"Thần dược" ba kích có công dụng gì?
Ba kích hay còn có nhiều tên gọi khác như ba kích thiên, diệp liễu thảo, đan điền âm vũ, dây ruột gà,… Đây là cây dây leo, dạng thân thảo, thân non màu tím, thân mảnh, có nhiều lông mịn, phía sau nhẵn. Cây mọc leo thành bụi ven rừng với độ cao dưới 500m.
Hoa ba kích lúc non có màu trắng, sau chuyển sang màu hơi vàng. Quả ba kích có hình cầu, khi chín màu đỏ.
Có hai loại ba kích là ba kích tím và màu trắng. Theo đó, củ của ba kích tím có màu củ vàng sậm, phần thịt bên trong có màu hành tím. Khi ngâm rượu làm cho màu rượu chuyển thành tím sậm. Còn của ba kích trắng có màu vàng nhạt, phần thịt bên trong màu trắng trong, không có sắc tím. Khi ngâm, rượu chuyển màu tím nhạt.
Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu là ba kích tím được trồng nhiều và phổ biến hơn.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, một số bộ phận của cây được sử dụng làm dược liệu chữa các bệnh phong thấp, giảm huyết áp, bổ dương. Người âm hư, hỏa thịnh, táo bón cấm dùng. Một số món ăn cũng sử dụng ba kích làm nguyên liệu chế biến như một thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe sinh dục cho nam giới.
Ở Việt Nam, ba kích là một loại cây mọc hoang, phân bố nhiều ở vùng đồi núi thấp của miền núi và trung du như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Nam...
Ba kích giá bao nhiêu tiền?
Sau 3 năm sinh trưởng và phát triển, ba kích có thể thu hoạch, lấy toàn bộ rễ cây. Theo đó, loại rễ to, mập, cùi dày, màu tía là loại tốt nhất, có giá bán khá cao trên thị trường.
Cây ba kích được đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Bình quân, mỗi hốc ba kích cho từ 1-1,5 kg ba kích tươi, với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg tươi tại vườn.
Hiện nay ba kích được nhiều cơ sở dược liệu, cửa hàng thuốc đông y bán, dao động từ 250-280.000 đồng/kg (loại tươi) và 400.000-450.000 đồng/kg (loại khô).
Trên thị trường có rất nhiều loại ba kích với các mức giá khác nhau, đặc biệt, ba kích khô bị làm giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Người mua cần cẩn thận lựa chọn, không vì ham của rẻ mà rước bệnh vào người.
Theo TS Phạm Việt Hoàng – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội, cây ba kích không thể nào gây kích thích khiến người bệnh có thể cương dương trong thời gian dài như vậy.