Theo nhận định của giới chuyên môn, giá tiêu tại thị trường trong nước liên tục tăng trong những ngày gần đây chủ yếu do nhu cầu tăng dần, trong khi nguồn cung có xu hướng giảm. Đặc biệt, thời gian qua thị trường Trung Quốc tăng lượng mua hồ tiêu từ Việt Nam để chế biến xuất khẩu.
Trao đổi với PV Dân Việt về tình hình giá tiêu hiện nay, ông Phan Huy Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh - doanh nghiệp được ví là "ông trùm" xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam - cho biết, giá tiêu đang tăng lên là có thật chứ không phải giá ảo.
"Giá tiêu tăng trong thời gian gần đây chủ yếu do nhu cầu mua trên thị trường tăng lên, tuy nhiên lượng mua vẫn ít so với sản lượng hồ tiêu của Việt Nam và đây không phải là dấu hiệu đột biến" - ông Thông nói.
Hiện nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm của nước ta như Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới. Dù dự báo nhiều nơi bị mất mùa, tỉ lệ đậu trái thấp nhưng sản lượng hồ tiêu dự báo vẫn khoảng 250.000 tấn. Nếu thị trường đổ ra bán cùng lúc khoảng 50.000-70.000 tấn thì lập tức thị trường sẽ "xẹp lép".
Bảng giá tiêu ngày 28/11/2020 tại một số vùng nguyên liệu. Nguồn: tintaynguyen
"Giá tiêu tăng đem lại nhiều tín hiệu tốt cho thị trường vốn đang ảm đạm, và giúp nông dân phấn khởi, có động lực tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn tiêu. Bên cạnh đó, giá tiêu tăng cũng một phần do các đại lí, thương nhân găm hàng, hạn chế bán ra để đợi giá tiêu tăng cao hơn. Ước tính lượng hạt tiêu còn trong các hộ dân khoảng hơn 100.000 tấn, thậm chí có người giữ tiêu hàng mấy năm trời, chỉ nhà nào cần tiền chi tiêu, hoặc trả nợ mới bán hết" - ông Thông phân tích.
Thực tế hạt tiêu sau khi phơi khô có thể tích trữ, bảo quản trong 2-3 năm, tuy nhiên nếu trữ tiêu quá lâu cũng có thể bị ẩm mốc, hao hụt, ảnh hưởng chất lượng. Nhưng khi thu hoạch tiêu vụ mới, bà con sẽ trộn lẫn với một phần tiêu cũ nên bình thường rất khó phát hiện.
Nói về việc có nên bán tiêu trong thời điểm này, hay là đợi giá tiêu tiếp tục tăng cao hơn, "ông trùm" xuất khẩu hồ tiêu Phan Minh Thông thẳng thắn nói: Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay thì khi có khách mua hàng, tốt nhất bà con nên bán ngay.
"Những vườn tiêu chăm sóc tốt, đạt năng suất thì với giá tiêu như hiện nay, bà con đã có lãi rồi, thậm chí có vườn có thể lãi hàng chục triệu đồng/tấn. Không phải vì tôi là doanh nghiệp xuất khẩu mà tôi khuyên bà con như vậy, đó chính là bài học tôi đúc rút được trong quá trình sản xuất kinh doanh. Có khách hàng mua thì bán, qua đó bà con sẽ có vốn để tiếp tục đầu tư tái sản xuất" - ông Thông giải thích thêm.
"Rất nhiều khách hàng của tôi ở châu Âu đang tồn cả ngàn tấn tiêu không xuất đi được do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các giao dịch vẫn bị "tê liệt". Do đó, nếu bây giờ có khách hàng mua là tốt lắm rồi. Kể cả giá tiêu không được như mong đợi, chúng tôi vẫn phải xuất bán, bởi lưu kho thêm ngày nào sẽ tốn thêm chi phí ngày đó, rủi ro cao hơn. Thêm vào đó, chúng tôi vẫn tiếp tục mua tiêu vụ mới để phục vụ chế biến, đáp ứng những đơn hàng đã kí xa" - ông Thông nói.
Cũng theo ông Thông, 4 tháng đầu năm 2020 tình hình xuất khẩu hồ tiêu tại Công ty CP Phúc Sinh vẫn tương đối thuận lợi, song từ đó đến nay, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp đã giảm 30-40% do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
"Nhiều dự báo nhận định sản lượng tiêu của Việt Nam vụ này sẽ giảm do mất mùa, tuy nhiên tôi cho rằng, nếu có mất mùa tới 17% như dự báo thì sản lượng tiêu của Việt Nam vẫn còn hơn 200.000 tấn, cộng với lượng tiêu tồn kho cũng không ít. Như vậy thị trường sẽ khó có đột biến về giá.
Đó là chưa kể, hiện nay giá tiêu của Indonesia còn rẻ hơn cả chục triệu đồng/tấn so với giá tiêu Việt Nam. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi vẫn thường mua tiêu Nampong của Indonesia bởi có chất lượng tốt, giá cạnh tranh" - ông Thông thẳng thắn chia sẻ.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 10/2020 ước đạt 19.000 tấn với giá trị đạt 48 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu tiêu 10 tháng đầu năm 2020 đạt 239.000 tấn và 537 triệu USD, giảm 4,6% về khối lượng và giảm 15,2% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 là Mỹ, Đức và Ấn Độ chiếm 31,3% thị phần tổng giá trị xuất khẩu tiêu. Thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm 2020 là Mianma (tăng 24,4%).