Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021.
Đề án đề nghị thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM đã được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền.
Theo dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nội dung này tại phiên họp tháng 12 tới, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì sẽ ban hành nghị quyết thành lập TP.Thủ Đức để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021.
Nhận định về sự tác động đến thị trường BĐS, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, khi TP. Thủ Đức được thành lập, khu Đông sẽ trở thành khu vực trọng điểm ảnh hưởng tới nguồn cung toàn thị trường trong thời gian tới.
Trong 9 tháng đầu năm nay, số căn hộ chào bán tại TP HCM đã giảm 57% và số căn bán được theo đó cũng giảm 62%. Đại diện CBRE cho rằng, nguồn cung tại TP.HCM giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm gần đây và gặp nhiều trở lực bởi dịch COovid-19 và việc rà sát dự án làm chậm tiến độ.
Xét theo phân khúc, TP.HCM vẫn là nơi thu hút được nhiều nhóm đối tượng với phân khúc sản phẩm đa dạng, phân khúc hạng sang vẫn chiếm ưu thế với tỉ trọng 65% trong tổng rổ hàng. Trong khi đó, thị trường Hà Nội tập trung vào nhóm khách mua để ở với phân khúc trung cấp chiếm 69%.
Bên cạnh đó, trong khi giá nhà ở tại Hà Nội ổn định thì khi giá nhà tại TP.HCM tiếp tục tăng 6% trong 9 tháng đầu năm nay, tiệm cận mức trung bình 1.966 USD/m2.
Về góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - TGĐ Đại Phúc Land cho rằng, khi TP. Thủ Đức được thành lập và được công nhận đô thị loại I sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình sáp nhập và phát triển. Việc phân loại đô thị sẽ là cơ sở để tập trung nguồn lực phát triển tương xứng với mục tiêu và tiềm năng của khu vực phía Đông thành phố.
Theo đó một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu tác động đến thị trường BĐS khu Đông là cơ cấu quy hoạch sử dụng đất của TP.Thủ Đức và nguồn lực ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực này. Tuy nhiên, thực tế vẫn tùy thuộc vào lộ trình triển khai của chiến lược tổng thể phát triển thành phố.
Nếu làm tốt TP.Thủ Đức sẽ trở thành hạt nhân mới đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong những năm sắp tới.
"Thông tin này sẽ tác động tích cực về yếu tố tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư (NĐT). Cả cung và cầu tại khu vực này đều sẽ tăng tuy nhiên lộ trình phát triển TP.Thủ Đức là trong dài hạn nên về ngắn hạn mức độ tác động không quá lớn. Vấn đề thổi giá chỉ xảy ra khi có hiện tượng đầu cơ tạo sóng cục bộ ở một số khu vực", bà Hương nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng văn phòng Hội môi giới BĐS Việt Nam khu vực miền Nam cho hay, thực ra khu Đông hiện tại là cửa ngõ của TP.HCM nên có được rất nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông như tuyến metro, cao tốc, quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội…Vì thế, nếu việc TP. Thủ Đức trở thành đô thị loại 1 sẽ kích thích các nhà đầu tư, kích thích sự phát triển kinh tế ở khu Đông nói riêng và khu vực TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai nói chung.
Còn đối với thị trường BĐS thông tin này sẽ tác động manh mẽ đến thị trường tại các khu vực nói trên.
"Nếu đề xuất được thông qua và thành phố thật sự có những quy hoạch thật tốt, có những trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, những chính sách hấp dẫn để mời gọi đầu tư nước ngoài, có nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt...thì tất cả mọi ngành nghề đều được hưởng lợi và phát triển. BĐS cũng không phải ngoại lệ, thậm chí BĐS tại khu vực này sẽ có giá trị rất cao", ông Hùng nhấn mạnh.