Dân Việt

Đại hội đồng cổ đông VPF: Bầu Tú nói gì khi bớt "1 ghế"?

Song Minh 28/11/2020 13:25 GMT+7
Bầu Tú cho hay hoạt động kinh doanh của cá nhân mình đang rất bận. Việc thôi kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc VPF giúp ông bớt áp lực!

Sáng nay (28/11), đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) lần thứ 4, nhiệm kỳ 2020-2023.

Sau khoảng 4 tiếng làm việc, Đại hội đã bầu ra Hội đồng quản trị VPF gồm 7 thành viên gồm ông Trần Anh Tú, Nguyễn Quốc Hội, Nguyễn Minh Ngọc,Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Minh Dũng, Đinh Thị Thu Trang, cơ cấu gồm 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 4 Ủy viên.

Ngay sau Đại hội, Hội đồng quản trị VPF nhiệm kỳ 2020-2023 đã họp thêm phiên đầu tiên lúc 12 giờ và 100% tiếp tục đặt niềm tin vào ông Trần Anh Tú (còn gọi là bầu Tú gắn với những thành công vang dội của futsal Việt Nam) trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Trong nhiệm kỳ 2020-2023, bầu Tú sẽ không kiêm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc VPF như nhiệm kỳ trước. Chức danh này đã được chuyển sang cho ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Tổng thư ký VFF, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF.

Đại hội đồng cổ đông VPF: Bầu Tú nói gì khi bớt "1 ghế"? - Ảnh 2.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông VPF nhiệm kỳ 2020-2023. Ảnh: Quang Vinh

"Chiếc ghế" Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF còn lại thuộc về ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao T&T - đơn vị chủ quản CLB bóng đá Hà Nội.

Như vậy, trong khoảng thời gian khoảng 3 năm qua, bầu Tú đã lần lượt bớt gánh nặng kiêm nhiệm khi đã thôi giữ chức Trưởng ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và sau Đại hội hôm nay là chia tay luôn vị trí Tổng Giám đốc.

Với động thái này, ông Tú có thể toàn tâm cho nhiệm vụ chỉ đạo trong vai trò duy nhất, ở vị trí cao nhất VPF là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ban Kiểm soát VPF nhiệm kỳ 2020-2023 gồm 3 thành viên, trong đó bà Nguyễn Thanh Hương được bầu làm Trưởng ban.

Vào 12 giờ 38, Đại hội đã biểu quyết 100% thông qua Biên bản họp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông VPF nhiệm kỳ 2020-2023.

Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF nhiệm kỳ 2020-2023 khẳng định sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Quang Vinh

Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF nhiệm kỳ 2020-2023 khẳng định sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Quang Vinh

Trao đổi với báo chí sau đó, bầu Tú nói: "Việc kiêm nhiệm vị trí ở VPF thời gian trước đây chiếm rất nhiều thời gian của tôi. Dù gì, tôi còn công việc kinh doanh của mình vốn đã rất nặng nề.

Thực tế, tôi cũng dự kiến sẽ làm VPF một nhiệm kỳ 2017-2020 thôi. Nhưng rồi thường trực VFF, Đại hội đồng cổ đông VPF hôm nay vẫn đặt hết niềm tin vào mình ở vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF.

Tôi đã đề cử anh Nguyễn Minh Ngọc làm Tổng Giám đốc để san sản công việc và đã được VFF, các thành viên Hội đồng quản trị VFF đồng thuận.

Thời gian tới, tôi sẽ được giảm tải nhiều, có thời gian cafe nhiều hơn một chút (cười). Anh Ngọc có thể coi là người làm công tác tổ chức thi đấu tốt nhất Việt Nam hiện nay nên có thể yên tâm.

Nhưng còn nhiều mảng việc khác, trong thời gian đầu, tôi cũng sẽ phải sát cánh cùng anh Ngọc để mọi thứ hoạt động trơn tru".

Đại hội đồng cổ đông VPF: Bầu Tú nói gì khi bớt "1 ghế"? - Ảnh 4.

Các thành viên Hội đồng quản trị VPF nhiệm kỳ 2020-2023 ra mắt. Ảnh: Quang Vinh

Bầu Tú chia sẻ thêm, công tác tìm kiếm tài trợ hay nói đơn giản là "kiếm tiền" cho bóng đá Việt Nam luôn là công việc đau đầu nhất.

"Anh Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực VFF đã nhắn nhủ tôi, làm gì thì làm, đừng để "lỗ". Đúng là không để "lỗ" trong thời điểm kinh tế toàn cầu còn đang gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay khó thật!.

Nhưng tôi tin với cố gắng, tâm huyết của bản thân cùng sự đồng lòng của các thành viên trong Hội đồng quản trị, các cổ đông, chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Tân Tổng Giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc: "Tôi xin cảm ơn Đại hội đồng cổ đông VPF đã tín nhiệm tôi trong vai trò Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2020-2023. Nhận nhiệm vụ mới, cá nhân tôi cũng phải cố gắng hơn, cùng các thành viên Hội đồng quản trị cam kết điều hành, tổ chức giải chuyên nghiệp một cách tốt nhất.

Tôi mới nhận chức được khoảng 30 phút và còn phải làm việc với phòng ban Công ty, qua đó có đánh giá sâu sát nhất trước khi đưa ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới.