Theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngành nghề nông thôn bao gồm 7 nhóm ngành nghề là: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; Sản xuất muối; Dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn tổ chức sáng nay, 23/11 tại Hà Nội, TS.Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đánh giá, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, các làng nghề, ngành nghề truyền thống của nhiều địa phương có thêm động lực để phát triển.
Theo thống kê, đến năm 2020, tổng số các cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn là trên 817.000 cơ sở, tăng 119.000 cơ sở so với năm 2017 thời điểm trước khi có Nghị định số 52/2018/NĐ-CP.
Các cơ sở này tạo việc làm cho trên 2,3 triệu lao động, tăng 300.000 lao động so với năm 2017 (tăng 15%), trong đó số lao động thường xuyên chiếm 75%, lao động thời vụ chiếm 25%. Thu nhập bình quân của lao động đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 2 lần lao động thuần nông.
Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ vẫn đạt 309 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng được mở rộng, trong đó thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Hiện hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Các tổ chức sản xuất ngành nghề nông thôn hiện nay bao gồm 9.459 doanh nghiệp; 3.382 hợp tác xã; 6.553 tổ hợp tác và trên 797.600 hộ gia đình.
Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, hình thức tổ chức sản xuất đã có xu hướng chuyển mạnh sang các mô hình tổ chức liên kết sản xuất, trong đó tăng 3.459 doanh nghiệp, 882 hợp tác xã và 1.553 tổ hợp tác.
Ở nhiều địa phương đã hình thành hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư liên kết với các hộ gia đình, làng nghề trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm tăng nhanh sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, các địa phương đã rà soát và công nhận được 25 nghề truyền thống, 94 làng nghề và làng nghề truyền thống và thu hồi giấy chứng nhận của 106 làng nghề do không đáp ứng được tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP.
Như vậy đến nay cả nước có 165 nghề truyền thống; 1.951 làng nghề, trong đó có 1.062 làng nghề và 889 làng truyền thống đã được công nhận.
Đến năm 2020, cả nước có 627 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và 652 thợ giỏi làng nghề được phong tặng, trong đó giai đoạn 2018-2020 phong tặng được 137 nghệ nhân và 140 thợ giỏi.
Đơn cử như làng nghề mây tre đan Bao La, đây vốn là làng nghề truyền thống có từ lâu đời của huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế), chủ yếu làm rổ rá, thúng mủng phục vụ sản xuất nông, ngư nghiệp.
Tuy nhiên, làn sóng đồ nhựa tràn về khiến làng nghề có lúc lao đao, số người còn làm nghề mai một dần. Năm 2007, với quyết tâm vực dậy nghề truyền thống, HTX Mây tre đan Bao La được thành lập.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, HTX mạnh dạn đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Hiện, HTX có 500 mẫu sản phẩm khác nhau. Nhờ đó, doanh thu của HTX không ngừng tăng qua các năm. Nếu như năm 2017, HTX chỉ có 85 thành viên thì đến năm 2019 đã tăng lên 122 người; doanh thu tăng từ 2, 7 tỷ đồng lên 5,5 tỷ đồng.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng theo TS Lê Đức Thịnh, sự phát triển của khu vực ngành nghề nông thôn, làng nghề vẫn còn khiêm tốn, chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng của khu vực này.
Sự phân bổ của khu vực ngành nghề nông thôn, làng nghề không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương; hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề chủ yếu vẫn là sản xuất tại các hộ gia đình quy mô nhỏ; cơ sở hạ tầng làng nghề còn yếu.
Thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu và sản xuất gây ô nhiễm môi trường; thiếu đội ngũ lao động có tay nghề giỏi, kỹ năng nghề cao; thiếu ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới,...
Đồng tình với nhận định này, ông Tôn Gia Hóa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, trước thực trạng nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, nhiều nghề truyền thống đe dọa bị thất truyền, môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, cần thiết phải xây dựng luật về làng nghề để đảm bảo hiệu lực cho những hoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề một cách bền vững trong tương lai.
"Đặc biệt, cần xây dựng chương trình tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, bởi vấn đề ô nhiễm làng nghề được nhiều cơ quan đánh giá là nghiêm trọng, gây nên những hệ lụy xấu về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng" – ông Hóa nhấn mạnh.
Để các ngành nghề nông thôn phát triển, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế thuê đất và tín dụng ưu đãi hỗ trợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh đặc thù của các ngành nghề thủ công mỹ nghệ.
Đồng thời ban hành Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến 2030, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực ngành nghề nói riêng và nền kinh tế dịch vụ ở nông thôn nói chung.