Nông dân nuôi cá mú của tỉnh Khánh Hòa không chỉ bỏ công sức, tiền của để đầu tư, mà họ còn tìm cách nuôi cá mú có chất lượng, vừa bán được giá, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến một số vùng nuôi cá mú của thành phố Cam Ranh - địa phương có hơn 140 hộ nuôi cá mú với tổng diện tích 165 ha.
Tại ao nuôi cá mú của ông Đình Trí (45 tuổi, xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh), các công nhân đang tiến hành vệ sinh ao nuôi, chúng tôi được ông Trí giới thiệu tỉ mỉ về quá trình nuôi cá mú, thu hoạch cá, việc phân loại cho đến việc đưa vào siêu thị trong tỉnh để bán.
Ông Trí kể, nghề nuôi cá của ông được "cha truyền con nối". Khi còn trẻ, ông đã phụ cha nuôi các loại cá, tôm và tiến đến tự bản thân lập nghiệp như ngày nay.
Từ năm 2010 trở đi, khi cá mú có giá trên thị trường, ông Trí mạnh dạn chuyển đổi để đầu tư giống cá mú về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm nhiều, nên ông phải đi học cách nuôi cá mú ở những hộ nuôi khác và sự hướng dẫn trên đài, báo.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, ông Trí thả 50.000 – 60.000 con cá mú giống nhưng qua 3 tháng, chỉ còn 3.000 - 4.000 con sống được. Qua nhiều lần thất bại, nay gia đình ông có 4 ao nuôi cá mú với tổng diện tích 4.000 m2, thu hoạch trên 18 tấn cá mú thương phẩm trong mỗi vụ nuôi.
Mỗi con cá mú thành phẩm nặng từ 1,2 -1,5 kg, có giá bán dao động trên dưới 130.000 đồng/kg. Cá mú đợt này được gia đình ông Trí nuôi từ tháng 3/2019. Thức ăn tươi cho cá mú chủ yếu là cá biển.
Ông Trí chia sẻ, để người dân tiếp nhận cá mú, ngoài bán sỉ cho thương lái, các hộ nuôi tìm cách đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, nhất là vùng thành phố, nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm lâu dài , đảm bảo phát triển thương hiệu cá mú Khánh Hòa.
“Như gia đình tôi, để khách hàng thành phố tin dùng cá mú, chúng tôi phải đưa cá đi kiểm nghiệm chất lượng tại cơ quan chức năng. Mất một thời gian dài làm thủ tục rồi “đi hết nơi này đến nơi khác” chào hàng, chúng tôi mới mang được cá mú vào siêu thị bán. Giờ đây, đã có hàng ngàn gia đình tiếp cận và mua được cá mú ngon và sạch của chúng tôi”, ông Trí vui vẻ nói.
Tại điểm hàng bán cá của ông Trí ở siêu thị Co.opmart Nha Trang, chị Nguyễn Thị Như Lộc (sinh năm 1997, thành phố Nha Trang) vừa chọn lựa cá xong, khi được chúng tôi hỏi chị cho biết, cá mú ở siêu thị này được mua và làm thực phẩm cho gia đình nhiều lần.
Thịt cá mú dai, thơm, mềm và ngọt. Đặc biệt là giá cá mú hợp túi tiền lại còn sống, sử dụng nấu lẩu hay phi lê để dành tủ lạnh đều ngon.
Cách nhà ông Trí 2km, ông Hồ Văn Thành (46 tuổi) ở xã Cam Hải Đông - là hộ nuôi cá mú lớn nhất trong vùng với 30 ao có tổng diện tích khoảng 10 ha, đang nuôi lượng cá với dự kiến khoảng 120 tấn.
Ông Thành nuôi cá mú được 15 năm nay. Qua từng ấy thời gian nuôi, ông Thành chiêm nghiệm, để nuôi cá mú có hiệu quả nhất ngoài chất lượng con giống thì thức ăn dành cho cá mú ăn rất quan trọng.
Hiện nay, có thức ăn công nghiệp dành cho cá mú, người tiêu dùng khi ăn thịt của những con cá này sẽ phát hiện không ngon. Vì vậy, với ông Thành, có tốn thêm bao nhiêu tiền ông cũng phải mua cá biển để cho cá mú ăn.
Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, nhiều đơn hàng không thể xuất khẩu và sức mua trong nước giảm nên ông Thành chọn giải pháp nuôi cá mú cầm chừng, mỗi tuần chỉ cho ăn 2-3 lần để giảm chi phí.
Dù khó khăn về nguồn vốn mua thức ăn nhưng ông Thành vẫn cố gắng xoay sở để mua cá biển tươi cho cá mú ăn chứ không dùng thức ăn công nghiệp và tuyệt đối nói không với các chất tăng trọng lượng, phụ gia độc hại cho cá.
“Làm nghề này “ chim trời cá biển”, mình mà làm ăn gian dối không tốt thì khách hàng cũng khó mà quay lại tìm mình mua lần thứ hai”, ông Thành khẳng định.
Ở thành phố Nha Trang, hộ nuôi cá Lê Minh Quyền (sinh năm 1965, phường Vĩnh Nguyên) cũng hết sức tâm huyết với việc nuôi cá đạt chất lượng sạch, đưa đến tận tay người tiêu dùng.
Ông Quyền cho biết, ông manh nha với việc nuôi cá từ những năm 1997, mãi đến năm 2002 khi tự có vốn và điều kiện thì ông tự làm nhỏ. Ban đầu số lượng chỉ 12 ô cá nay lên hàng chục ô, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
“Cá mú nuôi ở vùng nước Vịnh Nha Trang cần rất nhiều điều kiện đi kèm để cá phát triển tốt như: độ mặn của nước, nhiệt độ nước…Những thứ này không phải chỉ cố định quan sát ở buổi sáng hay trưa, tối mà phải quan sát bằng cái tâm thực sự của mình. Giờ nào cũng phải để ý đến, chỉ cần nước thay đổi là cá có thể bị ngạt ô xy, từ đó giảm sức đề kháng hay thức ăn lẫn tạp chất cá có thể bị kìm hãm, không phát triển nổi. Chỉ cho cá ăn không là chưa đủ, phải dồn cả tâm sức , chăm chú vào mỗi vụ nuôi cá thì hiệu quả mới cao”, ông Quyền cho hay.
Không riêng nông dân nuôi cá thương phẩm, những người làm cá giống cũng là một phần quan trọng trong việc giúp chất lượng cá được ngon.
Ông Nguyễn Công Văn, phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh – một hộ chuyên sản xuất cá giống ở đây, chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng làm nên những con giống khỏe và chất lượng nhất, đây không chỉ là yêu cầu về mua bán hàng mà nó còn là chữ tín, cái tâm của người làm nghề nông. Chỉ khi có con giống tốt, cá nuôi lớn bán chất lượng thì người nuôi mới tìm lại chúng tôi để mua, chúng tôi mới có cơ hội đem cá giống do mình sản xuất đi nhân giống khắp cả nước.
Ông Nguyễn Trọng Trung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay người nông dân trong tỉnh đã biết chú trọng vào việc nuôi trồng thủy sản nâng cao chất lượng sản phẩm, để đầu ra đạt hiệu quả cao.
Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng để phát triển thương hiệu thủy sản Khánh Hòa về lâu dài. “Với vai trò của mình, Hội thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động hội viên nuôi trồng sản xuất an toàn, nguồn gốc địa chỉ rõ ràng. Đây là cách giúp nông dân tiêu thụ tốt hơn thị trường trong và ngoài nước. Mặc khác để người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sản phẩm của nông dân”, ông Nguyễn Trọng Trung chia sẻ.