Từ năm 2016, TP Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.
Từ khoảng năm 2017 đến nay, nhiều quận nội thành Hà Nội đã "ồ ạt" cải tạo hè phố, trong đó sử dụng lát đá tự nhiên đúng như mục tiêu trên.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, phản ánh tới báo Dân Việt, khu vực vỉa hè phố Nguyễn Đình Chiểu (Q. Hai Bà Trưng); Nguyễn Trãi (Q. Thanh Xuân); Giải Phóng (Q. Hoàng Mai); Lê Hồng Phong (Q. Ba Đình); Trần Duy Hưng, Trung Kính (Q. Cầu Giấy) dù mới được lát đá và đưa vào sử dụng từ năm 2018 nhưng nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún, xô lệch. Đáng nói, dù đã hiện hữu những nguy cơ mất an toàn nhưng không được kiểm tra, sửa chữa.
Đơn cử, tại tuyến đường Giải Phóng (đoạn qua địa phận P.Giáp Bát, Q. Hoàng Mai) tình trạng sụt lún trên vỉa hè đã xảy ra hàng loạt. Nghiêm trọng nhất là khu vực trước cổng Bưu điện TP Hà Nội (881 Giải Phóng), các viên đá đã bị lún, vỡ so với mặt đường, thậm chí "biến mất" tạo những hố "ổ voi", tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân.
Tương tự, tại đường Nguyễn Trãi, vỉa hè mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III/2017 nhưng sau 3 năm đã xuất hiện nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún… tạo nên cảnh nhếch nhác, thiếu mỹ quan.
Về việc lát đá vỉa hè, mới đây Sở Xây dựng đã có văn bản về việc bảo đảm chất lượng thi công lát đá vỉa hè. Trong đó, về quy trình thi công cần tuân thủ việc triển khai lát hè khi đáp ứng yêu cầu phải đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
Theo đó, toàn bộ mặt nền hè đường phải được đầm chặt bảo đảm theo yêu cầu thiết kế, bảo đảm độ dốc thiết kế từ ranh giới lát hè đến hàng bó vỉa và phải tổ chức nghiệm thu trước khi đổ bê tông. Tiếp đó, bê tông phải bảo đảm về cường độ và chiều dày đối với từng loại kết cấu hè theo quy định. Các viên đá lát phải được kiểm tra bảo đảm yêu cầu trước khi lát...
Sở Xây dựng lưu ý, việc thi công phải bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường; Phế thải xây dựng phải được dọn sạch ngay trong đêm sau khi kết thúc thi công.
Đã có rất nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia về việc "Đá vỉa hè chất lượng 70 năm, vỡ khi 2 tuổi" cho rằng, cần làm rõ chỉ tiêu về số lượng, cũng kiểm tra xem có bao nhiêu con đường lát đá tự nhiên đạt chất lượng, bao nhiêu con đường bị hư hỏng?
Đặc biệt, đối với những con đường mà vỉa hè lát đá tự nhiên bị hư hỏng thì phải tìm ra nguyên nhân do đá kém chất lượng, do thi công kém chất lượng hay do con người phá hoại? Và vì lý do gì thì chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm, không thể đổ cho ai được.
Chia sẻ về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng này.
Trước hết, muốn để vật liệu đá lát bền thì cần có một lớp lót nền đảm bảo bền vững. Lớp lót nền vỉa hè hiện nay ở TP Hà Nội đang được thực hiện bằng bê tông. Dưới lớp bê tông thì vỉa hè lại có nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác nhau như đường ống cấp thoát nước, đường thông tin liên lạc... nên khó có thể xử lý khâu lót nền bền vững.
Bên cạnh đó, vỉa hè ở TP Hà Nội cũng rất đa dạng, nơi ít nơi nhiều xe đi lại. Do đó, nếu việc xử lý liên kết mặt đá với lớp bê tông ở dưới không căn cứ vào thực trạng, chức năng của vỉa hè mà chỉ xử lý đồng bộ thì sẽ làm hư hỏng lớp mặt đá.
Kết cấu đá có mục tiêu bền vững nhưng việc nghiệm thu chất lượng đá lát nền hiện nay của TP. Hà Nội chưa được giám sát chặt chẽ. Có những viên đá tốt, ổn định nhưng cũng có rất nhiều viên đá có chất lượng kém. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của các cơ quan thi công.
Bên cạnh đó, theo ông Nghiêm, thực trạng hiện nay cũng cho thấy thiếu sự giám sát của cộng đồng đối với các cơ quan thi công. Phần lớn lực lượng để thi công mang danh công ty nhận thầu nhưng lại nhiều lao động phổ thông, chưa có kỹ năng nghề nghiệp nhất định, thiếu kinh nghiệm.
Về trách nhiệm, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội. "Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị liên quan chính, là cơ quan quản lý cần phải chịu trách nhiệm trước thành phố về toàn bộ công tác giám sát, thi công lát đá vỉa hè", ông Nghiêm nói.
Cũng theo ông Nghiêm, các công ty vật liệu xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đá. Đá được đóng theo kiện, tuy nhiên khi được giao đá để lát vỉa hè, các công ty vật liệu xây dựng cũng cần phải kiểm tra chứ không chỉ đếm theo kiện.
Đặc biệt, để tình trạng này xảy ra thì trước hết trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương. Các đơn vị này khi nghiệm thu nhưng lại chưa kiên quyết xử lý các vi phạm dẫn đến tình trạng sụt lún, vỡ nát khi mới sử dụng. Các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý cần xem xét lại vấn đề này, cụ thể là các quận, huyện và cả cấp phường.
Hàng loạt sai phạm dự án lát đá vỉa hè
Đầu năm 2018, Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ ra nhiều tồn tại, sai phạm liên quan tới việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận Hà Nội. Đơn cử như: Thiết kế mẫu hè đường còn tồn tại các loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất; chưa làm đồng bộ hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật khi cải tạo lát đá hè như Q. Ba Đình, Q. Hà Đông; Sai phạm khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các tuyến phố có lát hè, bó vỉa bằng đá tự nhiên…
Ngoài ra, một số UBND Q. Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của TP. Các quận này không tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm…
Thanh tra TP khẳng định, trách nhiệm tồn tại trên trực tiếp thuộc Phòng Quản lý xây dựng, thuộc Sở Xây dựng và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (đơn vị tư vấn lập Thiết kế mẫu); Phòng Quản lý đô thị các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân mà trực tiếp là Trưởng phòng Quản lý đô thị; Trách nhiệm của phó chủ tịch phụ trách khối và chủ tịch UBND các quận trên trong công tác chỉ đạo; Ban QLDA Đầu tư xây dựng các quận Ba Đình, Hà Đông mà trước hết thuộc Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng và cán bộ được giao theo dõi dự án.