Theo Bộ NNPTNT, Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được hưởng ứng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ năm 1992, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đưa IPM vào Việt Nam, hỗ trợ đào tạo giảng viên IPM (TOT), huấn luyện nông dân thông qua các lớp học hiện trường đồng ruộng (FFS); Chương trình IPM đã được áp dụng trên lúa, bông, rau màu và cây ăn quả… ở nước ta.
Các biện pháp áp dụng trong IPM còn là cơ sở để phát triển các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, công nghệ sinh thái; là cơ sở định hướng sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sinh vật gây hại và canh tác theo hướng hữu cơ. IPM là Chương trình góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nông dân, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Trên 2 triệu ha canh tác áp dụng IPM
Ngày 2/6/2015, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 2027/QĐBNN-BVTV về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở Đề án, nhiều địa phương đã xây dựng, triển khai Chương trình IPM cho một số cây trồng chính.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Bộ NNPTNT đã tổ chức đào tạo giảng viên TOT- IPM cơ bản (giảng viên nguồn) cho cán bộ của các Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh và Trung tâm BVTV vùng.
Các địa phương cũng tổ chức đào tạo TOT-IPM thực hành và tập huấn ngắn hạn cho 3.210 lượt cán bộ, 1.253 lớp tập huấn nông dân về IPM trên lúa, rau, cây ăn quả với hơn 46.000 lượt nông dân tham gia, xây dựng được 1.200 mô hình IPM, diện tích áp dụng trung bình trên 2 triệu ha/năm.
Chương trình IPM góp phần tăng sử dụng phân bón hữu cơ 10-30%, giảm phân bón vô cơ 10-20%; sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 10-30%, thuốc hóa học giảm 15-30%; lượng giống giảm 15-30%; giảm lượng nước tưới 15-20%; năng suất tăng 5-15%.
Diện tích áp dụng IPM cũng tăng 10-15% ở các địa phương và góp phần nâng cao hiểu biết và áp dụng IPM lên 40-70% so với 5 năm trước.
Bên cạnh đó các địa phương cũng triển khai các chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), chương trình công nghệ sinh thái và lồng ghép với nhiều chương trình khác như sản xuất rau an toàn, sản xuất trồng trọt theo hướng GAP… mở được gần 2.500 lớp tập huấn cho hơn 1 triệu lượt nông dân tham dự.
Mặc dù chương trình IPM đã đạt được những kết quả khả quan, được nhiều địa phương đánh giá cao nhưng đến nay việc áp dụng chương trình IPM vào sản 2 xuất vẫn còn những khó khăn như chưa phổ cập được trên diện rộng như mong đợi, nhiều giảng viên IPM không còn công tác trong ngành, một số địa phương chưa phê duyệt đề án, chương trình hoặc kế hoạch IPM.
Mở rộng áp dụng trên các cây trồng chủ lực
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, AFTA cũng như nhiều hiệp định thương mại khác. Việc tham gia thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, nhưng cũng đòi hỏi ngày càng cao về an toàn thực phẩm.
Từ các kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Đề án IPM, trước những thách thức trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới và để Chương trình IPM trở thành một chương trình được thực hiện rộng khắp trên cả nước. Đặc biệt là việc áp dụng IPM trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu, Bộ NNPTNT đã ban hành Chỉ thị số 8141 về việc tiếp tục triển khai Chương trình IPM.
Theo đó, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai IPM trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế và có tiềm năng xuất khẩu ở địa phương, đặc biệt là các xã nông thôn mới, các xã có mô hình sản xuất cánh đồng lớn, mô hình liên kết, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Bố trí và hướng dẫn sử dụng ngân sách địa phương, lồng ghép IPM vào các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn (Chương trình nông thôn mới, các chương trình dự án khuyến nông…), huy động nguồn vốn xã hội hóa, hợp tác công tư (PPP) để tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển IPM trên diện rộng.
Các đơn vị nghiên cứu Tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp sử dụng trong IPM, nhất là chọn tạo giống chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp canh tác (chăm sóc cây khỏe, tiết kiệm nước và vật tư nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái) và biện pháp sinh học.
Chỉ thị số số 8141/CT-BNN-BVTV
Bộ NNPTNT giao Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp với FAO, triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực cho hệ thống ngành BVTV để giảm thiểu nguy cơ dịch hại cây trồng” năm 2021-2022.
Trong đó tập trung xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động theo hướng tiếp cận mới là quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp; xây dựng chương trình và bộ tài liệu hướng dẫn đào tạo giảng viên và nông dân.
Cùng với đó, Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo giảng viên IPM cho các địa phương; phối hợp, hỗ trợ các địa phương để tổ chức lớp đào tạo giảng viên IPM từ nguồn ngân sách địa phương.
Chủ trì, phối hợp với FAO, Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Cao đẳng, các sơ sở đào tạo có ngành nghề nông nghiệp tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật cho chương trình IPM bám sát thực tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hướng dẫn các địa phương áp dụng IPM trên quy mô diện rộng để đảm bảo hiệu quả phòng chống sinh vật gây hại tốt nhất; Kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong tổ chức triển khai, thực hiện.
Bộ NNPTNT giao Cục Trồng trọt chỉ đạo các địa phương bố trí thời vụ phù hợp, luân canh cây trồng, sử dụng giống chống chịu và bón phân cân đối để hạn chế sinh vật gây hại; Khuyến khích, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống chống chịu sâu bệnh.
Đối với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NNPTNT giao bố trí kinh phí để tổ chức thêm các lớp đào tạo giảng viên TOT - IPM cơ bản (giảng viên nguồn), phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật để triển khai thực hiện
Chỉ đạo hệ thống khuyến nông các cấp tăng cường tập huấn nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp thông qua các lớp FFS; xây dựng mô hình IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI, công nghệ sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ… để nhân rộng Chương trình IPM trong thực tiễn sản xuất trồng trọt.