Người dân nên tái đàn gia cầm có kiểm soát
Theo các chuyên gia chăn nuôi, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn các tỉnh, thành không đủ điều kiện tái đàn đã ồ ạt chuyển sang đầu tư nuôi gà, ngan, vịt… Điều này khiến tổng đàn gia cầm tăng mạnh, nguồn cung dư thừa so với nhu cầu thị trường.
Cùng với đó, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến khách du lịch giảm, dịch vụ kinh doanh ăn uống vắng khách, nhiều nhà hàng và khách sạn phải đóng cửa, thu nhập của người lao động sụt giảm, chợ bán thực phẩm cũng cung cấp cầm chừng… dẫn đến đầu ra gặp khó khăn, giá gia cầm thương phẩm liên tục giảm trong thời gian qua.
Là tỉnh có tổng đàn gia cầm tăng nhanh, bà Đồng Thị Vĩnh Hằng - Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai) khuyến cáo: Hiện nay, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 5,8 triệu con, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Do đó, để phòng tránh rủi ro, người chăn nuôi tại các xã, huyện trên địa bàn tỉnh không nên chạy theo phong trào mà cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường trước khi đầu tư tái đàn.
Đồng thời, bà Hằng cũng khuyến cáo các chủ trang trại nên chủ động đổi mới phương thức chăn nuôi, đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi.
Bên cạnh đó, bà con cần lựa chọn đối tác cung ứng vật tư chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm để bảo đảm chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi.
Cũng theo bà Hằng, từ đầu năm 2020, giá gà tại các vùng ở Lào Cai liên tục giảm, từ 90.000 đồng/kg xuống 60.000 đồng/kg, có lúc chỉ còn 50.000 đồng/kg. Đặc biệt, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các nhà hàng và cơ sở chế biến thực phẩm đã dừng hợp đồng mua gà dẫn đến không tiêu thụ được, nhiều hộ xã viên bị thua lỗ nặng.
Để tìm kiếm đầu ra, bà con chăn nuôi phải đôn đáo tìm thương lái trong và ngoài tỉnh mua gà. Tuy nhiên, hiện sức tiêu thụ vẫn rất thấp, trung bình lượng tiêu thụ đã giảm gần 1/3 so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Đồng Nai, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh này đạt gần 29 triệu con, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng đàn gà đạt gần 26,9 triệu con, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Đáng nói, nhiều vùng chăn nuôi gia cầm lớn của tỉnh như Trảng Bom, Cẩm Mỹ..., nhiều trang trại gà thả vườn đang trong tình trạng đã đến kỳ xuất chuồng nhưng không có người mua hoặc mua chỉ với số lượng ít và chọn những con đẹp, số còn lại, người dân phải tự bán.
Hiện giá gà thả vườn bán tại trại ở các vùng của Đồng Nai chỉ ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 20 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, giá vịt thịt ở đây cũng chỉ dao động từ 24.000 đồng đến 28.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp khoảng 20.000 đồng đến 23.000đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi đang chịu thua lỗ khá nhiều.
Giá gia cầm hôm nay: Gà, vịt chững giá
Giá gà thịt công nghiệp hôm nay bán ra tại trại công ty chỉ còn 23.000 - 24.000 đồng/kg; tại trại tư nhân bán cao nhất chỉ được 23.000 đồng/kg gà loại 1 trên 3,3kg/con...
Giá vịt bơ trại bán thịt được giá từ 24.000 đồng đến 28.000 đồng/kg, tùy loại, giá vịt trời bán buôn ở mức trên dưới 60.000 đồng/con; giá vịt siêu thịt bán từ 40.000 đồng đến 55.000 đồng/con.
Giá vịt xiêm thịt bán được giá trên 50.000 đồng/kg; giá ngan thịt thịt dao động từ 44.000 đồng đến 48.000 đồng/kg tại trại.
Giá ngan thịt bán ở chợ đầu mối ở mức từ 55.000 đồng đến 65.000 đồng/kg, tùy loại.