Mới đây, tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn.
Cụ thể ngày 9/11, ngành chức năng huyện Ngân Sơn đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm từ con bê 6 tháng tuổi, có biểu hiệu nhiễm bệnh tại một hộ gia đình ở thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực.
Sau khi xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Con bê này sau đó đã chết.
Trước diễn biến trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương của huyện Ngân Sơn tiếp tục kiểm tra trên đàn gia súc tại xã Hiệp Lực, lấy mẫu bệnh phẩm trên bò nghi bệnh gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương.
Kết quả, phát hiện thêm 4 con bò của 2 hộ tại thôn Bó Lếch và thôn Nà Lạn bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Cùng thời điểm, cơ quan chuyên môn đã yêu cầu các hộ có gia súc bị bệnh là hộ ông Lý Văn Cừu (thôn Bó Lếch) và hộ ông Lý Văn Tiệu (thôn Nà Lạn) cách ly đàn gia súc để chăm sóc, theo dõi và điều trị.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Trần Thị Thứ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngân Sơn cho biết, huyện Ngân Sơn có tổng đàn gia súc hơn 11.000 con. Số trâu, bò tại huyện khoảng hơn 10.000 con.
"Qua giám sát, tổng đàn nguy cơ nhiễm bệnh cao nằm dọc tuyến QL3 và phạm vi bán kính 3km tính từ nơi phát hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cùng các vùng uy hiếp bao vây xã Hiệp Lực, gồm xã Thuần Mang và thị trấn Nà Phặc của huyện Ngân Sơn, tổng các khu vực này có hơn 3000 con. Việc khoanh vùng được dựa trên cơ sở dịch tễ của huyện Hạ Lang (Cao Bằng) - nơi bùng phát bệnh vào giữa tháng 10.
Huyện Hạ Lang (Cao Bằng) và bên phía Trung Quốc trâu, bò bị viêm da nổi cục nhiều, dù được kiểm soát chặt chẽ nhưng cũng sẽ có nguồn lây, khó kiểm soát được 100%. Hai hộ có bò bị viêm da nổi cục tại xã Hiệp Lực đều nằm trên trục quốc lộ, phán đoán của cơ quan chuyên môn, nguồn lây nguy cơ cao sẽ là dọc tuyến quốc lộ 3 này", bà Thứ cho biết thêm.
Tại Ngân Sơn, cơ quan chuyên môn cùng chính quyền địa phương đã họp 2 thôn phát hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, khuyến cáo người dân mua thuốc diệt ve, ruồi, muỗi, mòng để diệt côn trùng truyền bệnh; nhốt trâu, bò bị bệnh cách ly, theo dõi đàn gia súc; phát thuốc khử trùng tiêu độc để phun chuồng trại, môi trường xung quanh; xin ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn về việc tiêu hủy bò bệnh.
Được biết trước đó, ngay khi nhận Công điện khẩn số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo về việc tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, ngày 2/11, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai các biện pháp đối phó với bệnh.
Liên quan đến bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, bà Đỗ Thị Minh Hoa, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh đã giao cho Sở NNPTNT rà soát lại, tham mưu phương án phòng, chống và kiểm soát bệnh viêm da nổi cục ở đàn gia súc lớn trên địa bản tỉnh.
"Chúng tôi sẽ lưu ý Sở NNPTNT có phương án kiểm soát chặt chẽ bệnh dịch đối với Chợ trâu, bò Nghiên Loan (Pác Nặm), nơi có lượng lớn trâu, bò từ khắp nơi đổ về mỗi phiên. Tạm dừng họp chợ trâu, bò nếu xét thấy cần thiết", quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định.