngôi nhà hoang ở địa bàn giáp ranh hai huyện, hai tỉnh để tập kết thớt nghiến khi cần.
Nhiều câu chuyện Phòng nói, chúng tôi đi kiểm tra lại qua đầu mối khác, qua kiểm lâm sở tại, thấy rất "thật thà". Dẫu vậy cậu trai bản người Tày vẫn tóc nhuộm xanh đỏ, chơi bời cờ bạc nợ nần chồng chất và liên tục vào rừng phá nghiến.
Giọng Phòng bô bô: "Các anh định chơi to à? Luật lá thế nào, đi chui hay làm luật, có biết chỗ ông Gi. không? Bao giờ thì lấy hàng được, chỗ ông H. ở Hà Giang thì em cũng bán cho ông ấy mấy chuyến rồi. Bán mỗi lần mấy trăm "quả thớt" ấy chứ".
"Chỗ của em giờ còn bao nhiêu quả, hàng vàng hay hàng đỏ?" (ý là nghiến vàng hay nghiến đỏ au hơn)?", tôi hỏi.
Phòng tự tin: "Bây giờ bên này còn khoảng 300 thớt nữa, nhà em vẫn có sẵn, bên huyện Bảo Lâm (của tỉnh Cao Bằng, cách nhà Phòng vài chục cây số) có 100 "quả" nữa. Cái hàng đó em lấy về lâu rồi, giờ chôn dưới đất phủ bạt lên không biết thế nào. Nhưng cái bọn nghiến này, "lim dầm đá dãi", như đá, như gỗ lim ấy, càng dầm đất dầm nước nó càng đẹp anh ạ. Lúc nào lấy alo nhé, hàng lúc nào cũng có sẵn".
"4 năm nay cũng bán khoảng 4.000 - 5.000 chiếc thớt rồi đấy"
Các con số của Phòng trùng khít với thông tin về các chuyến xe chở thót nghiến, gỗ nghiến "ba bốn chân" vượt sang bên kia biên giới mà nhiều người đã tố cáo với nhóm PV Dân Việt; trùng khít với vụ "điệp báo" mà PV đã chứng kiến ở Bảo Lâm, với tang vật 300 "quả nghiến"; trùng khít với các chuyến hàng 500 - 600 thớt mà công an, kiểm lâm Hà Nội và Lào Cai đã bắt giữ.
Phòng nói: "Riêng năm ngoái em đã chuyển sang phía huyện Bảo Lâm (để chuyển đi tiêu thụ qua cửa khẩu phía bên đó) gần 2.000 thớt (gỗ nghiến), 4 năm nay cũng khoảng 4.000 - 5.000 thớt rồi đấy. Nếu anh định làm ăn lâu dài, ở Bắc Mê đây là mối hàng lớn nhất rồi đấy.
Em không nói phét, bán cho ông M. ít thôi; còn lại bán cho ông H. có tháng đến hơn nghìn "quả nghiến". Hàng ở Bắc Mê và Bảo Lâm cũng có, ở đây hàng vàng và đỏ cũng có. Bên Bắc Mê nhiều nhất hàng nghiến loại này, cả nước không nơi nào bằng!".
Trong căn nhà tồi tàn, Phòng dẫn chúng tôi vào kho thớt nghiến giới thiệu đủ mặt hàng.
"Tin đấy, song vẫn đề phòng các anh, vì xe các anh chưa bốc hàng. Thế nên em cho xem ít thôi. Xung quanh đây, bọn em cất giấu 300 thớt nghiến, bên Bảo Lâm có 100 cái nữa. Kích thước thớt như sau: đường kính 40cm hoặc 44cm, chiều cao (dày) 20cm.
Có cả 6cm rồi 12cm độ dày. Hàng "mỏng" này phổ biến hơn, vì như thế lâm tặc đỡ phải cõng quá xa quá nặng trong rừng. Anh bảo, khúc gỗ nghiến tươi to như thế, giờ cắt mỗi khoanh dày 20cm thì sức nào mà cõng vượt núi đá được", Phòng nói.
Hết gỗ em lại bảo dân lên rừng chặt tiếp
Sau khi phá rừng, có tiền, Phòng nhuộm tóc vàng đỏ, chơi bời nhiều kiểu và đánh bạc nữa.
"Đầu năm đến nay em thua hết hết 590 triệu đồng rồi, giờ vay nặng lãi 190 triệu đồng nữa cơ. Em đang túng tiền, nếu anh mua được thì hôm nào bốc. Nếu ok cứ mỗi tối em chở cho 50 đến 150 thớt. Em có 6-7 "con xe máy" chở hàng cho anh được. Anh cứ mua, hết hàng em lại bảo dân lên rừng chặt tiếp" - Phòng nói.
"Nghiến bây giờ vãn rồi, đi chặt xa lắm, có chỗ đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới đến. Năm vừa rồi 26 hay 27 tết Âm lịch em bị bắt mất 150 cái cục thớt, mất 7 cái xe máy, may nó không bắt được người.
Kiểm lâm đuổi bọn em có bỏ xe bao giờ đâu, bọn em vẫn chạy bằng được, cùng lắm là bỏ lại hàng. Ở đây, có khi một gốc nghiến to bằng gian nhà, có cây bằng hai gian. Gốc nặng lắm không "chơi" (phá) được đâu. Mình làm không rõ ràng (trái pháp luật) nên cũng đề phòng, tránh rách việc".
Sau khi biết về các kho hàng, cách giấu hàng của Phòng, chúng tôi đã chính thức có các buổi làm việc với lãnh đạo 2 hạt kiểm lâm Bắc Mê và Bảo Lâm rồi cung cấp tài liệu cho lãnh đạo Sở NNPTNT, Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Hà Giang.
Sau đó, tư liệu do kiểm lâm Hà Giang cung cấp, quả đúng là khu vực xã Yên Cường rất nóng về phá rừng nghiến.
Các hình ảnh lực lượng công an xử lý vấn đề rừng nghiến bị phá ở Yên Cường vào năm 2019, cho thấy các tài liệu chúng tôi có được từ các đường dây của Phòng trước đó là đáng tin cậy.
Việc chôn thớt nghiến dưới đất rất tinh vi của Phòng cũng đã được xác tín bằng ảnh do kiểm lâm chụp sau đó.
Những gì Phòng cung cấp khi chúng tôi nhập vai, gần như trùng khít với tài liệu cơ quan kiểm lâm cung cấp cho Dân Việt sau khi chúng tôi tố cáo Phòng và đồng bọn vì tàn sát rừng, buôn bán gỗ nghiến trái phép số lượng lớn.
Đón đọc Bài 3 Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ: Khi "lâm tặc" thành tổng đạo diễn tiêu thụ gỗ nghiến trái phép
Đón đọc Bài 3: "Lâm tặc" vào vai tổng đạo diễn tiêu thụ gỗ nghiến trái phép
Vui lòng nhập nội dung bình luận.