Thực hiện tốt quy chế dân chủ
Theo báo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM Ninh Bình, hiện tỉnh đã có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XD NTM, 100/116 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 86%; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 52 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 18,5 tiêu chí/xã. Trong đó, 4/5 xã đã có quyết định công nhận xã NTM kiểu mẫu năm 2020 là: xã Khánh Thiện (Yên Khánh), xã Quang Sơn (TP Tam Điệp), xã Đồng Phong (Nho Quan) và xã Yên Hòa (Yên Mô).
Cụ thể, năm 2016 huyện Hoa Lư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM đầu tiên của Ninh Bình. Và lần lượt năm 2017, TP Tam Điệp và năm 2018 huyện Yên Khánh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Tháng 8.2020, huyện Gia Viễn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, trở thành huyện thứ tư của Ninh Bình hoàn thành việc xây dựng NTM.
Để có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của của toàn thể người dân trong 10 năm qua. Nhìn lại những năm đầu thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng NTM, Ninh Bình có xuất phát điểm thấp, bình quân chỉ đạt 5 tiêu chí/xã, có xã mới đạt 1-2 tiêu chí; cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn lực có hạn. Nhận thức đúng đắn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng NTM, tỉnh ta đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân... do đó đến nay kết quả đạt được rất ấn tượng.
Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ", những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong tỉnh Ninh Bình đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện QCDC đến từng cơ sở. Từ đó, tinh thần đoàn kết, chung sức của cộng đồng nhân dân được phát huy, tạo thuận lợi trong việc huy động nguồn lực xây dựng NTM.
Bằng tinh thần vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, phối hợp tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM bằng việc cụ thể hóa chương trình hoạt động, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương: MTTQ Việt Nam các cấp với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng NTM; Hội Cựu chiến binh vận động hội viên tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; Đoàn Thanh niên với phong trào thanh niên tình nguyện giúp người dân ở những vùng khó khăn...
Hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện bằng những việc làm, mô hình, phong trào thiết thực, từ đó khơi dậy, huy động sức mạnh đoàn kết, dân chủ chung tay thực hiện có hiệu quả các mục tiêu lớn của chương trình xây dựng NTM. Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, việc lựa chọn các công trình, hình thức tổ chức xây dựng, các chính sách về huy động nguồn lực như xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa, khu thể thao, đường giao thông, kênh mương thủy lợi được tổ chức họp dân thông báo, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Người dân tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng NTM. Những thắc mắc, kiến nghị cơ bản đều được giải quyết kịp thời.
Bên cạnh thực hiện có chất lượng 19 tiêu chí xây dựng NTM do Trung ương quy định, tỉnh Ninh Bình đã quy định thêm tiêu chí số 20 về "ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân" để xem xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Theo đó, trước khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định kết quả xây dựng NTM, Ban chỉ đạo xã phát phiếu lấy ý kiến các hộ dân, chỉ khi nhận được từ 90% số phiếu đồng tình trở lên thì mới đủ điều kiện để xét công nhận đạt chuẩn NTM. Qua thực tiễn cho thấy tiêu chí này được đông đảo nhân dân đồng tình nhất trí và tích cực tham gia.
Đây cũng là một trong những cách làm sáng tạo của Ninh Bình, góp phần đưa Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (chỉ số SIPAS) tỉnh Ninh Bình năm 2017 và 2018 xếp thứ 2 toàn quốc.
Từ thực tiễn có thể khẳng định, thực hiện QCDC đã và đang phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy nhanh tiến độ trong XDNTM. Diện mạo nông thôn của tình Ninh Bình đã có nhiều đổi mới. Đời sống kinh tế, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 691/QĐ-TTg về tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019 - 2020; hướng dẫn trình tự, thủ tục xét công nhận và công bố xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2019 - 2020.
Tỉnh Ninh Bình xác định, các xã khi đã được công nhận đạt chuẩn NTM cần tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng tiêu chí và hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Việc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu sẽ tạo nền tảng quan trọng hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu, trong đó, cốt lõi là nâng cao vượt bậc đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Trên cơ sở đó, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020 và văn bản hướng dẫn thực hiện; lựa chọn 96 thôn để tập trung triển khai, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 400 triệu đồng/xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 100 triệu đồng/thôn đăng ký khu dân cư kiểu mẫu.
Xác định xây dựng NTM kiểu mẫu thực chất, bền vững, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo kiên trì, thực hiện hoàn thành từng nhiệm vụ, tiêu chí theo phương châm: "dễ làm trước, khó làm sau". Đồng thời đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; thường xuyên động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM kiểu mẫu, khắc phục khuynh hướng "nóng vội", tư tưởng "trông chờ, ỷ lại".
Để thực hiện, Ninh Bình đã tranh thủ và huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng NTM kiểu mẫu; thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự đóng góp của hợp tác xã, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tạo ra nguồn lực tổng hợp.
Đặc biệt, tích cực huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng NTM kiểu mẫu theo phương châm "Dân làm, nhà nước hỗ trợ", tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, huy động tối đa nguồn lực để tạo đột phá; chú trọng đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.
Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, Ninh Bình gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo đó, về nguồn vốn, các địa phương đã khai thác mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nên kinh phí đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu của địa phương hạn chế. Việc huy động đóng góp của nhân dân, cá nhân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hội đồng nhân dân tỉnh chưa ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ cho xã xây dựng NTM kiểu mẫu.
Do đó, Ninh Bình kiến nghị Chính phủ bổ sung nguồn vốn xây dựng NTM kiểu mẫu cho các địa phương; có cơ chế hỗ trợ và khen thưởng đặc thù cho các xã, thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tiếp tục nâng cao các tiêu chí
Ngay từ đầu năm, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Ninh Bình đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành Chương trình công tác năm 2020; thành lập các Tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2020; phân công thành viên BCĐ tỉnh phụ trách 07 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2020.
Tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án phân bổ vốn XD NTM năm 2020; phương án xử lý công nợ xi măng làm đường giao thông nông thôn. Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025; Phối hợp với các huyện, xã điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp cho 35 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức tập huấn cán bộ NTM cấp huyện, Sở, ngành cho hơn 1.600 lượt người; tổ chức tham quan, học tập mô hình xây dựng NTM tại tỉnh Thanh Hóa; cập nhật phần mềm quản lý 19 tiêu chí XD NTM…
Chỉ tính đầu năm 2020 đến nay, tỉnh đã cấp thêm 11.095 tấn xi măng, làm được 324 tuyến đường với tổng chiều dài 63km. Lũy kế toàn tỉnh đã tiếp nhận 232.512 tấn xi măng, làm được 15.422 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1.843km (Riêng trong tháng 9/2020 các địa phương đã tiếp nhận 392 tấn xi măng, làm được 4 tuyến đường với tổng chiều dài 2,2km). Ninh Bình hiện có 101 xã đã hoàn thành và được phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa, 06 xã đang thực hiện dở dang, 04 xã chỉnh trang đồng ruộng và 08 xã không thực hiện do đất ít, gọn và đặc thù địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình như: Số lượng cán bộ chuyên trách của Văn phòng Điều phối NTM còn ít, chủ yếu là kiêm nhiệm, trong khi khối lượng công việc, đầu mối liên hệ nhiều, dẫn đến áp lực công việc lớn nên có lúc tâm lý chưa yên tâm trong công tác…
Để hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu, nhiệm vụ XD NTM năm 2020, những tháng còn lại của năm, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Ninh Bình hướng dẫn các xã hoàn thiện hồ sơ xét công nhận xã NTM, NTM kiểu mẫu; tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách, Đề án NTM tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025. Phối hợp với huyện Yên Mô đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, thủ tục hồ sơ thẩm tra các tiêu chí huyện NTM vào cuối năm 2020 đầu năm 2021.