Loạt bài "Quyết sách từ nghị trường, cánh đồng bừng sáng" được Dân Việt thực hiện nhằm giúp bạn đọc có một cái nhìn toàn diện về những quyết sách hết sức đúng đắn và quan trọng trong lĩnh vực tam nông trong 10 năm qua, trải qua hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và XIV, đã góp phần không nhỏ giúp cho nông nghiệp Việt Nam cất cánh, trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế nước nhà, ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất.
Nói về sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường nhiều lần khẳng định, chưa bao giờ nông nghiệp, nông thôn, nông dân được quan tâm như hiện nay. Chỉ tính riêng trên nghị trường Quốc hội, chỉ trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và XIV, đã có 10 dự án luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn được thông qua cùng hàng loạt các nghị quyết có tác động vô cùng to lớn đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.
Một quyết sách, nông thôn đổi thay
Là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn bao giờ cũng tạo được sự tranh luận, thảo luận sôi nổi, nhiệt tình, đa chiều nhất trong mỗi kỳ họp Quốc hội.
Không những thế, đây cũng là lĩnh vực luôn có nhiều quyết sách, dự thảo luật có liên quan nhất được thông qua nhất trong mỗi kỳ họp Quốc hội, tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng, động lực để nông nghiệp phát triển đúng định hướng, an toàn, bền vững và theo thông lệ quốc tế.
"Chỉ trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và XIV, Quốc hội đã thông qua hơn 10 dự án luật quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn; thông qua nhiều quyết sách lớn kịp thời định hướng, thúc đẩy, giải quyết nhiều vấn đề lớn, là điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp" - ông Hà Sĩ Đồng nhấn mạnh.
Có thể kể đến những dự án luật vô cùng quan trọng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Luật Phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; Luật Tài nguyên nước; Luật biển Việt Nam; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Thú y; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Thủy sản; Luật Thủy lợi; Luật Lâm nghiệp; Luật chuyển giao công nghệ...
Các nghị quyết có sức ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp là: Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nhiệp; Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Ngày 23/11/2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp được thông qua với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, vệ sinh môi trường.
Để đạt được mục tiêu này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi những tiêu chí chưa phù hợp của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản của chương trình; chú trọng đẩy mạnh sản xuất, đổi mới cơ cấu sản xuất, gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Từ nghị quyết này, cộng với giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Bộ NNPTNT, các địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả mang tính đột phá, tạo ra một diện mạo mới cho các vùng nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tính đến hết tháng 6 năm 2020, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 8,2% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020); có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã tăng 3,2 tiêu chí so với năm 2015, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Có 168 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nông nghiệp khẳng định vị trí "trụ đỡ"
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thành công lớn nhất của ngành nông nghiệp những năm qua là thực hiện cơ cấu lại ngành theo các trục sản phẩm và dựa trên lợi thế của từng địa phương. Để có được thành công đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có ngành nông nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, giai đoạn 2016-2020, chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp tiếp tục được cải thiện. Năng suất lao động bình quân 5 năm 2016 - 2020 tăng 6,8%/năm, gấp gần 1,9 lần mục tiêu đề ra của Kế hoạch 5 năm (3,5%/năm) và cao hơn mức tăng 6,6% của năm 2015.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 của Kế hoạch 5 năm (39 - 40 tỷ USD) và cao hơn nhiều so với mức 30,45 tỷ USD của năm 2015.
Tính trên cả giai đoạn 5 năm 2016 – 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 190,32 tỷ USD, bình quân đạt 37,06 tỷ USD/năm.
Cụ thể hóa Nghị quyết này, ngày 16/11/2017, Chính phủ đã có Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%; lao động nông nghiệp được đào tạo đạt khoảng 22%...
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Chính phủ, báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả ấn tượng nhất trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp là tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của toàn nền kinh tế.
Đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với lợi thế và nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Diện tích lúa và cây công nghiệp hàng năm có xu hướng giảm, diện tích cây lâu năm tăng lên, đặc biệt là cây ăn quả; chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; tăng thủy sản nuôi trồng, giảm thủy sản đánh bắt.
Ba là, các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới. Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm. Đến hết năm 2019 có 15.363 hợp tác xã nông nghiệp (tăng 1,36 lần năm 2015) và 45 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; đến hết năm 2020 ước có trên 17.000 hợp tác xã nông nghiệp (tăng 1,5 lần năm 2015) và 57 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.
"Doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2016 cả nước có 4.600 doanh nghiệp nông nghiệp, năm 2017 tăng lên 5.700; năm 2018, có 8.420 doanh nghiệp nông nghiệp, đến 31/12/2019 là 10.085 doanh nghiệp. Trong sáu tháng đầu năm 2020 có thêm 1.095 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,1% so cùng kỳ năm trước" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu những con số ấn tượng.
Thị trường tiêu thụ hàng nông lâm thủy sản được mở rộng, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế. Nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều mặt hàng nông sản đã bước đầu thâm nhập vào được các thị trường khó tính, như vải tươi xuất khẩu sang Nhật Bản, dâu tây và bí ngô vào New Zealand,…
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN): Kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31/12/2025 cũng nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp và người dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình), hiện có 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, 50% lĩnh vực nông nghiệp, 35% lĩnh vực thủy sản và 15% trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỉ lệ khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có 93% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
"Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế SDĐNN với nội dung kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN trong thời hạn 5 năm từ 01/01/2021 đến 31/12/2025 sẽ được các đại biểu Quốc hội ủng hộ, người dân, doanh nghiệp rất phấn khởi", đại biểu Phương nói.
Đánh giá cao việc miễn sắc thuế này góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn nhiều hơn, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, việc này sẽ góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Quan trọng hơn là tiếp tục nâng cao đời sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.
(Còn nữa)