Dân Việt

Chợ trâu, bò lớn nhất Bắc Kạn, mỗi phiên giao dịch 1.500 con, kiểm soát bệnh viêm da nổi cục thế nào?

Chiến Hoàng 28/11/2020 11:43 GMT+7
Nhằm phát hiện kịp thời, kiểm soát tốt nguồn lây bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường kiểm tra, khoanh vùng, tuyên truyền, đặc biệt là tại khu vực chợ trâu, bò Nghiên Loan. Tuy nhiên, việc kiểm soát gặp không ít khó khăn do kiểm tra việc tiêm phòng trên trâu bò ra vào chợ còn gặp khó.

CLIP: Khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh tại chợ trâu, bò Nghiên Loan (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn).

Chợ trâu, bò Nghiên Loan (xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm) là chợ gia súc lớn của tỉnh Bắc Kạn. Hiện, chợ không chỉ có trâu, bò của các xã, các huyện lân cận, giáp ranh mà đã mở rộng đến tận Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang…

Mỗi phiên chợ trâu, bò Nghiên Loan có khoảng 1.500 con trâu, bò từ khắp nơi đổ về.

Do đó, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò rất cao nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Bắc Kạn khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại chợ trâu, bò Nghiên Loan - Ảnh 1.

Chợ trâu, bò Nghiên Loan quy mô tầm cỡ khu vực, nơi đây có đến 1.500 con trâu, bò được giao dịch mỗi phiên.

Bắc Kạn khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại chợ trâu, bò Nghiên Loan - Ảnh 2.

Ông Đỗ Xuân Việt - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn nhận định, lượng trâu, bò tại chợ trâu, bò Nghiên Loan đã tăng về số lượng, quy mô chợ không còn phù hợp.

Ông Đỗ Xuân Việt - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, năm 2018, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định 639, chỉ đạo các chợ mua bán gia súc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

"Sau khi tỉnh Bắc Kạn phát hiện có bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại huyện Ngân Sơn, Sở NNPTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp phòng bệnh", ông Việt cho biết.

Bắc Kạn khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại chợ trâu, bò Nghiên Loan - Ảnh 3.

Bắc Kạn khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại chợ trâu, bò Nghiên Loan - Ảnh 4.

Nếu kiểm soát tốt hàng hóa trước khi đưa trâu, bò vào chợ sẽ đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Theo ông Việt, để đảm bảo an toàn, chợ trâu, bò Nghiên Loan cần kiểm soát tốt hàng hóa ngay từ đầu vào. Các hộ cần ý thức về bệnh dịch viêm da nổi cục khi mang trâu, bò đến chợ. Chợ phải thường xuyên được phun thuốc khử trùng, tiêu độc.

Chi cục đã đi kiểm tra, xem xét và sẽ kiến nghị với các ngành để làm sao đảm bảo hoạt động thông thương, đảm bảo được công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn xã Nghiên Loan.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn luôn cử người thường xuyên giám sát tại các phiên của chợ trâu, bò Nghiên Loan. Việc này vừa nhằm đảm bảo công tác cấp giấy kiểm định đưa trâu, bò ra ngoại tỉnh, vừa để kịp thời nắm bắt, kiểm soát tình hình dịch bệnh tại chợ trâu, bò này.

"Đến nay, chưa phát hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc tại chợ trâu, bò Nghiên Loan", Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Bắc Kạn khẳng định.

Bắc Kạn khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại chợ trâu, bò Nghiên Loan - Ảnh 6.

Việc kiểm soát dịch bệnh tại chợ trâu, bò Nghiên Loan còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nông Đức Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan nhận định, khó khăn nhất hiện nay là việc kiểm tra trâu bò đã được tiêm phòng hay chưa.

"Chúng tôi có đề xuất về việc này, tuy nhiên như ở xã chúng tôi, trâu, bò được tiêm phòng định kỳ 2 lần/năm nhưng chưa nơi nào cấp được giấy chứng nhận tiêm phòng trên đàn gia súc" - ông Tùng cho biết.

Theo ông Tùng, không chỉ chợ trâu, bò Nghiên Loan, tất cả các chợ từ trong Nam đến Cao Bằng… chưa đâu kiểm tra được giấy chứng nhận tiêm phòng trên đàn gia súc trước khi cho vào chợ.

Bắc Kạn khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại chợ trâu, bò Nghiên Loan - Ảnh 6.

Ông Ma Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết, sẽ hạn chế tối đa nguồn lây bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ma Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

"Hiện nay, khó kiểm soát chính ở chỗ, chủ vật nuôi mang trâu, bò vào chợ, nhiều người không chủ động làm thủ tục. Giấy tờ chứng minh vật nuôi đã được tiêm phòng cũng chưa đảm bảo", ông Ma Văn Tuấn thông tin thêm.

Huyện đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người chăn nuôi và người tham gia buôn bán về dịch bệnh để hạn chế tối đa nguồn lây, khi phát hiện bệnh sẽ có biện pháp xử lý hiệu quả. 

Huyện cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền các triệu chứng, hình thái bệnh ở đàn vật nuôi; cấp bản tin đọc trên loa phóng thanh tại chợ và các xã. Cùng với đó, phát tờ rơi cho người dân để người dân có hiểu biết về dịch bệnh.

"Vì trâu bò là tài sản lớn, do đó công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò luôn được người dân quan tâm", Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm khẳng định.

Ngày 9/11, ngành chức năng huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm từ con bê 6 tháng tuổi, có biểu hiệu nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại một hộ gia đình ở thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực.

Sau khi xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Con bê này sau đó đã chết.

Trước diễn biến trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương của huyện Ngân Sơn tiếp tục kiểm tra trên đàn gia súc tại xã Hiệp Lực, lấy mẫu bệnh phẩm trên bò nghi bệnh gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương.

Kết quả, phát hiện thêm 4 con bò của 2 hộ tại thôn Bó Lếch và thôn Nà Lạn bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.