Theo tính toán của nông dân nuôi lươn đồng ở vùng thượng nguồn huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), nếu quá trình nuôi thuận lợi thì nuôi lươn có thể cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay đánh bắt thủy sản mùa nước nổi...
Khoảng 4 - 5 năm gần đây, song song với những mô hình nuôi thủy sản khác, mô hình nuôi lươn thịt thương phẩm đang được nhiều hộ gia đình ở vùng thượng nguồn huyện Hồng Ngự lựa chọn để phát triển kinh tế.
Ban đầu, mô hình nuôi lươn thịt thương phẩm được người dân tự phát triển trong mùa lũ. Dần dần với những hiệu quả kinh tế thiết thực, mô hình nuôi lươn thịt trong mùa lũ này đang được nhiều nông hộ nhân rộng trên địa bàn huyện Hồng Ngự.
Gắn bó với nghề nuôi lươn thương phẩm được 5 năm, song năm 2020 này là năm đầu tiên anh Mai Văn Hầu ngụ ấp Chòm Xoài, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) mạnh dạn đầu tư diện tích thả nuôi lươn với số lượng lớn (khoảng gần 6.000 con).
Ngoài nuôi lươn quy mô lớn hơn những vụ trước thì nguồn gốc lươn giống của anh Hầu lựa chọn năm nay, cũng khác biệt hơn. Thay vì thu thập lươn giống ngoài tự nhiên, năm nay anh quyết định chọn nuôi lươn được sinh sản bán nhân tạo từ nguồn giống của địa phương.
Anh Mai Văn Hầu chia sẻ: “Mấy năm trước, lươn đồng ngoài tự nhiên còn nhiều lắm. Sau mỗi mùa nước nổi trong năm, tôi đi bắt lươn ngoài tự nhiên về nuôi khoảng 2 - 3.000 con. Sau mỗi vụ thu hoạch cũng bỏ túi được khoảng vài chục triệu đồng...".
Tuy nhiên, theo anh Hầu, những năm gần đây, diễn biến lũ rất thất thường, lươn đồng ngoài tự nhiên không còn nhiều nên việc thu thập lươn giống ngoài tự nhiên về nuôi rất khó khăn.
Do đó, với sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp, anh Hầu quyết định chọn lươn giống được sinh sản bán nhân tạo tại địa phương để thả nuôi vụ này. Hiện đàn lươn mới của anh đang phát triển rất tốt...
Thiếu hụt nguồn lươn giống tự nhiên cũng là niềm trăn trở của nhiều hộ dân theo nghề nuôi lươn khu vực thượng nguồn huyện Hồng Ngự.
Mặc dù, lươn thương phẩm hiện nay có thị trường tiêu thụ tốt, song khan hiếm nguồn con lươn giống chính là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của mô hình nuôi lươn đồng trong bể lót bạt.
Nhằm giúp nông dân giải quyết điểm nghẽn về lươn giống đầu vào, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) triển khai thực hiện hỗ trợ nông dân thí điểm phát triển mô hình nuôi lươn sinh sản.
Hiện tại số cơ sở cung cấp lươn sinh sản tại địa phương vẫn còn khiêm tốn, song đã giúp cho nhiều hộ dân nuôi lươn thương phẩm chủ động được nguồn con lươn giống chất lượng cao cho đầu vào.
Anh Lê Văn Cho ở ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) một trong những hộ dân phát triển nuôi lươn thành công cho biết: “Cũng như nhiều hộ dân ở địa phương, gia đình tôi mấy năm gần đây kinh tế khấm khá hơn nhờ phát triển mô hình nuôi lươn thịt. Song việc khan hiếm nguồn con lươn giống tự nhiên cũng gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Vừa rồi, nhờ sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp huyện một phần chi phí về con giống, thức ăn cũng như hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm nuôi lươn sinh sản...".
Theo anh Cho, nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp huyện Hồng Ngự nên mô hình nuôi lươn sinh sản của gia đình anh phát triển rất thuận lợi.
Hiện lươn giống của anh Cho đáp ứng tốt cho nhu cầu của bà con trong nghề nuôi lươn ở địa phương và xuất bán đi nhiều tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ nuôi lươn mà trung bình mỗi năm doanh thu của gia đình anh Cho được khoảng trên 100 triệu đồng, trừ hết chi phí thì đây cũng là một khoản thu nhập khá hơn rất nhiều so với mấy công lúa của gia đình.
Một trong những lý do khiến mô hình nuôi lươn thịnh hành trong những năm gần đây tại huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) là do nhu cầu của thị trường tăng. Bên cạnh đó, so với nhiều mô hình chăn nuôi khác thì nuôi lươn có khoản đầu tư thấp, người dân vùng đầu nguồn có thể tận dụng nguồn cua, ốc sẵn có ngoài đồng ruộng để làm thức ăn cho lươn.
Bên cạnh đó, lươn là loại vật nuôi dễ tính, ít tốn công chăm sóc, do đó nhiều nông hộ có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi để cải thiện thu nhập cho gia đình.
Với những giá trị mà con lươn mang lại, mô hình nuôi lươn làm kinh tế này đang giúp cho nhiều gia đình vùng thượng nguồn sông Tiền của huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế rất tốt.
Về lâu dài, để con lươn của Hồng Ngự tạo được vị thế trên thị trường thì việc đầu tư cho thương hiệu “Lươn Hồng Ngự” là vấn đề cần được quan tâm. Hướng đến phát triển các sản phẩm chế biến từ lươn cũng là giải pháp để vật nuôi tiềm năng này có thể đi đường dài được với nông dân Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).