Tài liệu điều chỉnh nội dung môn Tiếng Việt 1 được đăng tải trên trang điện tử của bộ sách Cánh diều. Nội dung gồm 11 bài đọc bổ sung cho 11 bài bị đánh giá là không phù hợp để thầy cô có thể sử dụng thay thế cùng nhiều điều chỉnh liên quan tới từ ngữ trong các bài học.
Cụ thể, tài liệu gồm 2 nội dung chính: Phần I - Giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp; Phần II - Hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.
Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị đánh giá không phù hợp được loại bỏ. Các từ bị dư luận phản ứng dữ dội như "hí hóp", "bê be be" đã được loại bỏ. Ngoài ra, một số từ không phù hợp như "ngủ" (trang 51), tivi (trang 52) cũng không còn xuất hiện trong sách. Một số câu đã thay đổi như: "Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ" (trang 62) được thay bằng: "Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ", "Chuồn chuồn chúa nom dữ tợn" (trang 158) được thay thế bằng "Chuồn chuồn chúa trông dữ tợn"...
Sau khi đọc bản thảo chỉnh sửa của sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, cô giáo Bùi Thu Hương (Trường Tiểu học T.S - Thanh Hóa) cho rằng NXB và nhóm tác giả đã lắng nghe với tinh thần cầu thị góp ý của các chuyên gia giáo dục, dư luận xã hội về cuốn sách. "Những ngữ liệu mới được đưa vào sách có phần đơn giản, dễ hiểu và trong sáng hơn so với các ngữ liệu cũ. Bên cạnh đó, các bài học cũng là các sự việc rất gần gũi như về quê, bà bị ốm, hồ sen... vừa thân thuộc, vừa đáng nhớ đối với học sinh. Những bài học đầu đời này sẽ đi cùng với các em suốt cuộc đời, chứ không chỉ ngày một, ngày hai", cô Hương nói.
Một cô giáo khác tại Trường TH. Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho rằng nhóm tác giả đã nỗ lực trong việc hạn chế sử dụng các câu truyện ngụ ngôn trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều. "Việc sử dụng truyện ngụ ngôn thực tế rất khó, nhất là ngắt quãng, dễ gây ra những liên tưởng khác và sẽ làm người đọc hiểu không đúng về ý nghĩa của các truyện này. Truyện ngụ ngôn vốn dĩ rất ngắn với lời lẽ ngắn gọn, súc tích, việc phỏng theo dễ khiến cho người đọc khó cảm thụ được ý nghĩa sâu xa của truyện.
Việc loại bỏ các truyện ngụ ngôn và thay bằng các bài tập đọc có ý nghĩa gần gũi, đơn giản sẽ hợp lý hơn trong việc giảng dạy học sinh lớp 1", cô giáo này nói.
Theo ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT), tài liệu điều chỉnh nội dung môn Tiếng Việt 1 bộ SGK Cánh Diều sẽ được đăng tải công khai, đón nhận ý kiến đóng góp tới ngày 20/11. Hội đồng thẩm định sẽ làm việc vào ngày 21/11 để thẩm định lần cuối. Trước ngày 30/11, tài liệu chỉnh sửa sẽ được in ấn và gửi miễn phí tới các trường sử dụng sách này.
Mặc dù chủ trương của Bộ GDĐT như vậy, tuy nhiên vẫn phải nhắc lại đối với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, chương trình mới là pháp lệnh, SGK chỉ là phương tiện hỗ trợ dạy học. Chính vì vậy giáo viên trong quá trình giảng dạy hoàn toàn có thể tự thay thế các ngữ liệu trong SGK để phù hợp hơn với học sinh, cũng như điều kiện thực tế.
Một cô giáo tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết hiện tại, học sinh đã bắt đầu học tới các bài học có những ngữ liệu "có vấn đề". "Chúng tôi cũng phải linh hoạt trong cách giảng dạy để làm sao vẫn truyền tải kiến thức tới học sinh, nhưng sử dụng các ngữ liệu một cách khéo léo. Ví dụ bài "ve và gà" thay vì giảng dạy theo sách, tôi lại chọn cách vẽ tranh ve và gà, sau đó cho học sinh chọn lựa xem thích con vật nào hơn. Từ đó các em nhỏ sẽ dễ có sự "đồng hành" cùng giáo viên, tiếp thu một cách sâu hơn chứ không chỉ học vẹt".