Trả lời câu hỏi của Dân Việt tại buổi họp báo thông tin về chuỗi sự kiện Kỷ niệm ngành lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức chiều 24/11 về mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, đây là khát vọng, mong muốn, quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu Chính phủ.
"Không đơn thuần là con số 1 tỷ cây xanh, mục tiêu này của Thủ tướng còn nhằm truyền đi thông điệp quyết tâm khôi phục, nâng cao chất lượng rừng và môi trường" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, sau khi Thủ tướng đưa ra mục tiêu này tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ NNPTNT đã có báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án trồng 1 tỷ cây xanh.
"Tinh thần của mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh sẽ là những cây lâu năm có tán rộng, có tác dụng phòng hộ môi trường tốt, việc trồng cây xanh được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và không tính vào diện tích trồng rừng thay thế hàng năm" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn thông tin thêm.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc Thủ tướng đặt ra mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh cũng là cơ hội để các ngành chức năng, các địa phương đặt ra một mục tiêu, chương trình cụ thể hơn cho phong trào Tết trồng cây hàng năm.
Theo đó, để có được 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới sẽ tập trung trồng cây ở các đô thị, trồng ở khu công nghiệp, trên các hệ thống đường giao thông, những khu vực chuyên canh nông nghiệp nhưng không có bóng cây. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng trên đất lâm nghiệp.
"Trong 5 năm, chỉ cần mỗi người trồng 2 cây trong 1 năm là sẽ phủ xanh 1 tỷ cây. Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào phải thiết thực, trồng có bài bản, kế hoạch chứ không phải cắm cây xuống là xong" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NNPTNT đã đề xuất việc thực hiện mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh sẽ được lồng ghép trong chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời khẳng định, đây không phải là việc của riêng ngành lâm nghiệp, để đạt hiệu quả, cần sự chung tay của các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Được biết, trải qua 75 năm hình thành và phát triển, ngành lâm nghiệp đang khẳng định vị thế là một ngành kinh tế vì môi trường, dân sinh, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao độ che phủ rừng.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, nhiều năm qua kim ngạch xuất khẩu lâm sản tăng trưởng nhanh trên 10%. Riêng năm 2020, tính đến tháng 11/2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11,7 tỷ USD, tăng mạnh so với 10,1 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
"Về cơ bản năm 2020 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 13 tỷ USD. Năm 2021 xác định chỉ tiêu sẽ phấn đấu đạt 14,5 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng 10%, hướng tới đạt con số 20 tỷ USD vào 2025" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.
Dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, nhất là trong tháng 3, tháng 4, nửa đầu tháng 5.
Tuy vậy, nhờ Chính phủ, các bộ ngành có chính sách về tín dụng, giãn thuế, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất; doanh nghiệp, doanh nhân "khó ló khôn", chuyển qua giao dịch bằng internet, bán hàng online… có doanh nghiệp sẵn sàng thế chấp tài sản cá nhân để có vốn giữ được người lao động nên các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn.
Chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam sẽ được tổ chức trong 02 ngày 30/11 và 01/12/2020 tại TP. Vinh, Nghệ An.
Lễ kỷ niệm "Lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển" nhằm ôn lại lịch sử, giáo dục truyền thống gắn với bồi dưỡng ý chí khát vọng vươn lên, tinh thần tự hào, chủ động sáng tạo đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuyên truyền về ý nghĩa của các hệ sinh thái rừng đối với đời sống con người, vai trò của kinh tế lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm ngành lâm nghiệp, Bộ NNPTNT cũng sẽ tổ chức Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025".